Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 01:52 GMT+7

Sơn Vĩ gian nan xây dựng nông thôn mới

Biên phòng - Theo bộ tiêu chí mới, xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang mới hoàn thành được 5/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Chặng đường để tới đích NTM của địa phương này còn khá nhiều chông gai, bởi các tiêu chí còn lại đều rất khó khăn và cần tiềm lực lớn.

Thu nhập của người dân xã Sơn Vĩ chủ yếu từ trồng ngô một vụ. Ảnh: Bích Nguyên

Bí thư Đảng ủy xã Sơn Vĩ Đoàn Minh Quyền bắt đầu câu chuyện với chúng tôi với lời giãi bày: “Hơn bao giờ hết, chúng tôi đang rất cần nguồn vốn đầu tư lớn để có thể thực hiện và hoàn thành các tiêu chí NTM”.

Người ta thường ví vùng đất biên giới Sơn Vĩ giống như một con ngõ cụt, hẻo lánh, bởi địa phương này nằm ở điểm cuối cùng của huyện Mèo Vạc, từ trung tâm huyện chỉ có một con đường vào đây rồi lại trở ra chứ không nối thông đi đâu cả. Diện tích của xã biên giới này rất khiêm tốn, chỉ vẻn vẹn 54km2, là nơi sinh sống của hơn 6.000 người dân thuộc nhiều thành phần dân tộc thiểu số như: Mông, Xuồng, Giáy, Tày, Nùng, Dao, Hoa…, đông nhất là dân tộc Mông chiếm 80% dân số… Toàn xã Sơn Vĩ có 19 thôn, trong đó có 9 thôn giáp biên, địa hình phức tạp, hiểm trở, bị chia cắt mạnh bởi núi cao, vực sâu. Chưa hết, thời tiết, khí hậu ở Sơn Vĩ khắc nghiệt, phần lớn thời gian trong năm có sương mù, giá lạnh, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất vào mùa khô. Đời sống của bà con còn rất nghèo khó. Đó là những nét khái quát nhất để có thể hình dung “diện mạo” vùng biên ải Sơn Vĩ.

Chính vì địa thế xa xôi, hẻo lánh, đường đi khó khăn khiến cho mọi loại hàng hóa lên tới Sơn Vĩ đều bị đội giá lên gấp nhiều lần, nhất là vật liệu xây dựng. Để minh chứng cho điều này, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Vĩ nhẩm tính cho tôi nghe: “Ở dưới xuôi, 1 tạ xi măng có giá thành khoảng 140.000 đồng, nhưng vận chuyển tới Sơn Vĩ, vào tới thôn sẽ đội giá lên gấp đôi, khoảng 300.000 đồng/tạ”. Nói như vậy, để thấy, việc xây dựng một con đường hay một công trình dân sinh, trụ sở ở Sơn Vĩ đều sẽ tiêu tốn nguồn vốn gấp 2-3 lần so với ở dưới xuôi.

Quay trở lại câu chuyện xây dựng NTM, cán bộ xã Sơn Vĩ chia sẻ rằng, UBND xã đã tổ chức phát động phong trào thi đua xây dựng NTM, tiến hành đăng ký thi đua giữa xã với thôn và giữa thôn với các hộ gia đình, với phương châm nội dung nào dễ làm trước, khó làm sau, huy động mọi nguồn lực tập trung vào phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, làm đường giao thông nông thôn, xây dựng trụ sở thôn và các công trình phụ của gia đình. Dù rất cố gắng nhưng kết quả xây dựng NTM của Sơn Vĩ vẫn chưa được như mong muốn, bởi xuất phát điểm của địa phương quá thấp, điều kiện tự nhiên lại quá khắc nghiệt, nguồn vốn được phân bổ còn hạn hẹp.

