Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 07/06/2023 11:28 GMT+7

Sống, chiến đấu rực lửa anh hùng

Biên phòng - Tháng 8-1954, Tiểu đoàn 12 nằm trong đội hình Trung đoàn 600 (Tân Trào) được thành lập. Do yêu cầu nhiệm vụ, từ năm 1959 đến năm 1979, Tiểu đoàn 12 Công an nhân dân vũ trang (CANDVT), (nay là BĐBP) trực thuộc Bộ Tư lệnh CANDVT. Đây cũng là quãng thời gian mà dấu chân của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn trải dài khắp mọi miền đất nước, từ Tây Bắc tới miền Trung, Tây Nguyên. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn đã phát huy truyền thống vẻ vang, mưu trí, sáng tạo, chiến đấu ngoan cường, anh dũng để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài 1: Ra quân chiến thắng trận đầu

Bức sa bàn mô tả trận tiễu phỉ ở Đồng Văn năm 1959 nổi bật giữa rất nhiều hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Biên phòng. Nó mô tả khá chi tiết các hướng, mũi tiến công tiễu phỉ, giúp người xem dễ nhận ra chiến công của lực lượng CANDVT nói chung và Đoàn Thanh Xuyên nói riêng.

Thượng tá Lê Thị Quỳnh An, Phó Giám đốc Bảo tàng Biên phòng cho biết: "Để khách xem dễ hình dung về một trong những trận đánh tiểu phỉ điển hình của BĐBP, Bảo tàng đã dựng sa bàn này. Hiện vật về các trận đánh tiểu phỉ, bắt gián điệp, biệt kích, sưu tầm được khá nhiều, nhưng hiện vật về trận tiễu phỉ ở Đồng Văn hiện chỉ có bức sa bàn này cùng với những tấm ảnh phản ánh cuộc sống, sinh hoạt của cán bộ CANDVT sau những giờ chiến đấu với phỉ".

8a-1.jpeg
Thượng tá Lê Thị Quỳnh An giới thiệu mô hình tái hiện trận dẹp phỉ ở Đồng Văn.

Ngược dòng lịch sử 55 năm về trước, ngày 1-12-1959, các toán thổ phỉ ở Đồng Văn (Hà Giang) ngang nhiên tổ chức đánh chiếm Cán Tỷ (nay là huyện Quản Bạ, Hà Giang), mở rộng địa bàn hoạt động ra khắp huyện. Ngày 12-12, bọn phản động trong tầng lớp trên của dân tộc Mông trên địa bàn cấu kết với đặc vụ Tưởng gây bạo loạn vũ trang. Chúng tập hợp hơn 1.000 tên phỉ, gần 200 đặc vụ Quốc dân đảng và lôi kéo hàng ngàn dân, gây rối ở 15 trong số 22 xã của huyện Đồng Văn. Chúng ngang nhiên phá cửa hàng mua bán ở Lũng Phìn, cướp hàng hóa, giết cán bộ và nhân viên thương nghiệp; phá hủy trụ sở Ủy ban, tiến công vào thị trấn Đồng Văn, chiếm giữ những vị trí hiểm yếu trong huyện. Lực lượng Công an và các lực lượng vũ trang địa phương tiến hành trấn áp ngay sau khi bọn phỉ làm loạn, song chưa giải quyết được triệt để.

Trước tình hình đó, được lệnh của cấp trên, cuối tháng 12-1959, Đoàn Thanh Xuyên nhận nhiệm vụ cơ động chiến đấu tiêu diệt thổ phỉ quấy rối và chống phá cách mạng trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Lực lượng đi làm nhiệm vụ chủ yếu là Đại đội 2 và tăng cường thêm một số cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm chiến đấu, dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Lê Văn.

