Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:19 GMT+7

“Sống chung với dịch”

Biên phòng - Từ cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: “Phải xác định tính chất phức tạp, khốc liệt, khó lường, khó dự báo của dịch bệnh. Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh”.

Nhiều địa phương bắt đầu nới lỏng giản cách xã hội, thích ứng với tình hình mới. Ảnh: Internet

Quan điểm “sống chung với dịch” đã và đang được các bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa thành các chính sách, biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian qua.

Trong số 23 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, có 8 địa phương đang kiểm soát tốt dịch bệnh; 12 địa phương đang đạt các tiêu chí kiểm soát dịch. Chính quyền các địa phương đã xây dựng các phương án, kịch bản, từng bước thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội như: loại bỏ giấy đi đường, tháo chốt kiểm soát, tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa...

Dù đang nỗ lực kiểm soát dịch, nhưng sau ngày 15-9, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đã từng bước nới lỏng giãn cách cho người đã tiêm vaccine tham gia các hoạt động phục hồi kinh tế trên tinh thần mở tới đâu an toàn tới đó.

Theo các chuyên gia, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục đặt ra những thách thức y tế và kinh tế-xã hội chưa có tiền lệ, nên đòi hỏi chúng ta cũng phải có tư duy, cách làm và nỗ lực chưa có tiền lệ, để vượt qua, phục hồi và tiếp tục phát triển. Trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”, người dân, doanh nghiệp đang kỳ vọng vào chiến lược “sống chung với dịch” với 2 mục tiêu then chốt là thích nghi an toàn với môi trường có dịch bệnh và phục hồi sản xuất, đảm bảo sinh kế của người dân.

Khẩn thiết mong mỏi các tỉnh, thành phố sớm mở cửa sản xuất, các doanh nghiệp cho rằng, xác định “sống chung với dịch”, bản thân doanh nghiệp sẽ chủ động các biện pháp quản lý chặt chẽ về y tế để bảo vệ sản xuất an toàn và người lao động ý thức cao hơn trong phòng chống dịch.

Nhiều chuyên gia khẳng định, “sống chung với dịch” là xu thế tất yếu. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cũng cho thấy không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận “sống chung” với virus.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay cần phải quán triệt xuyên suốt quan điểm: vaccine, 5K và áp dụng công nghệ trong phòng, chống dịch. “Sống chung với dịch” nhưng với điều kiện khi nó không còn là đại dịch, người dân được tiêm vaccine và hệ thống y tế đủ năng lực xét nghiệm, điều trị. Đồng thời, người dân phải nhận thức được đây là một loại dịch chúng ta sẽ phải chung sống và tìm các biện pháp để phòng tránh.

Để làm được điều này, Việt Nam phải nâng mức độ bao phủ tiêm chủng đạt ngưỡng an toàn theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, nhưng không loại trừ khả năng vẫn phải phong tỏa, giãn cách ở mức độ hẹp để kiềm chế dịch và quan trọng là phải có chiến lược về an sinh xã hội đảm bảo người dân được sống trong điều kiện tốt hơn.

Các địa phương khi ban hành theo thẩm quyền các biện pháp nới lỏng và khôi phục các hoạt động xã hội cần tuân theo nguyên tắc mở cửa trở lại có lộ trình, từng bước có kiểm soát và tránh tư tưởng nóng vội, lơ là, mất cảnh giác để đảm bảo “sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất”; phòng dịch tốt thì không phải chống dịch...

Các chuyên gia cũng lưu ý, đây là thời điểm các chính sách của Chính phủ về tiền tệ, tài khóa - ngân sách, lao động việc làm và an sinh xã hội... phải được thực hiện quyết liệt, kịp thời để các doanh nghiệp có thể “sống chung với dịch”, phục hồi, bắt nhịp với đà phục hồi của kinh tế thế giới.

Mục tiêu đến hết năm 2021, đại đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động không chỉ phụ thuộc vào các giải pháp hỗ trợ toàn diện, mà còn đòi hỏi sự nỗ lực tuân thủ chiến lược quốc gia kiểm soát, thích ứng dài hạn với dịch bệnh của từng người dân và doanh nghiệp.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO