Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:17 GMT+7

Sôi động xuất khẩu nông, thủy sản sang Campuchia

Biên phòng - Đồng bằng sông Cửu Long nằm ở hạ lưu sông Mê Công, là trung tâm sản xuất nông sản và thủy sản lớn bậc nhất nước ta. Những năm gần đây, nông dân gặp nhiều khó khăn bởi hai vấn đề cốt yếu nhất, đó là con giống và đầu ra sản phẩm. Nhiều lần, nông dân phải nghiến răng đổ bỏ sản phẩm của mình làm ra, vì không tiêu thụ được. Nhưng, cũng nhờ hệ thống đường bộ kết nối với Campuchia, tạo ra những cửa ngõ xuất khẩu nông, thủy sản sang tận thị trường Campuchia, Thái Lan, Lào, mở ra hướng phát triển cho người nông dân.

6q8r-18a
Các loại nông sản tập kết ở khu vực cửa khẩu Long Bình chờ xuất sang Campuchia. Ảnh: Hải Luận

 

“Trời ơi, ba năm trước, giá cá lóc tụt xuống mười mấy ngàn đồng một kg, nông dân nuôi cá bị lỗ te tua. Có nhiều người phải bán cả nhà trả nợ. Tui cũng bị “sập” mấy vụ. Nhờ kiên trì đeo bám, thời điểm này, cá lóc xuất bán sang Thái Lan giá lên 40.000 đồng/kg, loại cá bông (giống cá lóc sọc) giá 75.000 đồng/kg. Nuôi cá lóc giá trên 20.000 đồng/kg là có lời rồi” - Nông dân Lê Hải Năm, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, thực thà kể.

Hành trình con cá ngược dòng Mê Công

Nghe anh nông dân ở Tân Châu nói cá lóc xuất khẩu sang thị trường Thái Lan và Campuchia, vùng vựa cá lớn nhất trên hệ thống dòng sông Mê Công, tôi nửa tin, nửa ngờ. Tôi quyết tâm phóng xe máy đến khu vực cửa khẩu Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang, điều tra ngọn ngành xem thế nào. Dưới cái nắng chói chang, tôi thấy hàng chục chiếc xe mang biển số thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp... đang bán cá cho nhiều chiếc xe tải cỡ lớn của Campuchia. “Xe tôi chở 10 tấn cá rô, xe đứa em cũng 10 tấn. Đêm hôm qua, chúng tôi lấy cá ở Hậu Giang và chạy lên đây, chờ xe Campuchia qua cửa khẩu Long Bình, đút hai đuôi xe lại với nhau để sang cá qua. Chiều, xe họ chạy lên Thủ đô Phnôm Pênh. Xe tôi quay về Hậu Giang, ở nhà đã có đội chuyên đi thu mua cá của người dân, về đến nơi chỉ việc đưa cá lên xe” – Ông Hùng, lái xe kiêm chủ hàng, trao đổi vắn tắt với tôi. 

Trong khu cảnh nhộn nhịp cả mấy trăm người làm việc hối hả, tiếng máy xe, máy bơm nước cao lên 4 - 6m, tôi tìm được ông Sa Vong, một tay lái buôn cá xuyên quốc gia người Campuchia, đang chỉ huy số người chuyển cá qua xe. “Hôm nay làm trễ, khoảng 5 giờ chiều, xe mới qua cửa khẩu Long Bình, chạy 3 tiếng đồng hồ đến Phnôm Pênh. Một xe ở lại bán tại đây, còn 3 xe chạy tiếp đến cửa khẩu Thái Lan, bán cả xe cá, với số lượng 30 tấn cho lái buôn người Thái. Họ sẽ chở vào Bangkok và các tỉnh phân phối tại chợ đầu mối” - Ông Vong nói rõ hành trình con cá của Việt Nam ngược dòng Mê Công sang nước thứ ba.

- Tại sao Campuchia có nhiều sông hồ, ruộng đồng rộng mênh mông, dân số lại ít, nhưng nhập khẩu lượng lớn thủy sản của Việt Nam? – Tôi hỏi.

- Người dân Campuchia không biết nuôi cá nước ngọt, trong khi nguồn cá tự nhiên giảm rất nhiều.

- Còn người Thái Lan như thế nào?

- Thái Lan họ cũng ít nuôi cá, nhưng dân số xấp xỉ gần bằng Việt Nam, nên cần lượng cá lớn.

- Những loại cá nào từ Việt Nam xuất sang Campuchia và Thái Lan?

- Thị trường Campuchia ở gần, vận chuyển dễ nên ăn đủ các loại cá: Rô phi, chép, tra, lóc, trê...  Còn thị trường Thái Lan ở xa, chỉ đi loại cá có sức chịu đựng tốt, như cá bông, trê, rô. Nhiều thương lái đem cá lóc cắt đầu, rồi cấp đông lạnh, sang bán cho thị trường ở Lào.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Hải quan Khánh Bình, tỉnh An Giang, năm 2018, có trên 9.000 tấn cá nước ngọt Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia qua cửa khẩu Long Bình, bằng đường chính ngạch, trị giá trên 12 triệu USD. 7 tháng năm 2019, tăng trên 19.000 tấn, trị giá gần 30 triệu USD. Ông Nguyễn Văn Mọng, vựa thu mua cá ở thị trấn biên giới Khánh Bình, thông tin thêm: “Hệ thống sông ở khu vực này chằng chịt qua lại biên giới Việt Nam - Campuchia, hàng ngày có một lượng lớn thủy sản tươi sống được xuất qua Campuchia dưới dạng tiểu ngạch. Riêng gia đình tôi có 6 chiếc tàu chuyên đi thu mua cá từ Đồng Tháp, qua Long Xuyên, Tân Châu, Châu Đốc... Trung bình mỗi ngày, thu mua và xuất bán sang Campuchia 40 - 60 tấn cá”.

