Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 28/03/2023 04:01 GMT+7

Sóc Trăng được mùa củ hành tím

Biên phòng - Hành tím là cây trồng chủ lực của bà con Khmer vùng bãi ngang, ven biển thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng). Hằng năm (từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau), sau khi thu hoạch vụ lúa cao sản, mọi nhà lại tất bật chuẩn bị lên liếp, sửa máy bơm, giống để xuống vụ hành tím. Vụ hành tím thương phẩm năm nay được xem là “bội thu” năng suất và giá đem lại lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương.

gy73_15a
Người Khmer ở khóm Cà Săng B, phường 2, thị xã Vĩnh Châu trồng hành theo tiêu chuẩn VietGAP, cho củ hành màu sáng, đẹp hơn so với cách trồng hành truyền thống. Ảnh: Phương Nghi

Ông Lê Minh Trường, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu cho biết: “Năm nay, Vĩnh Châu có diện tích trồng hành tím khoảng 6.500ha, trong đó, hành thương phẩm 5.000ha và hành giống 1.500ha. Đồng thời, có hơn 4.200ha hành tím định hướng sản xuất theo hướng hữu cơ và tiêu chuẩn VietGAP nhằm mang đến sản phẩm sạch cho người tiêu dùng. Hiện, nông dân Vĩnh Châu đang bước vào thu hoạch cuối vụ và đang vào vụ hành tím giống. Nếu như trước Tết, hành tím bán với giá dao động từ 30.000 đến 32.000 đồng/kg thì hiện nay, giá hành chính vụ còn từ 20.000 đến 22.000 đồng/kg, trừ chi phí, người trồng hành tím lãi trên 300 triệu đồng/ha”.

Niềm vui vẫn giữ trên gương mặt anh Tăng Văn Sáng, nông dân Khmer trồng hành tím ở ấp Âu Thọ, xã Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu), anh cho biết: “Năm nay, trên diện tích 1ha đất pha cát, sau vụ lúa mùa cao sản, tôi trồng hành theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất hành bình quân 2,5 tấn/công (tăng trên 25% so với cách trồng hành truyền thống), đang bán với giá 22.000 đồng/kg (cao hơn 3.000 đồng/kg so với trồng hành truyền thống). Trừ chi phí, lợi nhuận thu về gần 300 triệu đồng. “Trong quá trình sản xuất, tôi được cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật xuống tận nơi hướng dẫn quy trình canh tác, bón phân, sử dụng thuốc sinh học. Từ khi xuống giống đến thu hoạch khoảng 50 ngày, hành ít bị sâu bệnh hơn so với lúc chưa thực hiện mô hình, củ hành có màu đẹp và đều hơn, lại giảm chi phí sản xuất, năng suất vẫn duy trì ổn định” - Anh Sáng cho biết thêm.

Còn ông Thạch Đặng, khóm Cà Săng B, phường 2 (thị xã Vĩnh Châu) hồ hởi chia sẻ: Mấy mươi năm gắn bó cùng cây hành tím, người dân chỉ trồng theo kinh nghiệm của từng nhà nên năng suất không cao. Vài năm trở lại đây, được địa phương vận động nông dân ứng dụng khoa học vào sản xuất và được cập nhật cách sản xuất mới, đặc biệt là nông dân được biết đến quy trình trồng hành tím theo tiêu chuẩn VietGAP, có sổ tay ghi chép từng giai đoạn, cung cấp các dưỡng chất trên cây hành, tránh sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật cấm trong danh mục để vừa đảm bảo sức khỏe bản thân người sản xuất, vừa bảo vệ sức khỏe khách hàng khi dùng sản phẩm hành tím. “Nhờ đó, việc canh tác hành giảm đáng kể chi phí, thay thế phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bằng phân bón hữu cơ, thuốc vi sinh thân thiện môi trường, góp phần cải tạo đất. Nhờ vậy, củ hành phát triển tốt, cho năng suất cao hơn so với cách trồng hành truyền thống...” - Ông Đặng bộc bạch.

Củ hành tím Vĩnh Châu là một trong các sản phẩm của địa phương được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP của tỉnh Sóc Trăng. “Qua đó, tạo điều kiện cho nông dân trồng hành tím tiếp cận khoa học kỹ thuật, làm thay đổi tập quán trong sản xuất của nông dân, góp phần tăng chất lượng sản phẩm, tăng giá trị cạnh tranh trên thị trường, tạo nền tảng phát triển vùng trồng hành tím an toàn, chất lượng của tỉnh Sóc Trăng” - Ông Trần Hoàng Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu khẳng định.

Với tiềm năng sản lượng dồi dào, khi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hành tím Vĩnh Châu sẽ có điều kiện gia nhập thị trường thế giới, từ đó, ổn định sản xuất và nâng cao giá trị. Bước đầu, mô hình mang lại tín hiệu khả quan, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng...

Theo ông Trần Hoàng Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, việc nâng cao chất lượng hành tím thông qua sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP sẽ giúp tăng giá trị cây hành cũng như nâng cao nhận thức của bà con trong canh tác, góp phần bảo vệ môi trường, an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, còn tập cho bà con nông dân sử dụng thành thạo phân hữu cơ và thuốc sinh học. 

Phương Nghi

Bình luận

ZALO