Biên phòng - Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống đồng bào ở khu vực biên giới từng bước được cải thiện; hệ thống chính trị cơ sở được củng cố vững chắc; quốc phòng - an ninh, đối ngoại được tăng cường, phát huy được sức mạnh toàn dân bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống BĐBP, 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đã trao đổi với phóng viên Báo Biên phòng về sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật Biên phòng Việt Nam.
- Trung tướng Hoàng Xuân Chiến chủ trì làm việc về xây dựng Dự án Luật Biên phòng Việt Nam
- Hoàn thiện Báo cáo tác động trình Chính phủ thẩm định xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam
- Sớm xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đầy đủ, toàn diện, lâu dài trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới

- Thượng tướng có thể cho biết những kết quả quan trọng trong 20 năm thực hiện Pháp lệnh BĐBP?
- Dấu mốc quan trọng khi ban hành Pháp lệnh BĐBP giúp lực lượng BĐBP phát huy vai trò nòng cốt, chuyên trách tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương hoạch định, hoàn chỉnh phân giới cắm mốc trên toàn tuyến Việt Nam - Trung Quốc; tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc giới Việt Nam - Lào và hoàn thành trên 85% việc phân giới, cắm mốc tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia.
Đây là điều kiện thuận lợi để Đảng, Nhà nước, Quân đội, cấp ủy, chính quyền địa phương đưa ra nhiều chủ trương, biện pháp và việc làm thiết thực xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, đoàn kết, hợp tác, cùng phát triển. BĐBP tích cực tham mưu cho chính quyền các địa phương, tổ chức kết nghĩa nhân dân hai bên biên giới, thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị ngày càng đi vào chiều sâu, giải quyết dứt điểm, kịp thời các vụ việc nảy sinh, không để xảy ra “điểm nóng” trên biên giới.
Từ việc kết nghĩa bản - bản, cụm dân cư hai bên biên giới, người dân hai bên tương trợ, giúp nhau phát triển kinh tế; giao lưu văn hóa nâng cao đời sống tinh thần; củng cố cơ sở chính trị của mỗi bên; ngăn chặn, đẩy lùi mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên giới.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cơ sở hạ tầng trên các tuyến biên giới được đầu tư, xây dựng và phát triển, việc đi lại, giao lưu hai bên biên giới thuận lợi, giúp đồng bào xóa đói, giảm nghèo, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nhân dân biên giới gắn bó mật thiết với BĐBP, tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp lực lượng bảo vệ biên giới đấu tranh với các loại tội phạm.
Đặc biệt, lực lượng BĐBP và lực lượng bảo vệ biên giới của các nước láng giềng có truyền thống đoàn kết, hữu nghị lâu đời. Khi có hành lang pháp lý, mối quan hệ được nâng tầm, phát triển rất tốt đẹp. Nhiều hoạt động đã đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả cao như: Tổ chức kết nghĩa, giao lưu, tọa đàm, trao đổi thông tin, hỗ trợ nghiệp vụ, huấn luyện, hợp tác điều tra, phá thành công nhiều chuyên án lớn về vi phạm an ninh quốc gia, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, chống buôn lậu, gian lận thương mại, phòng chống tội phạm ma túy, mua bán người...
- Trên thực tế, Pháp lệnh BĐBP đã trở thành cơ sở pháp lý quan trọng, để BĐBP phát huy vai trò chuyên trách, nòng cốt, cùng với chính quyền địa phương xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia. Thượng tướng có thể nói rõ về điều này?
- Ban hành Pháp lệnh BĐBP là cơ sở pháp lý rất quan trọng để lực lượng BĐBP, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng và nhân dân thống nhất nhận thức, hiểu đầy đủ tầm quan trọng của đường biên giới quốc gia và khu vực biên giới. Từ đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, hành động của các cấp, các lực lượng trong xây dựng khu vực biên giới vững mạnh.
Việc đầu tư bài bản, xây dựng hệ thống mốc giới, các cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu đã làm động lực phát triển vùng biên giới. Hoạt động đưa nhân dân ra sinh sống ở khu vực biên giới đã phát huy sức mạnh của nhân dân bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ biên giới, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng khu kinh tế mới, bảo vệ biên cương. Đặc biệt, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương nội địa trong việc kết nghĩa giúp nhân dân các xã, huyện biên giới phát triển, tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, gắn kết chặt chẽ giữa hậu phương với biên giới.
Tuy nhiên, xu hướng phát triển của thế giới rất nhanh, công cuộc bảo vệ biên giới đòi hỏi phát triển cao hơn, Pháp lệnh BĐBP ra đời chỉ đáp ứng được yêu cầu bước đầu, về lâu dài còn tồn tại nhiều bất cập. Hiện nay, Quốc hội đã sửa đổi Hiến pháp, hệ thống pháp luật liên quan đến biên giới đã trở thành luật như: Luật Biên giới quốc gia, Luật Xuất nhập cảnh, Luật Quốc phòng...
Trong khi đó, cơ sở pháp lý được quy định trong Pháp lệnh BĐBP đang ở mức thấp, cần xây dựng luật, nhằm đồng bộ với hệ thống pháp luật Việt Nam liên quan đến biên giới và bảo vệ biên giới. Giải quyết triệt để những bất cập về cơ sở pháp lý, hệ thống tổ chức của BĐBP và trách nhiệm, nghĩa vụ của các cấp, các ngành, các lực lượng trong sự nghiệp bảo vệ biên giới.
- Xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia được xác định là một bộ phận trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Để nhiệm vụ này tương xứng với tầm quan trọng của nó, theo Thượng tướng, đã đến lúc cần xây dựng dự án Luật Biên phòng Việt Nam hay chưa?
- Nước ta có trên 4.000km đường biên giới đất liền, trên 3.200km bờ biển. Đây là nền tảng cơ bản để các cấp, các ngành nâng cao trách nhiệm xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, đối ngoại, quốc phòng - an ninh. Ngoài ra, lực lượng BĐBP có truyền thống 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử và đang ngày càng ổn định và phát triển, gắn bó máu thịt với đồng bào các dân tộc, làm sâu sắc tình hữu nghị, đoàn kết với các nước láng giềng...
Đặc biệt, Nghị quyết số 33-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia đã xác định: “Xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, BĐBP là một quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng, lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Do đó, rất cần xây dựng hệ thống tổ chức BĐBP ổn định, đầu tư trang thiết bị hiện đại, mở rộng quan hệ đối ngoại, nên phải đảm bảo hệ thống bằng pháp luật.
Quá trình bảo vệ biên giới liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều địa bàn, thủ đoạn của các loại tội phạm ngày càng tinh vi, tính chất đấu tranh bảo vệ biên giới ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến quyền tự do con người. Trong khi đó, quyền tự do của con người chỉ được giới hạn bằng pháp luật, còn ở tầm pháp lệnh không đáp ứng được yêu cầu, chưa có đầy đủ pháp lý để BĐBP thực hiện các biện pháp nghiệp vụ phù hợp với xu hướng hiện nay. Vì vậy, rất cần phải xây dựng, ban hành Luật Biên phòng Việt Nam.
- Xin cảm ơn Thượng tướng!
Danh Anh (Thực hiện)