Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 28/03/2023 03:28 GMT+7

Siết chặt quản lý tàu đánh cá để bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Biên phòng - “Biển đói” và “biển cạn kiệt” là cụm từ khá phổ biến đối với ngư dân ở các tỉnh Nam Trung bộ. Suốt một thời gian dài, “nghề cá nhân dân” phát triển quy mô lớn, vượt sức chịu đựng của biển cả. Luật Thủy sản (sửa đổi) nhằm siết chặt công tác quản lý tàu đánh cá ở các ngư trường, để cho nguồn lợi thủy sản có thời gian “đẻ” và tái tạo phát triển.

p845_19a
Những chiếc tàu làm nghề mành chụp xa bờ lấy nhiên liệu tại cảng cá Hòn Rớ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, chuẩn bị đi chuyến biển mới. Ảnh: Hải Luận

“Lý luận” thực tiễn trên biển

Đầu tháng 3-2020, có hơn 10 thuyền trưởng tàu đánh cá xa bờ xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa với các nghề: Lưới vây, lưới cản (rê) câu cá ngừ đại dương, mành chụp khơi... phản ánh với phóng viên Báo Biên phòng về việc hỗ trợ chính sách của Chính phủ đối với tàu đánh cá của ngư dân. “Trước đây, tàu chúng tôi đi ra đánh bắt ở ngoài xa trong phạm vi 110 đến 116 độ kinh Đông, sau đó có thể quay tàu vào vùng lộng hoặc sát bờ đánh bắt, vẫn được làm hồ sơ nhận tiền hỗ trợ dầu. Vừa qua, Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa thông báo, phải cho tàu ở ngoài vùng khơi suốt chuyến biển trên 10 ngày, mới đủ điều kiện hỗ trợ tiền dầu. Biển đang đói, ngư dân đang dựa vào chút tiền dầu hỗ trợ, nếu cắt đi chắc phải neo tàu ở nhà” - Ông N.V.T nói có phần gay gắt. 

Gần như các nghề khai thác xa bờ hiện nay đang gặp khó khăn về sản lượng khai thác, tàu nào làm đủ số tiền vốn bỏ ra và có lãi chút đỉnh là mừng run rồi. Nhiều tàu mành chụp cỡ lớn dài trên 30m, trước Tết Nguyên đán Canh Tý xuất bến ra khơi bị lỗ từ 100 – 200 triệu đồng, chuyến biển mới cập cảng cũng bị lỗ nặng. Nghề câu cá ngừ đại dương không mấy khả quan, phần sản lượng bị tụt xuống và giá cá thấp, nhiều tàu đang tính nằm bờ khi mùa khai thác đang đến. Ông Tr.A, thuyền trưởng tàu lưới cản, nói rõ đường đi của đàn cá: “Nghề lưới cản sử dụng mắt lưới to, bắt cá từ 1kg trở lên, chủ yếu đánh bắt con cá nổi (cá đi từ 30m trở lên mặt nước). Nhiều lúc phải chạy tàu ra ngoài quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) đánh, có thời điểm, đàn cá chạy theo dòng hải lưu vào vùng lộng, thậm chí vào gần bờ. Tàu chúng tôi phải chạy theo đuôi con cá đánh bắt. Có khi đánh vùng khơi 4 ngày, sau đó, vào vùng lộng 6 ngày. Bây giờ mà cắt hỗ trợ tiền dầu, vậy thì thiệt cho ngư dân lắm”.

Nghề câu cá ngừ đại dương đánh bắt theo luồng cá di chuyển. Từ tháng 11 đến tháng 4 âm lịch, khai thác ở vùng biển 116 độ kinh Đông, từ tháng 5 đến tháng 9, tàu dịch chuyển vào từ 110 đến 112 độ kinh Đông. “Mùa gió Nam và mùa mưa bão, cá ngừ đã đi vào gần bờ và đi xuống phía dưới vùng biển Phú Quý, tỉnh Bình Thuận. Có hai vấn đề xảy ra: Thứ nhất, tàu phải theo đàn cá đánh bắt để khỏi bị lỗ tổn, nhưng không được hỗ trợ tiền dầu. Thứ hai, chấp hành cho tàu đánh cá ở vùng biển được phép khai thác, nắm chắc bị tổn lỗ nặng, được làm thủ tục hỗ trợ tiền dầu. Nếu gặp tàu “thiệt ăn thiệt làm”, họ sẽ chọn phương án thứ nhất, bởi vì tiền bán hải sản lớn hơn nhiều lần tiền hỗ trợ dầu” - Thuyền trưởng L.T.L lập luận trên cơ sở thực tiễn.

