Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:10 GMT+7

“Sóng và máy tính cho em”

Biên phòng - 1 triệu máy tính trị giá hơn 2.500 tỷ đồng ủng hộ cho học sinh, sinh viên nghèo và 3.000 tỷ đồng cam kết đầu tư phủ sóng kết nối internet di động trên toàn quốc, đó là những con số ấn tượng, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ ngay tại lễ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, ngày 12-9.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, để thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến nghiêm trọng, hiện cả nước có 26/63 tỉnh, thành phố đang tổ chức dạy và học trực tuyến. Trong đó có một số tỉnh chỉ học trực tuyến ở một số vùng, có tỉnh không thực hiện giãn cách nhưng nguy cơ cao vẫn tổ chức học trực tuyến.

Trước khi mở cửa trường học an toàn, đưa việc dạy và học trở lại bình thường mới, thì phương án tổ chức dạy và học trực tuyến là giải pháp tối ưu để tránh mọi nguy cơ lây lan dịch bệnh và bảo đảm an toàn sức khỏe cho giáo viên và học sinh, sinh viên.

Tuy nhiên, ngành giáo dục đang đối mặt với thách thức lớn khi nhiều địa phương thiếu thiết bị học và điều kiện sóng internet chưa đáp ứng cho khoảng 7,35 triệu học sinh các cấp đang học trực tuyến. Thống kê sơ bộ, khoảng 1,5 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tại 26 tỉnh, thành phố chưa có máy tính, thiếu phương tiện để học trực tuyến.

Các chuyên gia còn chỉ ra bất cập trong ứng dụng công nghệ thông tin khi toàn quốc có gần 2.000 điểm “lõm sóng” chưa kết nối được internet. Đặc biệt, khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn còn khoảng cách xa so với các khu vực khác trong cả nước.

Hiện, 61,3% hộ đồng bào vùng DTTS được tiếp cận Internet nhưng chỉ có 10,3% hộ gia đình DTTS sử dụng máy vi tính và có tới 29/53 DTTS có tỷ lệ hộ gia đình sử dụng máy vi tính dưới 5% như Xinh Mun 1,1%, Khơ Mú 1,3%, Rơ Măm 1,5%, La Hủ 1,6%, Ba Na 1,8% và Chứt 1,9%...

Những con số trên phản ánh rõ sự thiếu công bằng trong tiếp cận giáo dục, ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học trực tuyến, nhất là học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Thiếu máy tính, thiết bị học tập trực tuyến, chất lượng đường truyền internet kém..., khiến hàng vạn học sinh không theo học được.

Dạy học từ xa, dạy và học trực tuyến không chỉ là phương thức học tập mang tính tình thế trong điều kiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, mà còn là phương thức phổ biến của các nền giáo dục hiện đại.

Thế nên, chương trình “Sóng và máy tính cho em” có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc khi đặt mục tiêu bảo đảm việc phủ sóng di động toàn bộ 283 điểm chưa có kết nối internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội và phủ sóng toàn bộ 1.910 điểm chưa kết nối internet di động trên toàn quốc. Đặc biệt, chương trình đã nhận được sự tham gia, ủng hộ nhiệt tình của các doanh nghiệp, tổ chức và nhà hảo tâm tặng miễn phí 1 triệu máy tính và phần mềm dạy học trực tuyến cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc trong năm 2021.

Rõ ràng, vượt lên ý nghĩa của một chương trình hỗ trợ nhân văn, “Sóng và máy tính cho em” với mục tiêu nâng cao dân trí, mở mang trí thức xã hội, phát triển xã hội số, đang hướng tới nâng cao chất lượng hạ tầng công nghệ thông tin trong toàn quốc, nhất là vùng nông thôn, miền núi, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, các địa phương trên cả nước.

Trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, việc “phủ sóng”, phổ cập công nghệ thông tin trong lĩnh vực giáo dục còn có ý nghĩa to lớn trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, tiến bộ xã hội một cách nhanh nhất, qua đó đưa Việt Nam sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử, trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO