Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:37 GMT+7

Sôi động kinh tế cửa khẩu Việt Nam - Campuchia

Biên phòng - “Nói cho anh hay, thị trường tiêu thụ các loại hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam sang Campuchia rất thuận tiện, dễ dàng. Người làm vườn ở dọc biên giới, thức dậy 3 giờ sáng cắt rau, trái cây…, đến 6 giờ đã xuất khẩu ra nước ngoài. Cá lóc, cá rô nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long được thương lái Campuchia thu mua bán qua tận Thái Lan” - ông Tấn Quang, người mua bán tại chợ đầu mối nông sản cửa khẩu Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang xởi lởi thông tin với tôi.

Xe ô tô mua bán cá nước ngọt, hàng nông sản ở khu vực cửa khẩu Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang để xuất khẩu sang Campuchia. Ảnh: Lệ Giang

Hàng nông sản chiếm ưu thế

Chợ đầu mối cửa khẩu Long Bình hoạt động từ 2 giờ sáng, đón nhận xe tải chở hàng từ các tỉnh Đồng Nai, Tiền Giang, Sóc Trăng... Bắt đầu từ 4 giờ sáng, xe ba gác, xe tải nhỏ, xe gắn máy của các xã lân cận đã mang nông sản đến bán trực tiếp cho các vựa thu mua. Hàng hóa được đóng thành từng bao, từng bó để cả bãi dài. Cửa khẩu Long Bình mở ra, cả đoàn xe tải, xe kéo nối đuôi nhau đi qua cửa khẩu đến chợ đầu mối nhận hàng hóa. Họ làm việc rất khẩn trương, chỉ trong vòng 30 phút đến 1 giờ, xe hàng phải quay ngược sang Campuchia.

Đoạn đường từ cửa khẩu Long Bình đến Thủ đô Phnom Penh, Campuchia khoảng 70km, xe ô tô chạy hơn 1 giờ, mọi hàng hóa lấy từ Việt Nam bán tại các chợ buổi sáng ở Phnom Penh và các tỉnh lân cận. Sang buổi chiều, xe chở cá lóc, cá rô, cá trê tươi sống từ Đồng Tháp, Trà Vinh, Hậu Giang... đợi hàng dài bán cho thương lái Campuchia. Cá được vận chuyển đi bán ở các tỉnh của Campuchia, nhiều thương lái bán cá sang tận Thái Lan.

Tỉnh An Giang có cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, hàng nông sản từ Việt Nam xuất sang Campuchia lớn nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, cách cửa khẩu khoảng 1km có chợ đầu mối hoạt động suốt ngày đêm. Khung giờ nhộn nhịp nhất là từ 3 đến 8 giờ sáng và từ 14 đến 17 giờ. Còn ở chiều ngược lại, hàng hóa từ Campuchia nhập khẩu vào Việt Nam, theo mùa sản xuất, chủ yếu lúa gạo và một số trái cây, cao su...

Hợp tác to lớn hơn

Trong suốt 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia, đặc biệt từ Trung ương đến xã, ấp có mối quan hệ thắm tình anh em. Về cấp Nhà nước, lãnh đạo hai bên thường xuyên phối hợp tổ chức các cuộc gặp gỡ, hội đàm về các cơ chế hợp tác kinh tế - thương mại song phương.

Hai bên cũng xây dựng cơ chế hợp tác quốc phòng, an ninh, khi đã hoàn thành phân giới cắm mốc khoảng 84% đường biên giới trên thực địa và đã ký 2 văn kiện pháp lý, ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc đã đạt được. Cấp tỉnh, huyện, xã ở dọc biên giới, thường xuyên có những cuộc gặp gỡ, giao ban, trao đổi công việc về tình hình sản xuất kinh tế, trao đổi hàng hóa của nhân dân sinh sống ở khu vực hai bên biên giới.

Công tác ngoại giao, các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư hai nước phát triển khởi sắc. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giữa Việt Nam - Campuchia đạt 7,87 tỉ USD, tăng 87,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đến nay, Việt Nam có 188 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký là 2,88 tỉ USD, đứng thứ 5 trong số các nước đầu tư vào Campuchia.

Tháng 12-2021, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước đã có chuyến thăm Campuchia cấp Nhà nước. Tại chuyến thăm, hai nhà lãnh đạo Việt Nam - Campuchia đã thống nhất về các bước để tiến hành đàm phán, ký kết Hiệp định Thương mại biên giới và sau khi Hiệp định được ký kết, sẽ rà soát tình hình, triển khai một số vấn đề trong hợp tác thương mại và bàn các biện pháp tăng cường hợp tác thương mại giữa hai nước ở quy mô lớn hơn.

Nông dân huyện An Phú, tỉnh An Giang vận chuyển ớt bán cho thương lái xuất khẩu sang Campuchia. Ảnh: Lệ Giang

Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc duy trì, cải tiến mô hình thông quan phòng dịch tại cửa khẩu để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp hai nước. Theo dõi sát tình hình thương mại biên giới, đặc biệt là việc lưu thông hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới. Kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc để xử lý, đảm bảo luồng lưu thông hàng hóa được ổn định, thông suốt, không bị gián đoạn bởi các biện pháp phòng dịch. Cùng với đó, tạo thuận lợi cho việc tăng cường hợp tác, kết nối để phát triển các chuỗi cung ứng, khai thác các cơ hội từ các hiệp định hợp tác kinh tế, hiệp định thương mại tự do mà mỗi nước đã ký kết.

Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Thương mại Campuchia cùng nhất trí tiếp tục các nỗ lực và sự phối hợp trong việc ngăn chặn hiện tượng buôn lậu, gian lận thương mại và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, bảo đảm cho thương mại được phát triển bền vững. Hai bên cũng đã trao đổi kế hoạch kết nối và phát triển hạ tầng thương mại biên giới. Việt Nam - Campuchia nhất trí sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong các diễn đàn, khuôn khổ hợp tác đa phương và khu vực.

Lệ Giang

Bình luận

ZALO