Luật quy định phải chấp hành

Chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg và Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ đã thực sự đi vào cuộc sống, trong đó, nhiều ngư dân được hỗ trợ nhiên liệu, mua bảo hiểm thân tàu và thuyền viên, được vay vốn với lãi suất ưu đãi để đóng tàu vươn khơi, bám biển dài ngày, khai thác thủy sản có hiệu quả hơn, đồng thời, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Quá trình thực hiện đã nảy sinh một số vấn đề, có một số tàu không vì mục tiêu đi khai thác thủy sản thực sự, mà chỉ ra biển để bấm máy nhắn tin (ngư dân quen gọi “tàu nhắn tin”), hoàn thành “thủ tục” rồi lấy tiền hỗ trợ dầu.

Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa giải thích: “Theo Luật Thủy sản và Nghị định 26/2019/NĐ-CP, quy định rất rõ vùng biển ven bờ, vùng lộng, vùng khơi. Đối với tàu đánh cá dài từ 15m trở lên, xếp vào danh mục tàu đánh cá xa bờ, loại tàu này chỉ được phép hoạt động vùng biển khơi. Nếu anh “nhảy” vào vùng lộng, vùng ven bờ khai thác là vi phạm luật. Nhà nước hỗ trợ chính sách cho tàu đánh cá xa bờ, để ngư dân đủ sức vươn khơi bám biển nhiều ngày trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Cách làm này nhằm giảm tải cho vùng biển ven bờ, vùng lộng, tạo khoảng trống để nguồn lợi thủy sản tái tạo và phát triển”.

yxzb_19b
Tàu khai thác xa bờ bán cá ở cảng Hòn Rớ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Hải Luận

Theo thông tin từ ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, tổ thẩm định chính sách hỗ trợ cho ngư dân gồm có: Đại diện ngành Thủy sản, BĐBP, Tài chính... đánh giá khách quan, dựa trên những quy định của pháp luật và thực tế tàu đánh cá hoạt động ngoài biển, thông qua nhật ký hành trình tàu cá, máy nhắn tin, máy giám sát hành trình gắn trên mỗi chiếc tàu xa bờ. Tỉnh Khánh Hòa đã có 400 chiếc tàu gắn máy giám sát hành trình.

Một vấn đề hết sức nan giải hiện nay là, số tàu, thuyền làm nghề giã nhũi, cào sò, giã cào, mành trũ (lưới mùng)... hoạt động ở ven bờ, vịnh đầm còn rất nhiều. Ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, nói thẳng thắn: “Loại tàu giã cào nhỏ ven bờ đã vi phạm Luật Thủy sản về hủy hoại môi trường tầng đáy, tàu mành trũ vi phạm mắt lưới quá nhỏ. Các cơ quan quản lý Nhà nước ngừng cấp phép hoạt động những loại nghề này, để ngư dân chuyển đổi nghề. Nếu không sẽ tạo sự xung đột, loại tàu lớn chấp hành vươn ra khơi hoạt động, để nguồn lợi vùng biển gần bờ phát triển. Ngược lại, giã cào, mành trũ... vẫn tồn tại và phá hủy nguồn lợi”.

Hiện nay, có tình trạng một số tàu đánh cá xa bờ ra khơi không nhằm mục đích đi khai thác hải sản, họ chỉ nhắn tin đánh dấu tàu có ra biển để hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ tiền dầu. “Đa số tàu cá dài trên 15m đã gắn máy giám sát hành trình, Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa quản lý tàu cá bằng công nghệ thì “lòi” ra tàu giả (tàu đi nhắn tin). Những tàu đi khai thác thật chạy tốc độ 5 hải lý/giờ, còn tàu đi nhắn tin thì tắt máy thả trôi chỉ dưới 1 hải lý/giờ. Do đó, đề phòng nhiều kẻ trục lợi chính sách, lực lượng chức năng cần vào cuộc, bắt đúng kẻ gian, xử lý theo quy định của pháp luật để làm gương cho nhiều người” - Thuyền trưởng T.T.H, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang nêu quan điểm.

Hải Luận

Bình luận

ZALO