Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 03/12/2023 02:53 GMT+7

Sớm hiện thực chủ trương đảm bảo quyền trẻ em vùng dân tộc thiểu số

Biên phòng - Tiếp tục phiên chất vấn ngày 5-6, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung đã trả lời các vấn đề về thực trạng thị trường lao động ở nước ta; lao động Việt Nam đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng; công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại tình dục đối với trẻ em.

5b165f6f7a76df6343002ac4
 Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: Viết Hà

Theo đại biểu Đôn Tuấn Phong (An Giang) chất vấn: Tình trạng người lao động qua lại biên giới sang các nước láng giềng làm việc diễn ra khá phổ biến, nhưng chưa có chế tài bảo vệ họ. Bộ trưởng đã có giải pháp gì để quản lý, bảo vệ quyền lợi của đối tượng lao động này?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm vấn đề này và chỉ đạo các cơ quan liên quan, các địa phương biên giới tìm giải pháp tháo gỡ. Hiện nay, ước tính có khoảng 139.000 lao động thường xuyên qua lại biên giới tìm việc làm. Về mặt pháp lý họ chỉ có hộ chiếu phổ thông, nhưng không có giấy phép lao động, nên gặp rất nhiều rủi ro trong quá trình làm việc. Bộ LĐ-TB&XH đang cố gắng đàm phán với các nước láng giềng để ký hiệp định về vấn đề này. Tuy nhiên, việc đàm phán với một số quốc gia còn gặp nhiều khó khăn.

Về giải pháp, đối với 7 tỉnh biên giới phía Bắc, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn các địa phương ký biên bản ghi nhớ với các tỉnh tiếp giáp phía Trung Quốc để thống nhất quản lý, tạo điều kiện cho lao động tìm việc làm, có thu nhập ổn định. Dự kiến, trong tháng 7-2018, các địa phương hai bên biên giới Việt-Trung sẽ ký ban hành.

831gufxe49-293_3258765932095727423_a2
Trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận quyền trẻ em. Ảnh: Viết Hà

Về thực trạng trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) bị hạn chế về quyền của trẻ em, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) chất vấn: Bộ trưởng có trách nhiệm như thế nào trước tình trạng này?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tuy Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách an sinh xã hội cho trẻ em vùng sâu, miền núi, vùng DTTS, nhưng tỷ lệ các em được thụ hưởng các quyền lợi còn hạn chế.

“Trước hết đây là trách nhiệm về mặt quản lý Nhà nước, mặc dù Bộ đã cố gắng phối hợp Ủy ban Dân tộc để kiểm tra, đôn đốc, giám sát, nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Đặc biệt, Thủ thướng Chính phủ đã có Quyết định số 2085, ngày 31-10-2016 phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020, nhưng đến nay chậm được cụ thể hóa. Trong tháng 7-2018, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các bộ triển khai xây dựng đề án trình Chính phủ thực hiện giúp trẻ em vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng DTTS được tiếp cần tốt với các quyền được học tập, vui chơi, giải trí…” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Viết Hà

Bình luận

ZALO