Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 07/06/2023 08:29 GMT+7

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia:

Siết chặt việc quảng cáo rượu, bia

Biên phòng - Ngày 23-5, tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Buổi thảo luận diễn ra sôi nổi, các đại biểu đồng tình cao về sự cần thiết ban hành Luật và có nhiều góc nhìn, dẫn chứng sâu sắc góp ý cho dự thảo.

4m7yisz9u1-14610_f_jw0cruju0_a
Toàn cảnh buổi thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Ảnh: Danh Anh

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là cần thiết, bởi thực tế những vụ tai nạn giao thông, xâm hại tình dục, bạo lực gia đình…mà nguyên nhân được chỉ ra do tác hại của rượu, bia.

Về quy định quảng cáo rượu, bia, đại biểu Phạm Minh Hiến đề nghị cần điều chỉnh thêm. Theo khảo sát, 83% nhóm trẻ em từ 12 đến 16 tuổi khi được hỏi thì nói từng uống sản phẩm có cồn, 70% trẻ em sử dụng các sản phẩm cho biết sau khi dùng thì thấy hơi lâng lâng, chóng mặt, tim đập nhanh. Nguy hại ở chỗ gần 80% trẻ em đều lựa chọn có thể tiếp tục sử dụng vì được quảng cáo là nước trái cây có ga, nước trái cây lên men. Nếu không muốn nói quảng cáo rượu, bia đang cố tình đánh tráo khái niệm, thì cũng nên xem lại việc quảng cáo thông tin thiếu chính xác, sai sự thật gây ảnh hưởng sức khỏe... Do đó, cần quy định độ cồn từ 4,5% trở lên thay vì nồng độ đang quy định trong dự luật là 5,5%.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) bày tỏ, dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chưa chặt chẽ khi chỉ quy định việc không được quảng cáo rượu, bia từ 5,5 độ cồn đến dưới 15 độ cồn ở các trường hợp: Trong các chương trình, hoạt động thể thao, văn hóa, sân khấu, điện ảnh; trên các loại phương tiện quảng cáo ở ngoài trời.

Theo đại biểu, nếu quy định như vậy, những sản phẩm rượu, bia dưới 5,5 độ cồn vẫn sẽ được quảng cáo trong các chương trình, phương tiện nói trên. Do đó, cần siết chặt hơn nữa quy định quảng cáo rượu, bia, sản phẩm có cồn. “Không cho phép quảng cáo rượu, bia dưới 5,5 độ cồn trong trong các chương trình, hoạt động thể thao, văn hóa, sân khấu, điện ảnh và trên các loại phương tiện quảng cáo ở ngoài trời. Ngoài ra, việc quảng cáo, bán rượu, bia, đồ uống có cồn trên Internet, cần có bộ lọc, công cụ quản lý đối tượng tiếp cận, khai thác, tìm kiếm thông tin” - Đại biểu Phạm Trọng Nhân nhấn mạnh.

Giải trình ý kiến của các đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, độ cồn trong sản phẩm rượu, bia quyết định những tác động có hại của rượu, bia đến sức khỏe con người, nên việc quản lý quảng cáo rượu theo độ cồn là cần thiết. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng căn cứ trên nồng độ cồn của sản phẩm để quy định các giải pháp quản lý phù hợp. Do đó, dự thảo Luật đã quy định những biện pháp quản lý quảng cáo rượu theo hướng quản lý chặt với rượu có độ cồn cao (từ 15 độ cồn trở lên); quản lý giảm nhẹ hơn đối với rượu (từ 5,5 độ cồn đến dưới 15 độ cồn) và bia (từ 5,5 độ cồn trở lên); quản lý ở mức thấp đối với rượu, bia dưới 5,5 độ cồn.

Dự thảo Luật cũng đã quy định việc quản lý hoạt động khuyến mại rượu, bia theo hai mức độ: nghiêm cấm việc khuyến mại hoặc sử dụng rượu, bia để khuyến mại cho người chưa đủ 18 tuổi; khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu từ 15 độ cồn trở lên hoặc sử dụng rượu từ 15 độ cồn trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.

Danh Anh

Bình luận

ZALO