Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 28/09/2023 01:43 GMT+7

Siết chặt quản lý dịch vụ giải trí

Biên phòng - Hàng loạt vụ cháy các cơ sở dịch vụ giải trí xảy ra trong thời gian qua tại nhiều địa phương trên cả nước khiến người dân bất an vì những sai sót trong đảm bảo phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với loại hình kinh doanh này. Hồi chuông cảnh báo về sự an toàn một lần nữa gióng lên sau vụ cháy quán Karaoke An Phú tại Bình Dương, ngày 6/9, khiến 32 người thiệt mạng.

Hình ảnh minh họa.

Mặc dù, Công an tỉnh Bình Dương cho biết cơ sở kinh doanh karaoke này đã được nghiệm thu PCCC và có 2 lối thoát hiểm theo quy định. Nhưng câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai một lần nữa được nhắc đến khi những vụ chết người liên tục xảy ra, đòi hỏi cấp thiết việc đánh giá lại những quy định an toàn đối với hoạt động kinh doanh karaoke.

Lý giải nguyên nhân vì sao phạm vi nhiều vụ cháy nhỏ nhưng gây thiệt hại lớn về người, cơ quan công an cho biết, chính sự lơ là, phớt lờ chấp hành các quy định PCCC của các chủ kinh doanh cũng như ý thức tuân thủ của khách hàng đã dẫn đến những sự vụ đau lòng như trên.

Tuy nhiên, các chuyên gia pháp luật chỉ ra, dù các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động dịch vụ giải trí nói chung, kinh doanh karaoke nói riêng đã cơ bản đầy đủ, trong đó quy định rõ về PCCC, an ninh trật tự... song vẫn chưa đủ để răn đe đối với các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Trong quá trình hoạt động, vì lợi nhuận và khách hàng nên nhiều chủ đầu tư, người kinh doanh đã buông lỏng, tăng tần suất, thời gian hoạt động của các cơ sở karaoke, thậm chí bỏ qua các nguyên tắc, tiêu chuẩn an toàn để đạt được mục đích kinh doanh nên đã dẫn đến sự cố.

Kinh doanh karaoke là loại hình có điều kiện nên phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe về an ninh, an toàn, PCCC. Nhưng trên thực tế, các cơ sở kinh doanh karaoke có thể được cấp phép hoạt động ở bất cứ đâu, dù trong khu dân cư, trong ngõ xóm chật hẹp, những nơi mà khi thảm họa xảy ra thì lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp không dễ dàng tiếp cận.

Chưa kể, karaoke còn là một hoạt động giải trí có tính rủi ro cao bởi môi trường hoạt động trong không gian hẹp, kín, vật liệu dễ cháy, đám đông phấn khích và khó kiểm soát hành vi... Thế nhưng các điều kiện kinh doanh karaoke chưa tính đến các yếu tố phòng ngừa rủi ro, nhất là điều kiện PCCC mới chỉ yêu cầu như mọi cơ sở hạ tầng dân dụng khác.

Qua nhiều vụ cháy quán karaoke nghiêm trọng mà không cảnh báo được, rõ ràng cần xem xét lại quy trình cấp phép kinh doanh đã đủ thủ tục, tiêu chuẩn chưa và làm rõ trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

Dư luận cho rằng, chính sự tắc trách và hoạt động kiểm tra, giám sát còn hạn chế của những cơ quan thẩm quyền, cộng thêm việc cơ sở kinh doanh không thực hiện tốt quy trình PCCC nhưng chưa bị xử lý nghiêm đã dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh karaoke; có chế tài xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền, các cơ quan chức năng địa phương nếu để cơ sở kinh doanh karaoke không đủ điều kiện, hoạt động không phép.

Nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề cấp bách hiện nay là rà soát công tác cấp phép kinh doanh, hoạt động karaoke và cấp phép xây dựng đối với các công trình kinh doanh dịch vụ karaoke. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định chặt chẽ hơn việc cấp phép, thời hạn hiệu lực của giấy phép, điều kiện về PCCC, an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội và tăng mức chế tài xử phạt, kiên quyết thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh vi phạm quy định của pháp luật.

Thiết nghĩ, kinh doanh dịch vụ karaoke sẽ trở thành hoạt động giải trí lành mạnh, an toàn, chỉ khi lực lượng chuyên ngành của Công an, Văn hóa, Xây dựng, Công thương thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn cùng với sự vào cuộc của hệ thống chính trị địa phương trong việc tuyên truyền, giám sát.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO