Biên phòng - Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu lâm sản chính cả năm 2018 đạt trên 9,3 tỷ USD tăng hơn 17% so với năm 2017. Lâm sản trở thành hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm ngành hàng nông lâm thủy sản (chiếm 24%), đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Thành tựu trên đưa Việt Nam vươn lên đứng thứ 5 thế giới và đứng đầu các nước trong khu vực châu Á về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Hiện đồ gỗ Việt Nam đã có mặt tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kết quả này còn ghi nhận sự chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất rõ nét sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Lâm nghiệp phát triển nhanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường, khẳng định vị thế là một ngành kinh tế vì môi trường. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu theo hướng tạo ra những sản phẩm có chất lượng, thẩm mỹ đáp ứng cả những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Liên Minh châu Âu (EU).
Xuất khẩu lâm sản tăng trưởng mạnh không chỉ khai thác tối đa 21.000ha rừng trồng tập trung, tương ứng sản lượng 18 triệu m3 trong năm 2018, mà còn mở rộng thêm nguồn thu từ các dịch vụ đang được hưởng lợi từ rừng được. Từ năm 2011 đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đã huy động ủy thác nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng đạt trên 10.000 tỷ đồng. Đây là nguồn tài chính bền vững hỗ trợ bảo vệ gần 6 triệu ha rừng, góp phần hỗ trợ cho chủ rừng có kinh phí quản lý, bảo vệ rừng, sau khi đóng cửa rừng tự nhiên. Đặc biệt, nguồn kinh phí trên hỗ trợ kịp thời cho hơn 410.000 hộ gia đình, cộng đồng dân cư với 86% là đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện nâng cao đời sống, cải thiện sinh kế trong bối cảnh ngân sách Nhà nước đang khó khăn.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, trong thời gian tới, xuất khẩu gỗ và lâm sản tiếp tục tăng trưởng ở mức cao, nhất là sau khi Hiệp định Ðối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU được ký kết vào ngày 19-10-2018. Hiệp định sẽ giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, cải thiện thể chế về quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái phép, đưa ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam đạt doanh thu 12-13 tỷ USD vào năm 2020.
Để khả năng trên trở thành hiện thực, chúng ta cần khẩn trương đưa Luật Lâm nghiệp vào cuộc sống (có hiệu lực từ ngày 1-1-2019), đồng thời tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng cho ngành sản xuất, chế biến lâm sản; đẩy mạnh việc phát triển trồng rừng nguyên liệu, rừng gỗ lớn; ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào các khâu chọn, tạo giống, trồng, chăm sóc, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sử dụng rừng trồng.
Mặt khác, ngành lâm nghiệp sớm điều chỉnh cơ cấu hàng hóa xuất khẩu khi các doanh nghiệp tập trung quá nhiều vào xuất khẩu gỗ chưa qua chế biến, sản phẩm từ gỗ... Trong khi tỷ trọng đầu tư cho ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của đất nước. Lâm sản ngoài gỗ là một bộ phận của hệ sinh thái rừng, chiếm khoảng 50% tổng sinh khối của rừng nhiệt đới, với nhiều chủng, loài phong phú. Hiện, giá trị xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ chưa tới 5% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản.
Thiết nghĩ, để sản xuất và khai thác bền vững tài nguyên rừng, người trồng rừng, doanh nghiệp cần thay đổi hướng tiếp cận thị trường, phương thức kinh doanh từ sản xuất, xuất khẩu gỗ và sản phẩm đồ gỗ, chuyển dần sang sản xuất, chế biến xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ. Đây cũng chính là hướng phát triển nhanh, bền vững cho vùng dân tộc - miền núi, nơi tập trung lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế và đủ đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Thanh Thảo