Mọi phương tiện vận chuyển nông sản qua biên giới

An Giang có hai cửa khẩu đường bộ Tịnh Biên và Long Bình, có rất nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Campuchia. 4 giờ sáng, tôi có mặt ở khu tập kết hàng nông sản gần cửa khẩu Long Bình, có rất nhiều xe tải nhỏ mang biển số Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Đắk Lắk... đang xuống hàng. Phía trong các kho hàng, công nhân đang đóng từng gói nhỏ 10kg, 15kg, 20kg, rồi gánh ra ngoài bãi tập kết, chờ xe từ Campuchia sang bốc lên. Có mấy người Campuchia qua sớm, bật đèn sáng từ điện thoại xem từng bao ớt, cà chua, bó rau... lấy ống sơn xịt ngoài bao đánh dấu đã kiểm tra hàng và có chủ. 

Hơn 6 giờ sáng, từng đoàn xe ô tô, xe kéo, xe gắn máy của Campuchia ầm ầm chạy vào khu chợ tập trung. Họ đã đặt hàng trước, cứ thế bốc lên đầy xe và chạy sang Campuchia. Bà Trương Thị Ý, chủ vựa thu mua nông sản, xởi lởi: “Kinh doanh ở khu vực này đủ các loại phương tiện. Xe gắn máy thì chở hai cái thùng hai bên, mua ở đây, chở sang mấy chợ nhỏ gần biên giới bán. Xe kéo lớn thì vào sâu trong nội địa để mua. Còn có mấy chiếc xe ô tô đi về trung tâm tỉnh lỵ và Nam Giang (Phnôm Pênh). Nửa đêm, họ bán hết hàng, mới điện thoại đặt cho ngày mai. Mình phân từng loại hàng cho đủ, nếu thiếu, họ sang chỗ khác mua chất đầy xe”.

- Họ điện thoại đặt hàng lúc nửa đêm, nguồn hàng lấy ở xa tới sao kịp được? – Tôi hỏi. 

- Kinh doanh lâu ngày có kinh nghiệm, loại hàng nào đang “hút” thì mình lấy chiều hôm trước, với số lượng nhiều và “đẩy” giá lên. Còn loại hàng nào “sụp” thì lấy ít lại, giảm giá xuống. Mấy thứ “hàng bông” (loại rau, củ, quả) phải giải quyết trong ngày hết, nếu ế qua ngày sau, không ai mua sẽ bị lỗ. Các loại củ, quả để được mấy ngày, như: Cà rốt, bắp cải, khoai tây, bí đỏ, canh, cải củ... Có mối từ Đà Lạt, Tây Nguyên, các tỉnh phía Bắc, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh... chuyển đến.

- Có loại hàng nào mình xuất sang Thái Lan không?

- Mấy chiếc xe tải cỡ lớn chở hàng ớt, cải rổ, cải thìa... xuất sang Thái Lan. Mấy thứ này lúc nào cũng hút hàng, nhà vườn không cung cấp đủ cho thị trường. Bên Campuchia vô vụ loại mặt hàng nào, thì ở Việt Nam biết ngay, giá xuống thấp quá trời, nông dân miền Tây mang lên thành phố bán giá 1.000 – 2.000 đồng/kg quả bầu, bí đao. Vậy mà bán còn không trôi. Vụ của Campuchia qua nhanh lắm, khoảng 15 ngày, sau đó hàng ăn lại ở Việt Nam.

Mỗi ngày, chỉ tính riêng vựa của bà Ý đã bán khoảng 20 tấn các loại nông sản, vựa nào ít cũng xuất bán 5 tấn. Ước tính, mỗi ngày có khoảng 300 tấn nông sản qua cửa khẩu Long Bình, khoảng 1.000 tấn qua cửa khẩu Tịnh Biên.

Đại úy Hoàng Minh Tuấn, Trạm trưởng Trạm cửa khẩu Khánh Bình, Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình, BĐBP An Giang, cho biết: “Để xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, nhằm giúp nhân dân 2 nước ổn định làm ăn, sinh sống, các cụm dân cư hai bên biên giới tổ chức kết nghĩa, còn lực lượng bảo vệ biên giới của 2 nước Việt Nam - Campuchia thì không ngừng tăng cường giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị. Từ khi khánh thành cầu Long Bình, các loại phương tiện qua lại cửa khẩu 2 nước Việt Nam -  Campuchia tăng nhanh. Các đơn vị làm nhiệm vụ tại cửa khẩu luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để các loại phương tiện từ Campuchia vào Việt Nam thu mua nông, thủy sản”. 

Văn Chương - Hải Luận

Bình luận

ZALO