Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:32 GMT+7

Siết quảng cáo xuyên biên giới

Biên phòng - Có hiệu lực kể từ ngày 15-9-2021, Nghị định 70/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi Nghị định 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quảng cáo, được kỳ vọng là cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ trách nhiệm của các bên tham gia cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới, đặc biệt là các chế tài về kiểm duyệt, ngăn chặn, xử lý và xử phạt vi phạm.

Thời gian qua, trên các trang tin điện tử, mạng xã hội tràn lan quảng cáo do các tổ chức, cá nhân tự thực hiện và đăng tải với nội dung chưa được kiểm chứng, quảng cáo sai sự thật, cường điệu về công dụng của sản phẩm, dịch vụ... Vấn nạn này gây bức xúc cho người dân khi tin tưởng sử dụng sản phẩm, dịch vụ tự quảng cáo và tổn hại to lớn về kinh tế, sức khỏe người tiêu dùng.

Mặc dù, Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng vi phạm về quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới. Nhưng các sai phạm vẫn gia tăng rất đáng lo ngại do hầu hết các tổ chức, cá nhân trong nước sử dụng và ký hợp đồng trực tiếp với mạng lưới quảng cáo (Ad Network) do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam.

Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng xử lý, ngăn chặn hơn 1.000 trang tin điện tử vi phạm, gỡ bỏ hơn 400 tài khoản, fanpages của Facebook và 1.000 video clip của Google đăng tải các nội dung quảng cáo phản cảm, tiêu cực... Đặc biệt, ngăn chặn quảng cáo trên Youtube và các dịch vụ của Google các loại thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm, cơ sở khám chữa bệnh... chưa được Bộ Y tế cấp phép.

Tuy nhiên, số vụ vi phạm bị xử lý chưa thấm vào đâu so với lượng quảng cáo “bẩn”, thậm chí vi phạm pháp luật nghiêm trọng trên các nền tảng mạng xã hội.

Do vậy, người dân kỳ vọng, với Nghị định 70/2021/NĐ-CP, trách nhiệm quản lý quảng cáo xuyên biên giới tập trung về Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ giúp tăng hiệu quả thực thi pháp luật, tạo sự thống nhất, đồng bộ cao hơn trong công tác cấp phép, giám sát, kiểm duyệt, ngăn chặn và xử phạt.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam không được đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật. Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo phải có giải pháp kỹ thuật để người phát hành quảng cáo, người quảng cáo tại Việt Nam có thể kiểm soát và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam trên hệ thống cung cấp dịch vụ.

Trong trường hợp phát hiện quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Việt Nam, cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam sẽ thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia băn khoăn khi Nghị định 70/2021/NĐ-CP chưa thật sự mạnh tay trong việc siết quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới.

Việc xử lý quảng cáo vi phạm trên nền tảng xuyên biên giới trong vòng 24 giờ khó khả thi bởi hàng loạt rào cản liên quan đến tiếp nhận thông tin, quy trình thông báo, hạ tầng kỹ thuật - công nghệ...

Đặc biệt, cơ quan quản lý chỉ kiểm soát được nội dung quảng cáo, chưa có cách thu thuế từ nền tảng xuyên biên giới - hoạt động đang chiếm đến 82% thị phần quảng cáo tại Việt Nam với quy mô ước tính 1 tỷ USD/năm.

Dù cơ quan quản lý khẳng định, theo pháp luật về thuế, các doanh nghiệp nước ngoài phát sinh doanh thu tại Việt Nam đều phải kê khai, nộp thuế, song không thể quản lý, kiểm soát nguồn thu nếu như họ không có chi nhánh tại Việt Nam và không phát sinh thu nhập ở nước sở tại.

Để giải quyết được những bất cập trên, cần có những quy định cụ thể về mặt kỹ thuật giữa nhà quản lý với các nền tảng xuyên biên giới và đại lý của họ tại Việt Nam, cũng như buộc công ty công nghệ toàn cầu phải thành lập chi nhánh và ghi nhận doanh thu ở nước sở tại để có cơ chế thực thi rõ ràng.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO