Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:00 GMT+7

Sơ tán hơn 760.000 người ra khỏi khu vực ảnh hưởng của bão số 5

Biên phòng - Để ứng phó với bão số 5 và mưa lũ lớn, các địa phương miền núi phía Bắc và đồng bằng ven biển đã dự kiến sơ tán hơn 760.000 người khu vực nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất, khu vực ven sông, ngoài đê và ven biển.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Trị giúp người dân chằng néo tàu tại khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão. Ảnh: CTV

Đảm bảo an toàn dịch bệnh khi sơ tán dân

Các địa phương có dịch đã rà soát các đối tượng trong diện F0, F1 để có phương án cách ly, sơ tán riêng cũng như biện pháp y tế phù hợp. Theo rà soát của các địa phương, hiện có 4.814 ca F0 và 11.792 ca F1 tại 38 quận, huyện ven biển ở 8 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, Nam Định có 14 ca F0; Thanh Hóa có 213 ca F0 và 1.620 ca F1 tại 5 huyện; Nghệ An có 1.105 ca F0 và 1.432 ca F1 tại 6 huyện; Quảng Bình có 1.113 ca F0 và 7.468 ca F1 tại 8 huyện; Thừa Thiên Huế có 322 ca F0 tại 5 huyện; Đà Nẵng có 1.524 ca F0 tại 7 quận; Quãng Ngãi có 185 ca F0 tại 2 huyện; Bình Định có 352 ca F0 và 472 ca F1 tại 4 huyện.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các khu vực cách ly đã có phương án sơ tán dân đảm bảo an toàn tại chỗ. Riêng tỉnh Nam Định có phương án sơ tán 600 ca F1 đang cách ly tại huyện Hải Hậu về Công ty đóng tàu Thịnh Long và trạm y tế xã, thị trấn. 200 ca F1 đang cách ly tại huyện Giao Thủy sơ tán về trường dạy nghề và Trường THPT Giao Thủy.

Tỉnh Bình Định có phương án sơ tán 352 ca F0 tại 4 huyện về hội trường, nhà Văn hóa và trụ sở tôn giáo xã.

Tỉnh Nghệ An có phương án sơ tán các ca F0 đến tránh trú tại các khu vực độc lập ở các trường học mà học sinh đang học online và một số công trình công cộng khác.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã đề nghị các địa phương tăng cường công tác thông tin, truyền thông, hướng dẫn kỹ năng nâng cao nhận thức cộng đồng, người dân để chủ động phòng tránh, ứng phó hiệu quả, phù hợp với diễn biến bão, mưa lũ và an toàn chống dịch Covid-19.

Chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với tình huống thiên tai cụ thể tại địa phương. Đặc biệt, đối với các khu vực giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (vùng đỏ) cần tập trung lực lượng y tế để sẵn sàng xử lý các tình huống.

Nghiêm túc thực hiện 5K

Được biết, các đơn vị BĐBP đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 5. Trong đó, yêu cầu cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải bảo đảm tuyệt đối an toàn về người, phương tiện và công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Các đơn vị đã quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ nghiêm túc trước, trong và sau khi thực hiện nhiệm vụ ứng phó thiên tai chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và thông điệp “5K”.

Trong đó, Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế chỉ đạo tổ chức cách ly lực lượng làm nhiệm vụ trong khu vực vùng dịch, thường xuyên theo dõi sức khỏe cán bộ, chiến sĩ, phun thuốc khử trùng diệt khuẩn các trang thiết bị sau khi thực hiện nhiệm vụ.

Tại Quảng Trị, lực lượng chức năng tại các chốt liên ngành đã tiến hành kiểm tra y tế, test nhanh Covid-19 đối với các thuyền viên trên các tàu ngoại tỉnh vào neo đậu tại các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão của Quảng Trị theo đúng quy định công tác phòng chống dịch.

1 người chết do mưa lũ

Trong những ngày qua mưa lớn và dông, lốc sét đã xảy ra tại một số địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Gia Lai. Ghi nhận của tỉnh Gia Lai đã có 1 người chết do lũ cuốn trôi khi đi qua suối. Nạn nhân là bà Rơ Ô H’Niên, 31 tuổi, trú tại buôn Ia Prông, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa.

Tỉnh Nghệ An có 1 nhà bị sập. Tỉnh Thanh Hóa có 2 nhà bị hư hỏng. Về nông nghiệp có 1382,1ha lúa bị ngập, gãy đổ, cuốn trôi, thiệt hại nhiều nhất là tỉnh Quảng Bình với hơn 912ha, tiếp sau là Quảng Trị với 450ha.

Quốc lộ 9C nối Quảng Bình - cửa khẩu Chút Mút sang Lào bị sạt lở, khối lượng đất đá sạt khoảng 5.000m3. ảnh: Đức Hiệp

Hệ thống giao thông của một số địa phương cũng bị sạt lở, hư hỏng do mưa lớn. Cụ thể, 90 vị trí tuyến đường Quốc lộ: QL217, QL16, QL47, QL15C đoạn qua tỉnh Thanh Hóa bị sạt lở taluy, xói trôi lề đường với tổng khối lượng 4.600m3.

Quốc lộ 9C là tuyến giao thông quan trọng nối cửa khẩu Chút Mút thuộc xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình sang nước bạn Lào đã sạt lở cục bộ. Mưa lớn nhiều ngày, đất đá từ các đồi núi bị mềm lỏng kết hợp với địa hình đồi núi dốc, nên những ngày qua đã xảy ra các vụ sạt lở núi, khiến khoảng 5.000m3 đất, đá vùi lấp nhiều đoạn đường thuộc Quốc lộ 9C gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình đã gấp rút giao sở giao thông vận tải Quảng Bình tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan, đưa phương tiện máy móc chuyên dụng để khắc phục các điểm sạt lở này, để sớm đưa tuyến đường trở lại hoạt động giúp người dân lưu thông khi mùa mưa bão đang đến gần.

Thu Hằng

Bình luận

ZALO