Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:35 GMT+7

Sôi động kinh tế vùng biên Việt Nam - Trung Quốc

Biên phòng - Ngày 12-9-2016, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Sau 2 năm triển khai thực hiện, đến nay, Hiệp định đã tạo điều kiện để các tỉnh có chung biên giới với Trung Quốc khai thác và phát huy thế mạnh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, dần tạo nên những khu kinh tế cửa khẩu (KTCK) năng động.

z07t_5a
Hàng hóa qua cửa khẩu Nà Nưa (Lạng Sơn) tăng nhanh trong 2 năm qua. Ảnh: Lĩnh Nguyên

Theo Hiệp định, thương mại biên giới (TMBG) Việt Nam - Trung Quốc được thực hiện thông qua các cửa khẩu biên giới đất liền và khu (điểm) chợ biên giới được hai bên thỏa thuận mở tại 7 tỉnh: Cao Bằng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên của Việt Nam và 2 tỉnh/khu Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc). Hoạt động tại các chợ biên giới của người và phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh; hàng hóa xuất, nhập khẩu (XNK) ra, vào các khu (điểm) chợ biên giới thông qua đường qua lại biên giới mà hai bên thỏa thuận mở.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng mạnh

Hiệp định đã tạo đòn bẩy phát triển nhanh kinh tế biên mậu tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Điều đó thể hiện trước hết ở sự gia tăng lưu lượng người, phương tiện, hàng hóa qua lại biên giới và các hoạt động xúc tiến thương mại cũng như giá trị kim ngạch XNK. Chỉ tính riêng tại cặp cửa khẩu quốc tế Tà Lùng (huyện Phục Hòa, Cao Bằng) - Thủy Khẩu (Trung Quốc), lượng hàng hóa XNK tăng mạnh trong thời gian qua. Năm 2016, lưu lượng hàng hóa qua cửa khẩu này là hơn 300.000 tấn. Con số này tăng lên hơn 980.000 tấn vào năm 2017.

Tại huyện Phục Hòa, KTCK thực sự đã tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, khẳng định được vai trò thông qua sự đóng góp đối với nền kinh tế. UBND huyện Phục Hòa cho biết, trong giai đoạn 2013-2017, bình quân tổng giá trị kim ngạch XNK hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế Tà Lùng đạt hơn 400 triệu đô-la Mỹ. Thông qua hoạt động của khu KTCK, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam và Trung Quốc xuất hiện nhiều hơn ở thị trường của nhau. Trao đổi thương mại theo đó gia tăng, góp phần phát triển sản xuất trong huyện Phục Hòa và khu vực lân cận.

Theo Bộ Công thương, hiện nay, quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc đang phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Trung Quốc đang là thị trường rộng lớn của Việt Nam về xuất khẩu trên phương diện tổng thể và cũng là một trong những đối tác thương mại lớn nhất. Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, năm 2016, kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt gần 72 tỉ đô-la Mỹ. Năm 2017, xuất khẩu sang Trung Quốc lên tới 60,6%, đạt 35,3 tỉ và kim ngạch nhập khẩu ở mức 58,5 tỉ đô-la Mỹ. Tổng kim ngạch XNK sang Trung Quốc năm 2017 cán mốc 93,8 tỉ đô-la Mỹ, tăng 21,79 tỉ đô-la Mỹ so với năm 2016. Trong 9 tháng của năm 2018, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc ước đạt 28,15 tỉ đô-la Mỹ, tăng 26,6%; kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đạt  47,1 tỉ đô-la Mỹ, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2017. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của hoạt động TMBG.

qwna_5b
Chợ phiên Mèo Vạc, Hà Giang - nơi giao thương hàng hóa sôi động của bà con vùng biên. Ảnh: Bích Nguyên

Thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng

Điều dễ nhận thấy là sau khi Hiệp định TMBG Việt Nam - Trung Quốc được ký kết, hệ thống cơ sở hạ tầng ở các cửa khẩu được đầu tư mạnh để đáp ứng nhu cầu phát triển TMBG. Hiện, tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc có 32 cặp cửa khẩu. Phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế, trong 2 năm qua, 3 cặp cửa khẩu phụ đã được nâng cấp lên thành cửa khẩu chính gồm cặp cửa khẩu: Chi Ma (Lạng Sơn) - Ái Điểm (Trung Quốc); Xín Mần (Hà Giang) - Đô Long (Trung Quốc); Sóc Giang (Cao Bằng) - Bình Mãng (Trung Quốc). Như vậy, đến nay, tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc có 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính và 19 cửa khẩu phụ.

Cơ sở hạ tầng các khu KTCK đang được đầu tư nâng cấp, mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế biên mậu. Trong đó, thành phố Móng Cái, Quảng Ninh và thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) đã khánh thành, thông xe cầu phao tạm đầu tiên trên sông biên giới Ka Long nối hai thành phố vào tháng 12-2017. Ngoài ra, Quảng Ninh đã khánh thành cầu Bắc Luân 2. Đây là cây cầu nối liền mạch giao thương và phục vụ khu hợp tác xuyên biên giới Đông Hưng - Quảng Ninh. Những công trình trên có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy hoạt động lưu thông hàng hóa XNK qua cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng nói riêng và hoạt động thương mại giữa Quảng Ninh với Quảng Tây (Trung Quốc) nói chung.

Còn tại Cao Bằng, các khu KTCK cũng được đầu tư nâng cấp để đáp ứng sự gia tăng lưu lượng hàng hóa XNK tăng nhanh qua mỗi năm. Các hạng mục khu hợp tác kinh tế Tà Lùng - Thủy Khẩu, đường bến bãi trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới cặp chợ Tà Lùng - Thủy Khẩu, khu KTCK Trà Lĩnh được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi và làm cầu nối cho các doanh nghiệp hai bên có cơ hội tìm kiếm và mở rộng thị trường.

Tháng 4-2018, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng khu KTCK Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang đến năm 2030. Đây là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm thương mại-dịch vụ, công nghiệp-nông lâm nghiệp, tạo thành khu vực thu hút đầu tư và hội nhập quốc tế. Đây cũng là cửa ngõ giao thương quốc tế, đầu mối xuất nhập cảnh quan trọng; cầu nối giữa tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với miền Bắc nước ta và hành lang Biển Đông, giữa các nước ASEAN với các nước Đông Bắc Á.

Thực tế, sau khi nước ta ký Hiệp định TMBG Việt Nam - Trung Quốc, hàng loạt kho bãi, nhà xưởng phục vụ TMBG trên tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc đã được đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông kết nối giữa các cửa khẩu, các khu KTCK được nâng cấp, mở rộng, hệ thống giao thông quốc gia cũng được quan tâm đầu tư phục vụ phát triển TMBG. Lực lượng chức năng cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tại cửa khẩu, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại giữa hai nước.

Trong đó, lực lượng BĐBP ngoài việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào kiểm soát hàng hóa, người, phương tiện qua lại cửa khẩu đã mở thêm các luồng kiểm soát trong thời gian cao điểm và kéo dài thời gian làm việc tại một số cửa khẩu có lưu lượng thông quan lớn nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc hàng hóa nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Những điều đó đã tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ TMBG Việt Nam – Trung Quốc, dần tạo nên những khu kinh tế vùng biên năng động và ngày càng phát triển về quy mô.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO