Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 01:52 GMT+7

Sóc Trăng: Người nuôi tôm trúng mùa

Biên phòng - Hơn 10 năm qua, tỉnh Sóc Trăng xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó, đi đầu là nghề nuôi tôm xuất khẩu. Nghề này từ quảng canh cải tiến đến công nghiệp và bán công nghiệp không chỉ tạo nguồn nguyên liệu tại chỗ cho các nhà máy chế biến thủy sản, mà còn góp phần làm thay đổi bộ mặt của hàng chục xã ven biển.

Hộ gia đình anh Trần Văn Khởi, ở ấp Prey Chóp B, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu thu hoạch vụ tôm thẻ. Ảnh: Phương Nghi

Vụ tôm nước lợ năm 2020, người nuôi tôm Sóc Trăng trúng mùa. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, vụ nuôi tôm nước lợ năm 2020, toàn tỉnh thả nuôi hơn 51.400ha (vượt gần 3% kế hoạch). Tỷ lệ tôm thiệt hại được khống chế ở mức dưới 10% so với diện tích thả. Ước tính, sản lượng đạt gần 188.000 tấn, cao hơn 24,8% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Vụ nuôi tôm nước lợ năm 2020 thắng lợi do tỉnh quản lý nuôi trồng thủy sản theo khung lịch thời vụ tốt và khung lịch thời vụ phù hợp với điều kiện môi trường, điều kiện nuôi của người dân. Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được triển khai, nhân rộng. Đặc biệt, người dân đã chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng và có ý thức chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực thủy sản”.

Thị xã Vĩnh Châu là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất tỉnh Sóc Trăng, với gần 25.000ha. Mô hình nuôi tôm công nghiệp ở Vĩnh Châu đang khẳng định ưu thế, vì nó đáp ứng được tập quán canh tác của nông dân miệt biển. Anh Trần Văn Khởi, ở ấp Prey Chóp B, xã Lai Hòa (thị xã Vĩnh Châu) sử dụng diện tích 4ha, chia thành 11 ao đất để nuôi tôm.

Anh Khởi cho biết: “Suốt 3 năm qua, tôi nuôi tôm ao đất 3 giai đoạn đều thành công. Để nuôi tôm ao đất thu về lợi nhuận tốt và giảm chi phí, giá thành đầu tư, cần phải áp dụng quy trình nuôi tôm 3 giai đoạn và trước khi thả tôm nên nuôi nước trong một thời gian nhất định mới lấy nước vào nuôi tôm, khi tôm đạt kích cỡ chuyển sang ao nuôi mới, cứ chuyển tôm nuôi trong 3 lần nuôi, sẽ hạn chế rủi ro về dịch bệnh trên tôm nuôi, tôm lớn nhanh. Tôm thả nuôi thời gian tầm 3 - 3,5 tháng là thu hoạch, thả nuôi tôm 2 đợt/năm, sản lượng thu về hơn 41 tấn tôm, trừ hết chi phí, lợi nhuận gần 2,5 tỉ đồng/năm/4ha”.

Còn ông Nguyễn Văn Đầy ở ấp Mỹ Chánh, xã Lịch Hội Thượng, (huyện Trần Đề) chia sẻ: “Trước đây, người nuôi tôm rất bị động, lúng túng khi ao nuôi xảy ra sự cố. Khi đó, bà con thường xử lý bằng cách: Khi tôm bị bệnh gan, ruột, rớt lai rai, bỏ ăn thì dùng kháng sinh diệt khuẩn, dùng hóa chất cắt tảo và hạn chế khí độc. Do không chủ động khống chế nên bà con lúng túng và xử lý theo sự vụ, không nắm vững được kiến thức cơ bản về phòng và trị bệnh cho tôm nuôi, gây lãng phí, đặc biệt là lạm dụng kháng sinh, hóa chất. Dù mới nuôi 2 năm gần đây, nhưng do tôi áp dụng chặt chẽ các quy trình do cán bộ ngành nông nghiệp hướng dẫn nên hiệu quả tốt, năng suất tôm vượt trội và bệnh trên tôm hầu như không thấy”.

Riêng đối với con tôm nước lợ, tỉnh Sóc Trăng đã quy hoạch vùng nuôi tại các địa phương và phát triển các mô hình nuôi tôm hiện đại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng tôm nuôi và liên kết doanh nghiệp bao tiêu tôm thương phẩm sau thu hoạch... Ông Trần Văn Phẩm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex), đánh giá: “Hiện nay, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng lượng tôm nguyên liệu còn tồn kho trên thế giới đã giảm, khiến giá tôm tăng rất cao. Ðây là cơ hội để ngành tôm của tỉnh Sóc Trăng có cơ hội để phát triển”.

Bà Triệu Thị Ngọc Diễm, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, cho biết: “Thời gian tới, huyện Vĩnh Châu tiếp tục hướng dẫn người dân thả nuôi theo lịch thời vụ để quản lý tốt dịch bệnh, không thả nuôi mật độ cao, mà thả nuôi tùy theo khả năng đầu tư và trình độ chuyên môn, kỹ thuật. Chúng tôi cũng vận động người dân thực hiện tốt các quy định trong nuôi tôm, nhất là về quy hoạch vùng nuôi, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh; lựa chọn con giống, vật tư có chất lượng tốt. Bên cạnh đó, huyện tập trung đầu tư cho công tác thủy lợi, đảm bảo đủ nguồn nước cho các vùng nuôi”.

Với những giải pháp thiết thực, phù hợp, gắn với từng vùng nuôi cụ thể của các cấp chính quyền hy vọng rằng, vùng nuôi tôm của tỉnh Sóc Trăng sẽ ngày càng hoàn thiện, góp phần vào việc nâng cao năng suất, giúp người dân đổi đời, địa phương phát triển kinh tế.

Phương Nghi

Bình luận

ZALO