Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 23/03/2023 06:01 GMT+7

Sớm loại bỏ lãng phí

Biên phòng - Bộ Công an mới đây có đề xuất sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản có liên quan, trong đó, sửa đổi theo hướng: Quá 30 ngày chủ phương tiện bị tạm giữ không đến nhận, thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu, bán đấu giá phương tiện vi phạm hành chính.

Dư luận cho rằng, việc xúc tiến xây dựng một quy định mới, rút ngắn thời gian xử lý xe vi phạm từ 1 năm xuống còn 1 tháng, nhẽ ra phải được thực hiện từ nhiều năm về trước chứ không phải đợi đến bây giờ. Bởi, số lượng khổng lồ các phương tiện bị tạm giữ đến thời điểm này đang khiến các kho bãi lưu xe vi phạm trong cả nước trở nên quá tải.

Thống kê sơ bộ, từ năm 2013 đến tháng 9-2019, công an các đơn vị, địa phương đã tạm giữ gần 4,3 triệu phương tiện. Tính đến tháng 9-2019, còn tồn đọng gần 137 nghìn phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính, quá thời hạn bị tạm giữ chưa xử lý được.

Theo quy định hiện nay, sau khi xác định xe vi phạm không có người đến nhận, 1 năm sau cơ quan công an mới được làm thủ tục thanh lý, lập danh sách, trình lên Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Chủ tịch UBND tỉnh (thành phố) để ra quyết định thanh lý, bán đấu giá tài sản. Với quy trình, thủ tục như vậy nhiều khi phải mất tới 2 năm mới thanh lý được phương tiện vi phạm. Trong thời gian đó, nhiều phương tiện đã bị hỏng hóc, cũ nát, biến thành sắt vụn, gây lãng phí lớn hàng nghìn tỷ đồng cho xã hội.

Rõ ràng, hầu hết người vi phạm giao thông mong muốn nộp phạt để lấy phương tiện về trong thời gian sớm nhất, còn những trường hợp quá 1 tháng mà không đến cơ quan công an xử lý vi phạm thì phần lớn họ muốn bỏ xe. Vì thế, việc điều chỉnh rút ngắn thời gian xử lý đối với xe vi phạm là hợp lý. Tuy nhiên, cần tính tới những trường hợp đặc biệt, bất khả kháng khiến người vi phạm không thể giải quyết thủ tục đúng thời hạn.

Nhiều ý kiến cho rằng, chuyện người vi phạm giao thông “bỏ của chạy lấy người” gia tăng xuất phát từ nhiều nguyên nhân chứ không chỉ nằm ở các quy định của pháp luật hiện hành. Ngoài số ít xe tang vật trong một số vụ việc về an ninh trật tự, các phương tiện bị bỏ lại phần lớn là các xe giá trị thấp, trong khi tiền nộp phạt vi phạm cộng với tiền lưu khó bãi cao. Và số xe “vô chủ” nhóm này đang tăng nhanh, kể từ khi triển khai Nghị định 100 của Chính phủ với các mức phạt nặng gấp nhiều lần trước đó.

Nhưng ngay cả những xe còn khá mới, không phải tang vật, có đầy đủ giấy tờ, mà chủ nhân của nó vẫn thờ ơ với việc nhận lại, thì lý do nằm ở đâu? Câu trả lời nằm ở chỗ hầu hết các kho bãi tạm giữ phương tiện vi phạm không đảm bảo yêu cầu bảo quản phương tiện. Xe mới hay cũ đều như nhau, dãi dầu mưa nắng, chỉ một tuần nằm bãi, chủ xe không còn tự tin rằng, phương tiện của mình còn có thể vận hành bình thường hay không.

Đặc biệt, với những xe thuộc diện không “chính chủ” do mua bán trao tay, không giấy tờ, hoặc không sang tên đổi chủ, việc nhận lại phương tiện sau khi nộp phạt không đơn giản. Các thủ tục hành chính sau vi phạm, va chạm giao thông vẫn là nỗi e ngại đối với rất nhiều người. Người vi phạm phải đi lại nhiều lần, giải quyết nhiều thủ tục để được lấy xe ra, người ta lại càng có lý do để phó mặc cho cơ quan chức năng.

Bởi vậy, quy định rút gọn thời gian thanh lý đấu giá xe vô chủ mới chỉ giải quyết phần ngọn nếu không lưu tâm giải quyết những bất cập nêu trên. Ngay cả khi ban hành được quy định mới, không ngoại trừ khâu đấu giá thanh lý cũng sẽ gặp quá tải. Sự tốn kém, lãng phí sẽ còn tiếp tục tăng lên cùng với tốc độ “phình” ra của những bãi xe vô chủ.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO