Biên phòng - Những ngày này, các tuyến phố của Thủ đô Hà Nội như khoác tấm áo mới với băng rôn, áp phích… chào mừng kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954 - 10/10/2022). Cùng với đó, nhân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng, nhân dân cả nước nói chung đang nô nức, hân hoan tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa, để nhớ về ngày Thủ đô hoàn toàn giải phóng, vang khúc khải hoàn.

Cách đây 68 năm, vào ngày 10/10/1954, hàng vạn người dân Thủ đô hân hoan chào đón đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô trong rừng cờ hoa rực rỡ. Ngày 10/10 năm đó đã đi vào lịch sử, đánh dấu Thủ đô Hà Nội chính thức được giải phóng hoàn toàn, mở ra một thời kỳ phát triển mới, hết sức vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội. Trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử, quân dân Hà Nội đã nỗ lực, quyết tâm cao, chủ động, sáng tạo, đổi mới từng ngày và đến nay đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, toàn diện, xứng đáng với vị trí là Thủ đô của đất nước.
Kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, nhiều sự kiện văn hóa, thể thao đặc sắc, ý nghĩa được tổ chức và đông đảo quần chúng tham gia. Nổi bật là Lễ khai mạc Đại hội thể dục thể thao Hà Nội lần thứ X được tổ chức vào ngày 7/10. Đây là dịp để các đơn vị sở ngành, đoàn thể, các quận, huyện, thị xã biểu dương lực lượng, qua đó, động viên, huy động các ngành, các cấp và toàn xã hội cùng vào cuộc để thể thao Hà Nội tiếp tục phát triển bền vững từ phong trào quần chúng đến thể thao thành tích cao.
Đại hội cũng là dịp để khẳng định quyết tâm giữ vững và phát triển lên một tầm cao mới của thể thao Thủ đô. Trước đó, Đại hội thể dục thể thao cấp cơ sở dịp 10/10 tiếp tục nhận được sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân và sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các cấp.
Đến ngày 30/9, tất cả 579 đơn vị xã, phường, thị trấn, 30 quận, huyện, thị xã, các đơn vị ngành, đoàn thể, cơ quan, xí nghiệp, trường học, lực lượng vũ trang từ cơ sở đến thành phố trên địa bàn Thủ đô đã đồng loạt tổ chức thành công Đại hội thể dục thể thao cấp cơ sở, thu hút trên 800.000 người tham gia.
Bên cạnh đó, Hội Sách Hà Nội do UBND thành phố Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo; Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Cục Xuất bản, In và Phát hành tổ chức cũng diễn ra từ ngày 7 đến ngày 9/10, tại khuôn viên tượng đài Vua Lý Thái Tổ (Hà Nội). Với chủ đề Truyền thống và Hội nhập, Hội Sách Hà Nội 2022 là nơi hội tụ rất nhiều hoạt động ý nghĩa xoay quanh chủ đề về sách như: Trưng bày, triển lãm sách với chủ đề Truyền thống và Hội nhập; các khu vực giới thiệu sách của các nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành; tổ chức giao lưu ra mắt sách, hoạt động giao dịch và trao đổi bản quyền; các chương trình giao lưu văn hóa…
Công tác báo chí, tuyên truyền cũng đặc biệt được quan tâm, khi Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Lễ trao Giải Báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ V - năm 2022, tại khu Đoan Môn, Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) vào ngày 2/10. Sau 5 lần tổ chức, Giải Báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, lần thứ V - năm 2022 tiếp tục thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo phóng viên và các cơ quan báo chí.
Cụ thể, Ban Tổ chức giải đã tiếp nhận 265 tác phẩm của 40 đơn vị, cơ quan báo chí. Với tinh thần khách quan, công tâm và trách nhiệm cao, Hội đồng chấm Giải Báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ V - năm 2022 đã thống nhất bình chọn được 2 cơ quan báo chí đồng hạng xuất sắc và 33 tác phẩm báo chí xuất sắc nhất để trao giải; trong đó, có 3 giải A, 5 giải B, 10 giải C, 15 giải Khuyến khích.

Những kết quả đạt được thể hiện tình yêu và tinh thần lao động nghiêm túc, sáng tạo, trách nhiệm của người làm báo đối với Thủ đô Hà Nội. Theo đánh giá của Hội đồng chấm giải, năm nay, các tác phẩm báo chí dự thi có nội dung và hình thức thể hiện phong phú, đa dạng, chất lượng đồng đều hơn. Nhiều tác phẩm báo chí được chuẩn bị công phu, bám sát thực tiễn, phản ánh đúng, trúng và kịp thời các vấn đề trong phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong xã hội.
Góp sức lan tỏa ý nghĩa của sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô, Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V năm 2022 đã được tổ chức và bế mạc vào ngày 2/10, tại rạp Đại Nam (Hà Nội). Ban Tổ chức đã trao 3 Huy chương Vàng cho các vở diễn: “Mưa đỏ” (Nhà hát Kịch nói Quân đội); “Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên” - Chi hội Biểu diễn nghệ thuật Thăng Long (Hội Sân khấu Hà Nội); “Trung Trinh liệt nữ” (Nhà hát Chèo Hà Nội) và 4 Huy chương Bạc cho các vở diễn xuất sắc.
Cùng với đó là 26 Huy chương Vàng, 33 Huy chương Bạc dành cho các diễn viên xuất sắc và Bằng khen dành cho diễn viên nhỏ tuổi nhất. Ban Tổ chức cũng trao các giải thưởng sáng tạo như giải Tác giả xuất sắc, giải Đạo diễn xuất sắc, giải Biên đạo múa xuất sắc, giải Họa sĩ xuất sắc, giải Nhạc công xuất sắc. Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V có nhiều tác phẩm đạt chất lượng cao về tư tưởng, nội dung và nghệ thuật.
Chào mừng kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, ngày 5/10, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) cũng tổ chức trưng bày “Khúc ca khải hoàn” nhằm tái hiện chặng đường chiến đấu oanh liệt của quân và dân Hà Nội trong những năm kháng chiến gian khổ; gợi nhớ cuộc trở về với những cảm xúc, niềm vui của 68 năm trước khi đoàn quân lớp lớp tiến về Thủ đô; đồng thời, thể hiện niềm tự hào và lòng biết ơn những người con đã anh dũng hy sinh.
Trưng bày “Khúc ca khải hoàn” được thể hiện qua 3 nội dung: Bền bỉ kháng chiến, Ngày về chiến thắng và Hà Nội của ta. Tại lễ trưng bày, người dân và du khách đã hòa cùng không khí hân hoan, hào sảng của ngày Giải phóng Thủ đô 68 năm về trước khi hình ảnh các bà mẹ và các cô gái trong trang phục áo dài thướt tha đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về được tái hiện. Các đại biểu tham dự còn được gặp gỡ các nhân chứng lịch sử là các cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, các chiến sĩ từng tham gia tiếp quản Thủ đô năm 1954...
Tuấn Khang