Biên phòng - Ngày 22/9, tại Hà Nội, Cục Chính trị BĐBP tổ chức Tọa đàm phục vụ nghiên cứu xây dựng Thông tư hướng dẫn biện pháp Vận động quần chúng trong công tác của BĐBP (sau đây gọi tắt là Thông tư). Thiếu tướng Trần Văn Bừng, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP chủ trì hội nghị.
- Tọa đàm về phát huy vai trò của Quân đội tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở khu vực biên giới
- Tọa đàm "BĐBP phối hợp với các lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự ở khu vực biên giới biển trong tình hình mới"
- Tọa đàm BĐBP phối hợp với các lực lượng bảo đảm an ninh trật tự ở khu vực biên giới biển

Dự tọa đàm có Đại tá Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP, cùng các đại biểu đến từ Vụ Pháp chế (Bộ Quốc phòng), Cục Dân vận (Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam), Bộ Tham mưu BĐBP, Học viện Biên phòng và BĐBP các tỉnh: Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn.
Báo cáo đề dẫn tại tọa đàm, Đại tá Văn Ngọc Quế cho biết: Thực tiễn qua hơn 63 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng BĐBP đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Trong thời kỳ đổi mới, biện pháp Vận động quần chúng đã được BĐBP triển khai với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú. Qua đó, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân”, nền Biên phòng toàn dân, tạo “thành lũy nhân dân” bảo vệ biên giới. Điều đó khẳng định ý nghĩa quan trọng, vị trí, vai trò và biện pháp cơ bản, nền tảng, chiến lược lâu dài trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
Để cụ thể hóa quan điểm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản pháp luật có liên quan, triển khai đồng bộ các nội dung Luật Biên phòng Việt Nam thì việc xây dựng Thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn biện pháp công tác Vận động quần chúng trong công tác của BĐBP là khách quan, cần thiết, mang tính chiến lược, lâu dài.
Để xây dựng Thông tư, Bộ Tư lệnh BĐBP đã giao Cục Chính trị BĐBP là cơ quan chủ trì xây dựng Thông tư. Đến nay, Cục Chính trị BĐBP đã dự thảo Tờ trình, Thông tư đảm bảo theo đúng trình tự, quy định, các bước được tiến hành khoa học, chặt chẽ.
Cụ thể, về bố cục Thông tư gồm có phần căn cứ, 3 chương và 15 điều. Trong đó, Chương I gồm 6 điều, quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, nguyên tắc áp dụng, giải thích từ ngữ, nguyên tắc áp dụng, phương châm tiến hành biện pháp Vận động quần chúng và đối tượng Vận động quần chúng. Chương II gồm 7 điều, quy định về nội dung, hình thức, trường hợp áp dụng, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm áp dụng và bảo đảm nguồn lực thực hiện biện pháp Vận động quần chúng. Chương III gồm 2 điều, quy định hiệu lực thi hành và trách nhiệm thực hiện.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đều nhất trí với dự thảo hồ sơ Thông tư, nội dung trình bày logic, sát với thực tiễn công tác của BĐBP, đã cụ thể hóa Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia và công tác quản lý, bảo vệ biên giới của BĐBP trong tình hình mới. Đồng thời, các đại biểu đã tập trung làm rõ sự cần thiết ban hành Thông tư; trao đổi thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn; đề xuất những nội dung cụ thể cần điều chỉnh, bổ sung vào Thông tư.
Phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm, Thiếu tướng Trần Văn Bừng yêu cầu Phòng Dân vận, với vai trò là cơ quan chủ trì tham mưu xây dựng Thông tư cần tổng hợp, nghiên cứu, phân tích, giải trình những vấn đề mà các đại biểu đã đóng góp tại buổi tọa đàm. Trên cơ sở đó, đề xuất Thủ trưởng Cục Chính trị BĐBP, Ban Soạn thảo tiếp thu, điều chỉnh, bổ sung và hoàn chỉnh dự thảo thông tư. Bên cạnh đó, Phòng Dân vận tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Phòng Pháp chế (Bộ Tham mưu BĐBP) để hoàn chỉnh các thủ tục mang tính pháp lý; hoàn thiện nội dung Thông tư đảm bảo đúng thời gian theo quy định...
Trọng Thành