Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 25/03/2023 01:22 GMT+7

Sự cần thiết phải xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam

Biên phòng - Sau hơn 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP, BĐBP Gia Lai đã phát huy vai trò, chức năng, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, phạm vi hoạt động cũng như mối quan hệ phối hợp với các cấp, các ngành, các lực lượng trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới được bảo đảm, công tác vận động quần chúng, xây dựng địa bàn, đối ngoại, quản lý xuất nhập cảnh, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại được triển khai một cách toàn diện đạt kết quả cao, khẳng định vai trò chủ công của BĐBP Gia Lai trên biên giới.

2kpl_6a
Thời gian qua, BĐBP Gia Lai làm tốt công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại trên biên giới. Ảnh: Thái Kim Nga

Gia Lai là tỉnh nằm trong địa bàn chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh của vùng Tây Nguyên, có đường biên giới dài 90km tiếp giáp với tỉnh Rattanakiri (Vương quốc Campuchia). Khu vực tỉnh có 50 thôn làng thuộc 7 xã, 3 huyện với tổng dân số hơn 45 ngàn người của nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống.

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, tỉnh Gia Lai đã có nhiều chủ trương, giải pháp kêu gọi thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, ban hành và thực thi nhiều chính sách ưu tiên phát triển trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con.

Tuy nhiên, so với khu vực nội địa, trình độ dân trí trên địa bàn biên giới còn thấp, phần lớn là đồng bào DTTS, phương thức sản xuất còn hạn chế. Cùng với đó là những tác động bất lợi từ điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, giá cả các mặt hàng nông sản, cây công nghiệp sụt giảm nên đời sống của một bộ phận người dân còn gặp khó khăn, rất dễ bị các thế lực thù địch và các phần tử xấu lợi dụng để móc nối, tuyên truyền kích động, lôi kéo gây mất ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tổ chức vượt biên ra nước ngoài.

Các loại tội phạm xuyên quốc gia, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm lâm luật, vi phạm quy chế biên giới có thời điểm hoạt động rất phức tạp, tác động trực tiếp đến công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Trong khi đó, đường biên giới trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang trong quá trình hoạch định, phân giới, cắm mốc luôn đặt ra những yêu cầu cấp thiết trong quan hệ đối ngoại để tìm kiếm tiếng nói chung nên vai trò của công tác đối ngoại biên phòng là vô cùng quan trọng.

Trước tình hình đó, BĐBP Gia Lai nhiều năm qua luôn tích cực chủ động phối hợp với các lực lượng quân sự, công an, dân quân tự vệ và huy động nhân dân tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên biên giới, bảo vệ an toàn hệ thống đường biên, cột mốc. Đồng thời, phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới và chính quyền địa phương của bạn trong trao đổi tình hình, thống nhất giải quyết các vấn đề xảy ra hai bên biên giới trên tinh thần hòa bình, hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy tiến trình phân giới, cắm mốc.

BĐBP tỉnh luôn nắm chắc tình hình nội và ngoại biên, nắm chắc những âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của địch và các loại đối tượng để triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra chủ trương đối sách trong đấu tranh ngăn chặn làm thất bại âm mưu, ý đồ chống phá của các thế lực thù địch và bọn phản động. Sau sự kiện gây rối, biểu tình xảy ra trên địa bàn Tây Nguyên vào các năm 2001 và 2004, vấn đề người DTTS vượt biên sang Campuchia và nhem nhóm hoạt động “Tin lành Đề Ga” diễn biến hết sức phức tạp.

Để đấu tranh ngăn chặn hiệu quả, BĐBP tỉnh đã chủ động linh hoạt trong công tác nghiệp vụ, nắm bắt kịp thời thông tin, chủ động xác lập các chuyên án và kế hoạch nghiệp vụ đấu tranh ngăn chặn; mặt khác, tham mưu, phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đề ra những chủ trương đối sách phù hợp trong mọi tình huống không để bị động bất ngờ, xử lý, vô hiệu hóa nhiều đối tượng cộm cán. Trên lĩnh vực đấu tranh chống tội phạm ma túy, tệ nạn xã hội, buôn lậu, gian lận thương mại, có thể nói, lực lượng BĐBP thực sự là “quả đấm thép” trên biên giới, khẳng định được vai trò chủ công trong bảo vệ trật tự trị an địa bàn.

Trên lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, BĐBP Gia Lai đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chuyên trách kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu chính và các đường mòn, lối mở trên biên giới, đáp ứng nhu cầu thông thương, thăm thân của nhân dân hai bên biên giới và hỗ trợ đắc lực cho tỉnh trong chiến lược mở rộng giao lưu, hợp tác, phát triển với các địa phương ở phía đối diện. Công tác cải cách thủ tục hành chính, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát xuất nhập cảnh của BĐBP cũng được tích cực đẩy mạnh, vừa bảo đảm thông thoáng, vừa quản lý chặt chẽ theo đúng với thông lệ quốc tế và pháp luật Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân qua lại biên giới làm ăn, thăm thân.

BĐBP tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân, đối ngoại quân sự và đối ngoại biên phòng. Với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú như kết nghĩa giữa các khu dân cư và đơn vị hai bên biên giới, tuần tra song phương, hội đàm thường niên và đột xuất, phối hợp phân giới cắm mốc, cứu hộ cứu nạn, giúp đỡ hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho lực lượng bảo vệ biên giới và nhân dân Campuchia... đã tạo ra môi trường thuận lợi xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa tỉnh Gia Lai với tỉnh Rattanakiri (Campuchia).

Tuy nhiên, theo kiến nghị của Sở, ban, ngành và cấp ủy, chính quyền các địa phương, sau 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP còn bộc lộ nhiều mặt hạn chế, vì chưa thể chế, luật hóa đường lối, chủ trương của Đảng về quốc phòng-an ninh, về chiến lược bảo vệ biên giới, tạo cơ sở pháp lý, nhằm nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, vùng biển và xây dựng lực lượng BĐBP thành Quân chủng Biên phòng theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.

Trên cơ sở xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của BĐBP, UBND tỉnh Gia Lai đã đề xuất Chính phủ, Quốc hội xây dựng dự án Luật Biên phòng Việt Nam bảo đảm hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO