Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 25/09/2023 01:55 GMT+7

Sự hoài nghi về đường hướng của G7

Biên phòng - Trong tuần trước, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã tiến hành Hội nghị Ngoại trưởng kéo dài 3 ngày tại thủ đô London, Anh. Dưới sự chủ trì của Anh - Chủ tịch luân phiên G7, đây là lần đầu tiên lãnh đạo các nước G7 (gồm Anh, Đức, Italia, Pháp, Mỹ, Canada và Nhật Bản) cùng gặp mặt trực tiếp sau 2 năm bị chi phối hoạt động bởi đại dịch Covid-19.

Các Ngoại trưởng G7 tham dự Hội nghị Ngoại trưởng G7 diễn ra tại Thủ đô London, Anh. Ảnh: AFP

Hội nghị đưa ra cam kết đẩy mạnh những nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, chống biến đổi khí hậu và vấn đề an ninh tại các khu vực trên thế giới. Tuy nhiên, giới học giả quốc tế bày tỏ nhiều hoài nghi đối với những lời cam kết này. Bởi lẽ, G7 vốn đã rơi vào tình trạng chia rẽ trong nhiều năm qua, đặc biệt là trong 4 năm ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ (2016-2020). Nhiều chuyên gia quốc tế cùng chung nhận định rằng, thực trạng G7 vẫn chưa cho thấy những tín hiệu tích cực có thể giải quyết những điều được coi là thách thức toàn cầu hiện hữu. Nguyên nhân của sự hạn chế là do các quốc gia G7 còn kém hòa nhập và trì trệ trong việc loại trừ sự khác biệt về ý thức hệ và bất đồng trong tư tưởng chính trị.

Đưa tin về sự kiện đặc biệt này, truyền thông quốc tế đánh giá, để xây dựng một liên minh gồm các quốc gia "cùng chí hướng", G7 đã mời đại diện của Liên minh châu Âu (EU), Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nam Phi và Brunei - Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm nay cùng tham dự hội nghị. Theo truyền thông quốc tế, sôi nổi bậc nhất trên bàn nghị sự của G7 là các vấn đề về Nga, Trung Quốc.

Tuy nhiên, giới phân tích chỉ ra rằng, sự chia rẽ vẫn còn khá sâu sắc của G7 có thể không dễ dàng vượt qua, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Do đó, việc giải quyết vấn đề Trung Quốc bằng một liên minh mở rộng cũng vẫn được coi là bất khả thi.

Giáo sư kinh tế Khairy Tourk của Viện Công nghệ Illinois (Mỹ) dẫn giải, đối với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, Trung Quốc là một đối tác thương mại không thể thiếu, thậm chí còn mong muốn sự tham gia của Trung Quốc trong việc xây dựng các tham vọng chung. Có thể dễ dàng nhận thấy, nhiều quốc gia hưởng lợi từ Trung Quốc phải miễn cưỡng tham gia một liên minh chống Trung Quốc. Điều này cũng xảy ra tương tự trong vấn đề về Nga. Điểm mâu thuẫn này có thể sẽ trở thành những “rào cản” lớn cản bước G7.

Ông Robin Niblett, Giám đốc Viện Các vấn đề quốc tế Hoàng gia (Chatham House) của Anh cho rằng, những vấn đề cốt lõi hiện nay không phải là các vấn đề với một quốc gia cụ thể như Trung Quốc hay Nga. Thay vào đó, G7 cần tích cực hơn trong những vấn đề bao trùm như tăng cường khả năng phục hồi kinh tế và phát triển đột phá về công nghệ; thống nhất quan điểm chung trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về nâng cấp các quy tắc thương mại thế giới. Những tiến bộ trong các lĩnh vực này có thể cung cấp nền tảng hợp tác nhằm giải quyết 2 trong số những thách thức toàn cầu lớn nhất hiện nay. Đó là: Khả năng chống chọi với đại dịch; chuyển đổi năng lượng thành công khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, tạo đột phá trong cuộc chiến chống tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu.

Rất nhiều chuyên gia quốc tế cùng chung đánh giá rằng, những vấn đề về Trung Quốc hay Nga đang được các quốc gia G7 “cường điệu” mà không có nhiều lợi ích thực tế, nhất là trong bối cảnh thế giới biến động khôn lường bởi các thách thức chung. Nhà bình luận chính trị nổi tiếng người Anh Martin Jacques (Đại học Cambridge, Anh) cho rằng, phương Tây đang ghi nhận nhiều thất bại trong những vấn đề lớn về bất đẳng xã hội, tăng trưởng kém và xử lý khủng hoảng Covid-19 không tốt. Vì vậy, có thể thấy, phương Tây đang chệch hướng khi theo đuổi những mục tiêu không thiết thực.

Nhiều học giả quốc tế còn cho rằng, trước những thách thức chung của nhân loại như dịch bệnh và tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu,... đây không phải lúc để thực hiện những hành động đối đầu. Nếu G7 không cho thấy nỗ lực thực hiện những mục tiêu thiết thực, có tính bao trùm và hiệu quả hơn thì G7 sẽ ngày càng “lỗi thời”, tiếp tục suy yếu vị thế là một tổ chức quốc tế có quyền lực trên thế giới.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO