Biên phòng - Tàu ra khơi nhưng cũ nát và nhỏ xíu, còn thuyền trưởng thì dường như không biết bơi. Hơn nửa tháng trôi qua kể từ ngày thoát chết trong bão số 5, ngư dân Nguyễn Đảm vẫn chưa hoàn hồn, nhiều lúc trong giấc ngủ miệng vẫn còn la hét vì cảm giác con tàu sắp bị chìm xuống đáy biển.

Có phước nhờ… con gái
“Cỡ 7 giờ tối, sóng đánh bịch cái dù, tàu xoay ngang, coi như thôi rồi…!” - Ngư dân Nguyễn Đảm (59 tuổi) kể câu chuyện suýt chết trong bão số 5 bằng giọng run run. Cảm xúc và nỗi sợ hãi dường như vẫn còn xâm chiếm trong tâm trí, vì vậy, thân hình tiều tụy của ông rung giật liên hồi theo lời kể, cứ như sóng biển bủa vây và sắp sửa ập đến nhấn chìm con tàu. Âm thanh của tiếng cười giống như tiếng nấc nghẹn. Chuyện thoát chết luôn được ông kết luận là “nhờ thằng rể, nhờ phước có con gái, nếu không thì bữa nay đã làm đám giỗ mất rồi”.
Trong cơn bão số 5 có tên quốc tế là Haitang, ngư dân huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định đã bị chìm 3 tàu, 14 ngư dân, trong đó, 9 ngư dân mất tích, 5 ngư dân may mắn sống sót. Ông Đảm đã vô tình “bán mạng” khi đi trên tàu cá BĐ 96216 TS. Gọi là “bán mạng”, vì con tàu gỗ bé xíu này đã quá cũ nát, điều khiển tàu là Thuyền trưởng Nguyễn Dũng, SN 1981, nhà ở xã Gia An, huyện Hoài Châu Bắc, là người thiếu kinh nghiệm. Tàu bị sự cố từ lúc 18 giờ, ngày 29-7 và đến ngày hôm sau được tàu cá, do 2 người con rể của ông Đảm điều khiển, lao đến cứu vớt 5 ngư dân vào bờ.
Ngôi nhà của ông Đảm nằm sát bờ kè nhìn ra cửa biển xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn. Suốt ngày gió biển thổi phù phù từ cửa sau vào nhà, nhưng vẫn không xua nổi cái nóng thiêu đốt. Vì ngôi nhà chỉ rộng chừng 20 mét vuông, mái lợp tôn chỉ cách đầu người hơn 1 sải tay. Hỏi ông Đảm vì sao mà bám biển gần hết đời người mà vẫn cứ nghèo xơ xác, trong nhà không có tài sản gì đáng giá, ngoài 4 tấm ảnh đám cưới của con gái treo trên vách, ông cho biết: “Vợ chồng tui sinh 4 con gái, chỉ có một thằng con trai. Nuôi con lớn thì mình đã già nên không làm nổi cái nhà”.
Ở biển thường quan niệm, có con trai là đại phước vì thêm người đi biển. Còn gia đình mà đông con gái thì thiếu tay làm ra tiền. Trong những bữa nhậu, một số người thường lấy đề tài gia đình sinh toàn con gái ra làm chuyện vui, khiến ông Đảm phải... uống cật lực để quên đi lời đàm tiếu. Vậy nhưng, sống gần hết đời đi biển và sau vụ tai nạn vừa qua, người dân ở địa phương mới khẳng định rằng, “Hai Đảm có phước nhờ con gái kêu chồng cứu cha, nếu không thì đã bỏ xác ngoài biển và các ngư dân khác cũng bỏ mạng theo”.
Bão thắt nút
Chuyến biển của các ngư dân vào cuối tháng 7 vừa qua là một cuộc hành trình chạy bão gian nan. Từ ngày 24-7, trên Biển Đông xuất hiện bão số 4 có tên quốc tế là Sonca với sức gió mạnh cấp 8, trung tâm bão giật cấp 9, cấp 10. Cơn bão này đứng im ở 17,3 độ vĩ Bắc – 111,1 độ kinh Đông, sóng biển cao từ 3 đến 5 mét. Bão số 4 vừa chấm dứt thì vùng áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông mạnh lên thành bão vào ngày 29-7. Ngư dân thường gọi đây là “bão nhú” lên từ biển, không thể đoán trước và rất khó tránh. Bão số 4 đi hướng Tây Tây Bắc thì cơn bão số 5 đột ngột bẻ hướng Đông Đông Bắc.