Rà soát theo Bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, xã Sơn Vĩ mới hoàn thành 5 tiêu chí gồm: Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; Thông tin và truyền thông; Giáo dục-đào tạo; Quốc phòng-an ninh; Hệ thống chính trị. Nói về lộ trình xây dựng NTM, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, hiện, địa phương đang phấn đấu hoàn thành tiêu chí quy hoạch. Đối với các tiêu chí còn lại, mới có thời điểm xuất phát mà chưa xác định được mốc thời gian hoàn thành bởi quá khó đối với xã đặc biệt khó khăn này. Trước hết là tiêu chí giao thông. Hiện, Sơn Vĩ mới đạt 53% đường xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm. Cả xã còn 2 thôn Xéo Hồ, Lũng Lình B chưa có đường giao thông cứng hóa.

Ngay cả tiêu chí giáo dục-đào tạo cũng rất khó khăn bởi nhiều điểm trường hiện đã xuống cấp. Thời gian vừa qua, Đồn Biên phòng Sơn Vĩ, BĐBP Hà Giang và chính quyền xã đã kết nối với nhiều đoàn thiện nguyện tu sửa các điểm trường thôn Xéo Hồ, Mé Lầu, Nà Lũng A, Lũng Lình, Chà Mần, Cò Súng, Chù Xán. Tuy nhiên, cho đến cuối năm 2022, sau khi rà soát, Sơn Vĩ vẫn chưa hoàn thành được tiêu chí có hệ thống trường học đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất theo quy định.

Thử thách lớn nhất với xã Sơn Vĩ hiện nay là tiêu chí thu nhập và tỉ lệ hộ nghèo. Toàn xã Sơn Vĩ có gần 1.300 hộ dân, tính đến cuối năm 2022 vẫn còn gần 70% hộ nghèo theo Bộ tiêu chí nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025. Trước Tết, vẫn còn 43 hộ/255 khẩu nhận gạo cứu đói giáp hạt của Nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 của Sơn Vĩ mới đạt 22 triệu/người/năm. Trong khi đó, chỉ tiêu đặt ra là trên 39 triệu đồng.

Diện tích đất canh tác ít, khí hậu không thuận lợi là một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ đói nghèo của Sơn Vĩ cao. Ảnh: Bích Nguyên

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tỉ lệ hộ nghèo ở Sơn Vĩ cao do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, thiếu đất sản xuất, nhận thức của người dân còn thấp, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi để tăng năng suất. Một nguyên nhân khác được Bí thư Quyền nêu ra là tình trạng đông con và tồn tại những tập tục lạc hậu như mổ nhiều vật nuôi làm tang ma... Những yếu tố này tác động trực tiếp làm gia tăng tỉ lệ đói nghèo.

Ông Quyền cho biết, để tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân, xã Sơn Vĩ đang triển khai vận động người dân thực hiện cải tạo vườn tạp, trồng rau, cây ăn quả, đồng thời, triển khai quyết liệt việc xóa bỏ các tập tục lạc hậu, vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

Một vấn đề nan giải khác là nhà ở dân cư. Hiện, toàn xã Sơn Vĩ còn 190 nhà tạm, dột nát. Tỉ lệ hộ dân có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố mới đạt trên 30% (390/1.292 hộ). Tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm cũng thực sự là bài toán khó bởi dân cư xã Sơn Vĩ sống rải rác, gây khó cho việc thu gom rác thải, trong khi đó, xã chưa có quy hoạch bãi rác, chưa có phương án xử lý rác thải và không có công nhân thu gom rác thải. Hiện, tỉ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch của Sơn Vĩ mới đạt gần 60%.

Có thể nói, chặng đường tiến về đích NTM của Sơn Vĩ hiện còn quá nhiều “bài toán” không thể hóa giải trong một sớm, một chiều và cần nguồn lực rất lớn để thực hiện.

UBND xã Sơn Vĩ cho biết, để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả triển khai chương trình xây dựng NTM, Sơn Vĩ sẽ tập trung huy động các nguồn lực để thực hiện như: Vốn trực tiếp từ chương trình; ngân sách tỉnh hỗ trợ, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án; nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp thông qua hình thức hỗ trợ tiền mặt hoặc sản phẩm (xi măng, sắt thép, gạch, ngói...) tham gia đầu tư trực tiếp. Song song với đó là huy động nguồn lực từ cộng đồng (đất đai, hoa màu, các tài sản gắn liền với đất).

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO