Biên phòng - Sáng 20-6, Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường biểu quyết thông qua Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) và thảo luận Dự án Luật Thủy sản (sửa đổi).

Với 93,28% tổng số đại biểu tán thành, QH đã thông qua Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) với 8 chương, 51 điều quy định về người được trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý; hoạt động trợ giúp pháp lý; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động trợ giúp pháp lý. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018.
Theo đó, tại Điều 7 của Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) quy định những đối tượng được trợ giúp pháp lý gồm người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; trẻ em; người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.
Ngoài ra, một số đối tượng thuộc một trong các trường hợp sau đây nếu có khó khăn về tài chính cũng sẽ được trợ giúp pháp lý, gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; người nhiễm HIV.
QH cũng đã thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) với 92,46% tổng số đại biểu tán thành. Luật có 9 chương, 78 điều, quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018.
Tiến hành thảo luận Dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), các đại biểu đặc biệt quan tâm tới quy định cho thuê mặt nước nuôi thủy sản. Dự thảo luật đã dành 5 điều để quy định về việc giao, cho thuê mặt nước biển nuôi trồng thủy sản, trong đó đáng chú ý là thời gian giao, cho thuê tối đa 20 năm, gia hạn thời gian thuê nếu Nhà nước chưa có nhu cầu sử dụng, được quy định tại Khoản 5, Điều 44. Đa số đại biểu đồng ý với quy định này và cho đây là điểm tiến bộ, nhưng đề nghị không quy định cá nhân, tổ chức Việt Nam chuyển nhượng, cho thuê lại với tổ chức, cá nhân nước ngoài để tránh tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh - quốc phòng.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận), Ban soạn thảo cần bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương các cấp đối với các tổ chức, cá nhân được giao, cho thuê mặt nước biển đề nuôi trồng thủy sản cũng như các hoạt động thủy sản diễn ra tại địa phương. Đồng thời, việc thu hồi mặt nước biển đã giao, cho thuê để nuôi trồng thủy sản, cần được quy định rõ Nhà nước thu hồi diện tích mặt nước biển đã giao, cho thuê, nếu trong quá trình sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản, các tổ chức, cá nhân có biểu hiện gây ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, an ninh - quốc phòng.

Về quy định thành lập Chi cục Kiểm ngư cấp tỉnh, một số ý kiến cho rằng, thời gian qua, lực lượng Kiểm ngư trên biển còn thưa thớt, lực lượng thanh tra chuyên ngành hoạt động chưa hiệu quả vì thiếu kinh phí, giới hạn về quyền hạn, ranh giới không rạch ròi và phương tiện không đáp ứng yêu cầu... Vì vậy, cơ quan chức năng chưa phát huy hiệu quả ngăn chặn tình trạng khai thác thủy sản tận diệt làm cho nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt. Theo đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre): “Cần có Kiểm ngư cấp tỉnh ở một số địa phương có biển, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị cần thận trọng để tránh trường hợp thành lập ồ ạt các Chi cục Kiểm ngư cấp tỉnh, đầu tư mua sắm trang thiết bị nhưng không đủ nhân lực, kinh phí hoạt động, gây lãng phí cho Nhà nước.
Viết Hà