Trong quá trình tìm lại những nhân chứng để viết bài, tôi may mắn gặp được Đại tá Nguyễn Thành An, người trực tiếp tham gia tiễu phỉ ở Đồng Văn. Ông An giờ đã bước sang tuổi 85, hiện đang sống ở phố Đào Tấn, Hà Nội. Hỏi về chuyện tiễu phỉ ở Đồng Văn, ông trầm tĩnh một lát rồi thư thái kể: "Năm 1959, tôi là Trung đội trưởng Trung đội 2, Đại đội 2. Tôi vẫn còn nhớ, Tiểu đoàn trưởng Lê Văn tập hợp đơn vị quán triệt nhiệm vụ tiễu phỉ và nhắc lại chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Các chú phải giải quyết xong nạn phỉ để cho nhân dân yên tâm ăn Tết". Khi nhận nhiệm vụ, tôi thậm chí còn chưa biết gì về phỉ. Các anh em khác cũng thế, nhưng ai cũng hừng hực khí thế, sẵn sàng lên đường".

Theo lời kể của vị cựu binh có tài bắn súng bằng cả hai tay này thì ngay sau khi nhận nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Thanh Xuyên nhanh chóng thu xếp quân tư trang hành quân lên Đồng Văn. Ông An chỉ huy một tổ tiền tiêu gồm 3 người đi trước vừa làm nhiệm vụ trinh sát, vừa làm công tác mở đường cho đại đội.

Ông kể lại: "Để chuẩn bị cho trận đánh lớn này, chúng tôi phải mang vác quân trang với các loại súng rất nặng. Chúng tôi hành quân tới Quản Bạ vào khoảng 8-9 giờ tối, nhưng không được nghỉ lại mà tiếp tục đi bộ vào Tráng Kìm (địa điểm Ban chỉ huy mặt trận tiễu phỉ đóng quân) để hội quân. Tới nơi, chúng tôi bắt tay ngay vào đào công sự, bố trí đội hình. Đến sáng sớm thì xong".

Để tránh phỉ tập kích, cứ tối đến, đơn vị ông chuyển chỗ đóng quân, địa điểm dừng quân lúc ban ngày chỉ để lại một tổ canh gác. Ngày hôm sau, ông An tiếp tục chỉ huy đơn vị truy lùng dấu vết phỉ. Vòng đi vòng lại nhiều ngày không tìm thấy phỉ, ông An cho đơn vị rút về vị trí tập kết nghỉ một ngày đón Tết âm lịch năm 1960. Ngày Tết năm đó, đơn vị ông đã tổ chức kết nạp Đảng cho đồng chí Hồ Nhẫn.

Ăn Tết xong, ông An chỉ huy đơn vị tiếp tục truy lùng phỉ. Nhắc lại những khó khăn, gian khổ thời đó, ông An thốt lên: "Vất vả không kể hết được. Đường đi cheo leo, nhỏ hẹp một bên là núi cao, một bên là vực sâu. Chúng tôi phải đi bộ, nhiều lúc phải hành quân suốt đêm. Người nào cũng mang vác nặng, vừa đi vừa phải chú ý tránh bẫy chông và cảnh giác tránh bị phỉ tập kích. Thêm vào đó, khí hậu, thời tiết ở Đồng Văn rất khắc nghiệt.

Lúc đó đang chính giữa mùa đông, trời lạnh đến mức nước dưới giếng đóng băng. Buổi sáng, chúng tôi phải dùng gầu gõ nhiều lần cho vỡ lớp băng bên trên mới múc được nước. Khi ngủ, chúng tôi đi cả giày, mỗi người đắp 2 chiếc chăn mà vẫn còn rét. Để đỡ lạnh, chúng tôi phải đốt lửa cả đêm. Anh nào anh nấy mặt sưng lên vì bọ chó đốt. Gian khổ là thế, nhưng không ai kêu ca gì. Anh em trong đơn vị đều đã trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp nên dũng cảm, hăng hái lắm. Ai cũng thấy được trách nhiệm và vinh dự với công việc đang làm".

Sau những lần lùng sục phỉ không có kết quả, ông An đề nghị cấp trên chuyển phương án khác. Ông trực tiếp tiếp xúc với người dân địa phương để tìm hiểu và được biết, nhiều người lúc đó bị ức chế do chưa hiểu rõ một số chính sách của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, có cán bộ làm sai gây nên hiểu nhầm trong dân. Vì thế, một số người quá bức xúc đã theo phỉ nổi loạn.

Ông bảo: "Cái khó là chỗ mình ở chỗ sáng, phỉ ở chỗ tối nên khó tìm. Hơn nữa, ban ngày họ vẫn là người dân bình thường, tối đến mới ra rừng theo phỉ. Những tên phỉ đầu sỏ thì luôn lẩn trốn lẫn trong dân nên rất khó phát hiện. Khi đã hiểu rõ căn nguyên, chúng tôi làm công tác dân vận, địch vận kết hợp đấu tranh vũ trang".

218x233_8b-1.jpeg
Ông An bồi hồi kể lại những ngày dẹp phỉ ở Đồng Văn, Hà Giang.
Ông An còn nhớ, sau Tết, trong một lần lùng sục, đơn vị của ông bắt được hai tên phỉ. Ông hỏi chúng tại sao chống lại bộ đội, thì nhận được câu trả lời rằng, vì sợ cán bộ lấy mất súng (hồi đó, người dân tộc thường tự chế tạo súng để săn bắn và hộ thân). Tôi bảo một chiến sĩ bắn liền một băng đạn trung liên cho chúng xem.

Sau đó, tôi cho dựng một tấm bia phía xa, chỉ đạo một xạ thủ của đơn vị dùng súng của mình bắn 10 phát trúng cả 10. Xong rồi, đồng chí đó dùng súng của bọn phỉ bắn, đạn không tới được bia. Khi bọn phỉ tận mắt nhìn thấy như vậy, ông mới nói với chúng: "Súng của bộ đội tốt hơn súng của chúng mày nhiều. Bộ đội không lấy súng của mày đâu. Về gọi những người khác ra hàng đi".

Rồi ông cho 2 tên phỉ mang cả súng của chúng về nhà. Cách thu phục nhân tâm đặc biệt của ông An phát huy hiệu quả tức thì. Ngày hôm sau, 5 tên phỉ khác ra hàng. Từ thông tin thu được, ông tổ chức các tổ tập kích, chặn bắt được tên đầu sỏ Ma Mí Chính. Trung đội của ông bắt được 20 tên phỉ, thu 70 khẩu súng. Các tên Vàng Vảng Tóa, Lù Văn Lìn có vị trí quan trọng trong toán phỉ cũng bị bắt sau đó.

Ông An còn cho biết, sau hơn 4 tháng vật lộn với bao khó khăn gian khổ, Tiểu đoàn 12 cùng với các lực lượng đã truy quét vào tận hang ổ bọn phỉ, tiêu diệt và bắt sống 300 tên, thu hơn 300 súng kíp, bảo vệ vững chắc chính quyền, tài sản và tính mạng của người dân. Sau trận đánh phỉ thành công ở Đồng Văn, Đại đội 2 được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba. Bản thân ông An được Bộ Tư lệnh triệu tập về cơ quan viết lại kinh nghiệm đánh phỉ thành tài liệu chiến thuật phân đội tập kích trên địa bàn rừng núi. Tài liệu này sau đó được dùng để tập huấn cho cán bộ đồn và giảng dạy trong trường Sĩ quan CANDVT.

Khi thành lập trường Sĩ quan (Học viện Biên phòng bây giờ), ông An được điều về trường làm giáo viên kỹ thuật, dạy bắn súng. Đến năm 1973, ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường nuôi dạy chó chiến đấu D24. Trong 9 năm công tác tại trường D24, ông đã gây dựng lại nhà trường thành đơn vị có bộ khung ổn định, vững chắc, cán bộ có trình độ, hệ thống chuồng trại đảm bảo, đồng thời củng cố, phát triển được đàn chó nghiệp vụ của lực lượng CANDVT.

Bài 2:Tìm địch để đánh, lùng địch để diệt. 
 

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO