Biên phòng - Ngày anh chưa đi xa, chiều nào cũng vậy, mẹ già, vợ trẻ, con thơ lại ngồi trước cổng ngóng đợi anh về. Cái sự đợi chờ ấy cũng khắc khoải trong nỗi nhớ nhưng tràn đầy niềm tin và hy vọng rằng, sớm muộn anh cũng sẽ về với gia đình và người thương. Giờ đây, đã vành vạnh gần 300 ngày trôi qua, vẫn những con người ấy ngóng trông trong nỗi nhớ nghìn trùng...

Nỗi đau “gọi tên” covid-19
“Mỗi lần đưa hai đứa con ra thăm mộ anh ấy, em lại nghẹn lòng khi thấy các con ôm tấm bia gọi tên bố Hải. Con của em còn quá nhỏ để có thể thấu hiểu nỗi đau của người ở lại. Chúng chỉ nghĩ bố đi đâu đó thật lâu mới về...”. Lời tâm sự nghẹn ngào của cô giáo Phan Thị Xuân, vợ Thượng úy Phạm Ngọc Hải khiến tôi không cầm được nước mắt. Giá như không có trận lũ định mệnh ấy và trên tất cả, nếu như nhân gian không phải trải qua trận đại dịch khủng khiếp mang tên Covid-19 thì những giọt nước mắt đau thương kia, có lẽ sẽ được lấp đầy bằng nụ cười hạnh phúc.
Nhưng, định mệnh đã sắp đặt để mang đến cái ngày đầy tang thương ấy... “Mưa vẫn đổ như trút, qua sóng điện thoại, tôi bảo anh Hải đừng lo, cứ ở lại trạm kiểm soát, bao giờ tạnh về lại chốt cũng được. Nhưng anh ấy nhất quyết không rời vị trí công tác của mình, vẫn đội mưa chạy về cho có anh, có em ở nơi sơn cùng núi tận này” - Thiếu úy A Minh, nhân viên Đội Kiểm soát hành chính, Đồn Biên phòng Sông Thanh, BĐBP Kon Tum bồi hồi nhớ lại. Trong đôi mắt của anh cán bộ trẻ tuổi người dân tộc thiểu số Giẻ Triêng vẫn còn đau đáu sự tiếc nuối. Nếu như đêm mưa ấy, Thượng úy Phạm Ngọc Hải không quá nóng lòng trở lại chốt phòng chống dịch Covid-19 sau bữa cơm chiều ở Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu phụ Đăk Blô, chỉ cách đó chừng 300 mét thì có lẽ chuyện đau lòng đã không xảy ra. Chỉ một chi tiết nhỏ này thôi đã cho chúng ta thấy tâm thế, tình cảm, trách nhiệm của người lính Biên phòng trên đường biên, cột mốc của Tổ quốc.
Sau cơn mưa như trút nước vào ngày 11-10-2020, cả một vùng biên Đăk Blô rộng lớn nằm ở cực Bắc Tây Nguyên gần như bị san phẳng. Và, nước mắt của người lính Biên phòng đã rơi trên điểm chốt trong tiếng gọi đến bất lực lần tìm xác đồng đội. Thượng úy Phạm Ngọc Hải, nhân viên Đội Trinh sát, Đồn Biên phòng Sông Thanh đã ngã xuống trong cuộc chiến trường kỳ “chống giặc” Covid-19. Ở tuổi 39, anh mãi ra đi cho quê hương yên bình, chỉ tiếc một điều, “ món nợ” gia đình người lính ấy chưa kịp trả.
Dở dang một lời hứa
Thượng úy Phạm Ngọc Hải sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, có bố là cán bộ Quân đội lão thành (huy hiệu 70 năm tuổi Đảng) và mẹ cũng là cựu cán bộ quân y (50 năm tuổi Đảng). Năm 2004, anh tình nguyện lên đường nhập ngũ vào BĐBP Kon Tum. Sau quá trình phấn đấu, anh đã được tuyển chọn đào tạo tại Trường Trung cấp Biên phòng II, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và sau đó trở thành quân nhân chuyên nghiệp phục vụ lâu dài trong quân đội.
Ròng rã suốt hơn 8 tháng kể từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020 đến lúc hy sinh, Thượng úy Phạm Ngọc Hải cùng đồng đội đã kiên trì bám trụ vững vàng trên điểm chốt, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, vừa tuần tra, bảo vệ biên giới, vừa phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan qua biên giới và trong cộng đồng, gây nguy hại đến cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Thiếu tá Nguyễn Văn Xuân, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sông Thanh chia sẻ: “Trong cuộc sống, Hải là người ít nói và rất tình cảm. Còn trong công việc, đồng chí ấy năng nổ nhiệt tình, chỉ huy giao việc gì cũng đều hoàn thành. Trước khi hy sinh, đồng chí ấy có tâm sự với tôi rằng, chờ mãn tang cha xong (bố của Hải mất năm 2019) sẽ vay mượn thêm chút ít làm cái nhà mới khang trang hơn để đón mẹ và vợ con về ở. Vậy mà, lời hứa đó cứ mãi mãi dở dang...”.
Sau quãng thời gian ngã quỵ tưởng chừng không thể gượng dậy được, cô giáo Phan Thị Xuân, vợ Thượng úy Phạm Ngọc Hải đã trở nên mạnh mẽ hơn để có thể thay chồng gánh vác chuyện gia đình, phụng dưỡng mẹ già, nuôi dạy con thơ. Người vợ trẻ phải nén chặt nỗi đau trong lòng, quyết tâm chăm sóc hai con khôn lớn, trưởng thành để chúng không bao giờ mờ phai hình bóng người cha anh dũng trong tâm trí. Còn với người mẹ già, mất con nhưng phải gắng gượng cho nước mắt chảy ngược vào trong để làm chỗ dựa tinh thần cho con dâu và cháu nội.
Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 quả thực có quá nhiều gian nan, thử thách dành người lính Biên phòng, nó không chỉ lấy đi mồ hôi, nước mắt và sinh mạng của người lính mà còn tạo ra nỗi ám ảnh nhân sinh. Vành vạnh đã 240 ngày trôi qua và chắc chắn sẽ còn rất nhiều ngày nữa, bà mẹ già ấy, người vợ hiền kia của đồng đội tôi - Thượng úy Phạm Ngọc Hải sẽ vẫn còn ngóng trông trong nỗi nhớ nghìn trùng.
“Điều kiện kinh tế không cho phép để làm được ngôi nhà, chồng tôi phải chắt chiu mua sắm từng ít một, khi thì cánh cửa, lúc là món trang trí nội thất. Anh ấy bảo cứ từ từ rồi sẽ đủ, nhưng có kịp hoàn thành ước nguyện của đời mình đâu. Là người vợ lính Biên phòng, hơn ai hết, tôi hiểu những mất mát hy sinh thầm lặng của các anh trên biên giới. Đại dịch Covid-19 vẫn còn hoành hành, người lính Biên phòng còn phải căng mình trên điểm chốt, với không biết bao mối nguy cơ đến từ thiên tai, dịch bệnh...” - cô giáo Phan Thị Xuân nghẹn ngào khi nhớ về chồng.
Thái Kim Nga