Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:08 GMT+7

Slovenia với trọng trách lãnh đạo châu Âu

Biên phòng - Cứ 6 tháng 1 lần, một quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội đồng EU - một tổ chức cùng với Nghị viện châu Âu sửa đổi và thông qua luật pháp. Trách nhiệm chính của Chủ tịch Hội đồng EU là tổ chức chương trình làm việc của Hội đồng và liên lạc với Nghị viện và Ủy ban châu Âu để thông qua luật của EU. Từ tháng 7 này, Slovenia đã nắm quyền Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU từ Bồ Đào Nha, đánh dấu lần thứ 2 quốc gia trung Âu với 2 triệu dân đảm nhiệm vị trí này.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (bên trái) và Thủ tướng Slovenia Janez Jansa tại cuộc hội đàm riêng sau khi Slovenia đảm nhận chức vụ Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU. Ảnh:AFP

Trong bối cảnh “lục địa già” vừa tìm thấy “ánh sáng cuối đường hầm” trong “cơn bão” dịch bệnh Covid-19 dai dẳng thì các ca nhiễm biến thể Delta lại gia tăng nhanh chóng ở châu Âu trong thời gian gần đây. Thống kê của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) chỉ ra rằng, biến thể Delta có khả năng lây nhiễm nhanh hơn từ 40% đến 60% so với biến thể Alpha được phát hiện lần đầu tại Anh. ECDC dự đoán, đến cuối tháng 8, 90% số ca mắc mới tại EU nhiễm biến thể Delta. Vì lẽ đó, ứng phó với dịch Covid-19 vẫn là ưu tiên quan trọng nhất mà Slovenia phải gánh vác.

Một bài toán khó đặt ra cho tân Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU hiện nay là phải dẹp bỏ được sự do dự của người dân về việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Đây cũng là một trong những lý do quan trọng khiến các chiến dịch tiêm chủng ở châu Âu chậm chạp. Đảm nhiệm trọng trách mới, Thủ tướng Slovenia Janez Jansa đã kêu gọi người dân châu Âu phải tiêm chủng ngừa Covid-19 nhanh chóng, bởi đây là giải pháp duy nhất để sớm chấm dứt đại dịch.

Song hành với ưu tiên ứng phó với dịch Covid-19, việc chấn hưng nền kinh tế châu Âu sau hơn 1 năm suy yếu vì dịch bệnh cũng là điều quan trọng bậc nhất. Sách lược của châu Âu hiện nay là phục hồi kinh tế hậu Covid-19 dựa trên chuyển đổi kỹ thuật số và phát triển kinh tế xanh. Để làm được điều này, Thủ tướng Slovenia Janez Jansa bày tỏ hy vọng rằng, trong 6 tháng cuối năm, từng quốc gia thành viên EU sẽ khống chế tốt dịch bệnh, đặc biệt là tiêm chủng hiệu quả để sớm trở lại cuộc sống bình thường như trước khi xảy đại dịch. Dẫu vậy, giới quan sát kinh tế - xã hội châu Âu nhìn nhận, niềm hy vọng ấy sẽ rất khó để có thể được hiện thực hóa, nhất là khi dịch bệnh vẫn hoành hành với diễn biến khó lường.

Ngoài ra, trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng EU, Tổng thống Slovenia cũng sẽ tập trung vào các vấn đề đối ngoại và giải quyết xu hướng quan hệ căng thẳng hiện nay của một số quốc gia. Một trong những điểm nhấn quan trọng khác trong phương hướng 6 tháng cuối năm mà tân Chủ tịch Hội đồng EU đưa ra là mở rộng EU với lời cam kết đẩy nhanh tiến trình các nước Tây Balkan xin gia nhập EU vốn bị đình trệ lâu nay. Theo đó, Thủ tướng Slovenia cho biết sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh giữa EU và các nước Tây Balkan vào tháng 10 tới. Kế hoạch này nhận được sự ủng hộ lớn từ nhiều nhà lãnh đạo EU.

Có thể khẳng định, khối lượng công việc của Chủ tịch Hội đồng EU là rất nặng nề và việc hoạch định chính sách cũng rất căng thẳng. Bởi, EU là tổ chức khu vực có nhiều thành viên được xếp hạng cường quốc, trong khi “lục địa già” lâu nay vẫn rối ren trong nhiều vấn đề từ nội tại đến những thách thức mới nổi. Nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu của EU đánh giá, Slovenia đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch Hội đồng EU trong một thời điểm mang tính “bước ngoặt”. Điều quan trọng nhất hiện nay là phải đưa EU chuyển từ xử lý khủng hoảng sang nỗ lực phục hồi lâu bền.

Chặng đường 6 tháng tuy ngắn ngủi, song, thực tế lại rất nhiều trở ngại và bộn bề khó khăn. Dẫu vậy, từ chính trường đến dư luận châu Âu đều đang đặt nhiều niềm tin vào Slovenia. Với trọng trách và quyết tâm cao, Slovenia sẽ tận dụng được những cơ hội để đưa EU vượt qua gian khó, mà trước mắt là phải gắn kết các quốc gia thành viên. Những mục tiêu và kỳ vọng đặt ra không chỉ hứa hẹn nâng cao năng lực của Khối mà cũng là cơ hội để Slovenia tự nâng cao vị thế và vai trò của mình trong EU.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO