Biên phòng - Thời gian gần đây, các vụ tranh chấp biển giữa nhiều quốc gia Mỹ La-tinh lại nóng trở lại. Báo chí khu vực từ đầu năm 2016 đã có nhiều bài viết liên quan vấn đề này.

Suốt 5 thế kỷ qua, vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển với các cuộc chuyển nhượng hợp pháp và bất hợp pháp trong thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên đại dương cũng như những âm mưu gây bất ổn chính trị chống lại các chính phủ tiến bộ luôn hiện hữu ở Mỹ La-tinh. Các cường quốc đã cố tình phớt lờ những đòi hỏi của người dân về việc phân chia lại nguồn lợi khai thác từ tài nguyên phục vụ lợi ích cộng đồng cũng như cản trở quyền tự quyết của nhiều quốc gia trong vấn đề chủ quyền biển.
Ngày nay, 90% thương mại thế giới được thực hiện bằng đường biển, các quốc gia kết nối truyền thông trực tiếp bằng hệ thống cáp quang nằm dưới biển và sản xuất dầu trên biển ngày càng trở nên quan trọng hơn do nhu cầu năng lượng thế giới. Sự phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu và sự tranh chấp về đường biển, quyền kiểm soát mạng lưới rộng lớn của ngành công nghiệp hàng hải, thông tin liên lạc và khai thác dầu khí đã khiến tranh chấp biển càng trở nên nóng hơn.
Hiện đang tồn tại hơn 10 tranh chấp liên quan tới việc xác định ranh giới trên biển hoặc căng thẳng gia tăng trên hải phận quốc tế ở Mỹ La-tinh. Các cuộc tranh chấp đáng chú ý bao gồm tranh chấp ở vùng biển Ca-ri-bê giữa Cô-lôm-bi-a với Ni-ca-ra-goa, giữa Cô-lôm-bi-a với Ôn-đu-rát, khiếu nại của Bra-xin tại Liên hợp quốc (LHQ) đòi mở rộng biên giới biển của mình trên vùng biển quốc tế, cũng như các cuộc xung đột đã có từ trong lịch sử vừa tái bùng phát như cuộc tranh cãi giữa Vê-nê-xu-ê-la và Guy-a-na về chủ quyền vùng biển Esequibo hay giữa Ác-hen-ti-na và Anh đối với quần đảo Man-vi-nát/Phoóc-len.
Trong các cuộc tranh chấp Vê-nê-xu-ê-la - Guy-a-na và Ác-hen-ti-na - Anh có thể thấy rõ sự can thiệp của Mỹ và Anh liên quan tới vấn đề chủ quyền biển của Mỹ La-tinh. Lợi ích dầu khí của các nước lớn, chiến lược gây bất ổn và hành động sẵn sàng can thiệp quân sự thể hiện rõ trong các cuộc tranh chấp này. Trong trường hợp tranh cãi về chủ quyền quần đảo Man-vi-nát/Phoóc-len, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang có kế hoạch triển khai xây dựng các căn cứ quân sự để duy trì sự hiện diện tại Nam Cực.
Trong vụ tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Man-vi-nát, Ác-hen-ti-na có hai lập luận chủ yếu. Thứ nhất, theo Bộ Ngoại giao nước này, năm 1833, thực dân Anh đã chiếm đóng một cách phi pháp quần đảo Man-vi-nát, đồng thời ngăn chặn người Ác-hen-ti-na cư trú và sinh sống tại đây. Thứ hai, Ác-hen-ti-na cho rằng Anh đang hành xử như một chính quyền thực dân và đi ngược lại Hiến chương LHQ.
Anh phủ nhận cả 2 lập luận trên, cho rằng không có gì để đàm phán. Anh cho rằng họ đã chiếm đóng một cách liên tục và hợp pháp quần đảo Phoóc-len kể từ năm 1833 và rằng những cư dân trên quần đảo có quyền tự quyết căn cứ theo Hiến chương LHQ.
Chính phủ Ác-hen-ti-na đã phong tỏa 156 triệu USD của các công ty dầu khí Mỹ và Anh muốn triển khai dự án thăm dò và khai thác dầu khí ở vùng đang có tranh chấp. Năm 1960, LHQ đã ra nghị quyết khẳng định sự hiện diện của Anh tại Man-vi-nát là một hành động thực dân xâm lược.
Chính phủ Anh cũng công khai tuyên bố tăng cường năng lực phòng vệ tại quần đảo tranh chấp với Ác-hen-ti-na nhằm đối phó với “mối đe dọa hiện hữu và cụ thể”. Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố đầu tư 268 triệu USD cho kế hoạch hiện đại hóa quân sự tại Phóoc-len trong 10 năm bao gồm nâng cấp hệ thống tên lửa đất đối không và triển khai 2 trực thăng Chinook tới quần đảo phía Nam Đại Tây Dương này vào giữa năm nay.
Trong trường hợp tranh chấp ở Esequibo giữa Vê-nê-xu-ê-la và Guy-a-na từ năm 1966, các cuộc khiêu khích bắt đầu từ tháng 3-2015, sau khi công ty Mỹ Exxon Mobil hợp tác với Guy-a-na tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí tại vùng biển đang có tranh chấp với Vê-nê-xu-ê-la. Khi Ca-ra-cát tuyên bố việc Guy-a-na cho phép Exxon Mobil tiến hành thăm dò dầu khí trong vùng biển Esequibo là bất hợp pháp và là hành động đơn phương, ngay lập tức công ty Mỹ tuyên bố không can thiệp vào các cuộc xung đột giữa các chính phủ và vẫn tiếp tục tiến hành các hợp đồng với Guy-a-na bởi theo họ đây là việc làm hợp pháp.
Trường hợp Bra-xin lại khác. Gần đây nước này phát hiện trữ lượng dầu khí khổng lồ dưới Đại Tây Dương và được mở rộng ra cả vùng biển quốc tế ngoài 200 hải lý theo quy định năm 2004 của Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) đối với ranh giới hàng hải và vùng đặc quyền kinh tế, theo đó Công ước công nhận khả năng mở rộng các giới hạn chủ quyền nếu phần thềm lục địa rộng hơn 200 hải lý. Chính phủ Bra-xin đã tiến hành vụ kiện yêu cầu mở rộng biên giới biển ra ngoài phạm vi 200 hải lý.
Cho tới nay, Mỹ chưa quan tâm tới việc can thiệp vào các khu vực dầu mỏ ở vùng biển quốc tế mà Bra-xin tuyên bố chủ quyền và Bra-xin tranh thủ cơ hội này để đưa ra chính sách bảo vệ vùng “A-ma-dôn xanh nước biển” phục vụ chiến lược phát triển kinh tế quốc gia.
Với thực trạng này, khu vực cần phải có một chính sách chính trị về vấn đề đại dương, bởi không phải tất cả các cuộc xung đột chủ quyền biển ở khu vực có liên quan tới vấn đề địa chính trị cũng như vấn đề sở hữu nguồn tài nguyên dầu khí. Cuộc đối đầu giữa Chi-lê và Pê-ru, giữa Chi-lê và Bô-li-vi-a cho thấy có sự tranh chấp liên quan tới các chính sách khai thác tài nguyên khoáng sản và nuôi trồng thủy hải sản theo mô hình chủ nghĩa tự do mới.
Nguyễn Trung