Đoàn tàu cá của ngư dân Bình Định nằm ở hướng Đông của bão nên rơi vào thế bị bão “thắt nút”. Những chiếc tàu cá có công suất trên 300 mã lực và thân vỏ dài 18-22 mét thì đủ sức di chuyển liên tục để né bão. Nhưng có một số tàu cá già nua, cũ nát không thể chạy tránh xa bão được. Hai tàu cá chở 9 ngư dân mất tích, còn tàu chở ngư dân Nguyễn Đảm giống như ngựa mắc 4 vó vào dây. “Tàu chạy một ngày một đêm, nhưng chỉ đi được 2 hải lý/giờ” - Ông Đảm thốt lên và lại tiếp tục nở nụ cười méo mó trên khuôn mặt.
Lúc tàu chạy bão, các ngư dân trên các tàu bị nạn mới “ngộ” ra rằng, bước lên chiếc tàu dài 15 mét nhỏ xíu, mục nát để ra tới vùng biển cách bờ hàng trăm hải lý là đánh đổi mạng sống. Ngư dân nhiều tỉnh đã đóng tàu dài 19-25 mét, còn tàu dài 15 mét được đóng cách đây 25-30 năm đã quá cũ nát rồi. Chủ con tàu này cũng giống như một số tàu khác, chỉ ngồi nhà và thuê mướn ngư dân đi làm. Họ thừa sức đóng tàu cá khác có công suất lớn, thân vỏ dài trên 20 mét. Nhưng tàu đóng cỡ đó có giá vài tỷ đồng. Chủ tàu tiếc của nên giữ tàu cũ nát để thuê mướn ngư dân nghèo đi bạn.
Ngư dân Nguyễn Đảm vẫn không quên nỗi khiếp sợ khi nhắc lại cụm từ “đứt dù neo”. Đó là lúc 19 giờ, ngày 29-7, tàu dừng lại thả trôi vì gió đến quá cấp tập. Lúc đó tự dưng có tiếng hét rùng rợn “sóng đánh bịch dù rồi”. Con tàu xoay ngang và tiếp tục bị sóng đánh lệch lái ra khỏi thân tàu, hông trái tàu vỡ ra, tàu bắt đầu mất điều khiển. Các ngư dân buộc tay vào dây kèm theo 14 chiếc can nhựa để sẵn sàng nhảy xuống biển.

Loại bỏ tàu mục nát
“5 anh em giống như con cá bỏ vô cái nồi rồi đem ra lắc”, ông Đảm diễn tả tình cảnh ngư dân lúc đó. Các ngư dân ôm cọc tàu và bị sóng nhồi, va đập tơi tả. Con tàu tối mịt và các ngư dân cứ văng qua đập lại như quả bóng. Cả đêm chống chọi với sóng to, gió lớn khiến họ kiệt sức. Lúc đó, không tàu nào dám tới cứu, vì cứu người trong lúc sóng trùng trùng nối đuôi nhau và ngọn sóng cao như mái nhà thì cũng đồng nghĩa với đi vào chỗ chết. Giữa lúc hiểm nguy đó, ông Đảm chỉ còn biết trông cậy vào những đứa con rể.
Ông Đảm có 4 người con gái là Thi Thi, Bích Tuyền, Thị Ảnh và Thị Tính. Ngày thường, ông Đảm đi làm chung trên tàu con rể cầm lái, nhưng xui rủi hôm đó thừa bạn nên phải bước sang chiếc tàu nhỏ xíu này. Hai người con rể là Huỳnh Thiên và Phạm Trọng Thiều đi trên tàu BĐ 97306 TS cách đó 20 hải lý cũng rơi vào cảnh nửa sống nửa chết. Nhưng nghĩ đến cha vợ nên 2 ngư dân đã liều mạng cho tàu quay trở lại cứu cha. Sau này, 2 người con rể kể lại, lúc đi cứu cha vợ không nghĩ có được ngày về.
Tàu cứu nạn nhích đi 3 hải lý/giờ. Chiều 30-7, tàu cứu nạn đến được tọa độ 18 độ 28 phút vĩ Bắc - 119 độ 50 phút kinh Đông và bung dây kéo ngư dân bên con tàu đang nửa nổi nửa chìm. Mỗi ngư dân ôm 4 chiếc can nhựa để bám dây và bơi sang tàu cứu nạn, trong lúc sóng to, gió lớn và mưa vẫn không ngớt. Phải mất 2 tiếng đồng hồ mới kéo hết được 5 ngư dân bị nạn qua tàu cứu nạn.
Văn Chương