Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:27 GMT+7

Sê Sáp trong nắng sớm

Biên phòng - Kẻng báo giờ đi ngủ, Thiếu úy Châu Văn Bình mới trở về doanh trại. Hỏi chuyện mới biết anh vừa đưa một người dân bản Sê Sáp, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào đi cấp cứu. Như đã quá quen với những việc như thế, Thiếu tá Hồ Văn Việt, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhâm, BĐBP Thừa Thiên Huế tươi cười nói với tôi: “Bấy lâu nay, có bất cứ việc gì, bà con ở Sê Sáp đều cậy nhờ đến chúng tôi. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng tôi đều hết sức giúp đỡ họ như chính đồng bào ruột thịt của mình”.

pql2_10a
Cán bộ Đồn Biên phòng Nhâm hướng dẫn người dân Sê Sáp chăm sóc cây trồng. Ảnh: Thanh Thủy

Nghe Thiếu tá Việt nói, tôi cảm nhận dường như có một mối thâm tình nào đó giữa những người lính Đồn Biên phòng Nhâm với người dân Lào sống dọc biên giới. Tôi đề nghị được tới thăm bản Sê Sáp để cảm nhận rõ hơn. Sáng hôm sau, khi mặt trời mới nhô khỏi núi, chúng tôi đã có mặt tại Sê Sáp. Những người lính Biên phòng nói rằng bây giờ có đường đi thuận tiện mới đi nhanh được. Trước kia, đi sang Sê Sáp là một hành trình hết sức vất vả bởi đèo dốc, toàn đường đất, đoạn lầy lội, đoạn gập ghềnh sỏi đá.

Buổi sáng ở Sê Sáp thật trong trẻo, thanh bình. Tôi đặc biệt ấn tượng với nụ cười ngây thơ, tươi rói và những đôi mắt trong veo của đám trẻ nhỏ. Chúng tôi bước vào ngôi nhà gỗ thoáng mát, sạch sẽ có những người phụ nữ đang quây quần trò chuyện trước hiên nhà. Ông Su Mây, Trưởng bản Sê Sáp cũng là chủ nhà niềm nở pha trà chào đón chúng tôi. Ngay chén trà đầu tiên, ông Su Mây chia sẻ: “Những thứ mà chúng tôi đang có là do BĐBP Việt Nam dành tặng”. 

Theo lời kể của Trưởng bản Su Mây, Sê Sáp có “tuổi đời còn khá trẻ”. 

“Trước đây, chúng tôi sống ở các cụm bản nhỏ cách nhau 5-6km. Bà con chủ yếu đốt nương làm rẫy, khi nào đất cằn lại chuyển đi chỗ khác. Hộ nào cũng nghèo khó, con cái không được học hành. Nhà tôi mỗi năm chỉ thu được 10 bao thóc, thường phải ăn sắn luộc thay cơm. Có những lúc sắn cũng không có để ăn. Mãi tới khi lập bản Sê Sáp, được BĐBP Việt Nam giúp, cuộc sống của chúng tôi mới bớt khổ” – Ông Su Mây kể.

Sự giúp đỡ của BĐBP Việt Nam mà ông Su Mây nhắc tới bắt đầu từ khoảng 4 năm trước, khi mà người dân bản Sê Sáp ngày nay vẫn còn sống rải rác trong núi sâu, du canh nay đây mai đó dọc biên giới. Nhận thấy cuộc sống của họ quá khó khăn, với tấm lòng san sẻ yêu thương, BĐBP Thừa Thiên Huế đã phối hợp với lực lượng chức năng Lào xây dựng kế hoạch để định cư người dân các cụm bản A Róc, I Reo. Được sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền 2 nước Việt Nam và Lào, Đồn Biên phòng Nhâm đã xây dựng kế hoạch chi tiết và trực tiếp giúp người dân các cụm bản trên lập bản Sê Sáp, gây dựng cuộc sống mới.

Những người lính mang quân hàm xanh không quản ngại gian khó, vượt núi, băng rừng mang theo các trang thiết bị, vật dụng, cây, con giống sang giúp người dân Sê Sáp dựng nhà, làm hệ thống nước tự chảy, xây trường học, phát đồi làm nương... Ngôi nhà gỗ vững chắc của ông Su Mây chính là món quà đầu tiên mà họ dành tặng cho gia đình ông trong những ngày chân ướt, chân ráo đến an cư ở vùng đất này. 

jyuc_10b
Từ khi BĐBP Thừa Thiên Huế xây tặng phòng học, trẻ em ở Sê Sáp có điều kiện đến trường học chữ. Ảnh: Thanh Thủy

Ông Su Mây còn nhớ rất rõ những ngày đầu lập bản: “Bộ đội Việt Nam rất nhiệt tình, giúp chúng tôi dựng nhà, hướng dẫn cả kỹ thuật chăn nuôi, trồng cây”. Dưới bàn tay của những người lính Biên phòng, 30 ngôi nhà đã được dựng lên dành tặng cho hơn 180 nhân khẩu của bản Sê Sáp. 

Núi rừng hoang sơ trước đây bỗng chốc biến thành nơi quần tụ đầm ấm dưới sự giúp đỡ của BĐBP Việt Nam khiến cho ông Su Mây và những người dân trong bản Sê Sáp cảm động đến nghẹn lời. Những người lính Biên phòng còn kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí làm hệ thống nước sinh hoạt, xây nhà sinh hoạt cộng đồng... 

Thiếu tá Việt cho biết: “Chúng tôi đã tặng các hộ dân hàng trăm cây giống chanh, xoài, bưởi. Mỗi hộ còn được tặng 10-15 con gà để làm sinh kế bền vững. Ngoài ra, đơn vị còn tặng dầu ăn, thực phẩm và gạo cho bà con 2-3 lần/năm”.

Ông Su Mây phấn khởi cho biết thêm: “Hằng năm, BĐBP Việt Nam đều tới bản giúp sửa chữa đường giao thông, hướng dẫn người dân kỹ thuật canh tác, hỗ trợ gạo, thực phẩm, bút, vở và khám chữa bệnh cho bà con. Khi ốm đau hay gặp khó khăn gì, chúng tôi đều gọi nhờ BĐBP Việt Nam. Mới hôm qua, dân bản phải kiêng võng đưa ông Thạo Nhập sang trạm Biên phòng nhờ bác sĩ Việt Nam cứu giúp vì ông bị đau khắp người, không ăn được gì. Được bộ đội Việt Nam giúp đỡ, chúng tôi rất yên tâm”. 

Theo Trưởng bản Su Mây, điều đáng mừng nhất là bọn trẻ bây giờ đã được đi học. 2 phòng học dành cho trẻ em Sê Sáp là do BĐBP Thừa Thiên Huế vận động các nguồn tài trợ để xây dựng. Thầy giáo Khăm Pọn cho biết: “Tôi tình nguyện về đây dạy học từ năm 2017. Tôi rất mừng vì học sinh chăm học. Tôi sẽ cố gắng hết sức để giúp đỡ học sinh tiến bộ, đáp lại tấm lòng chân thành của BĐBP Việt Nam”. 

Hồi tưởng lại ngày vào nhà mới ở, ông Su Mây cảm động nói: “Ngày trước, chúng tôi ở trong ngôi nhà tranh cũ dột. Ngày mưa, ngày nắng đều cực khổ. Bộ đội Việt Nam tới bản, chỉ trong 2 tháng đã dựng xong mấy chục ngôi nhà. Bà con ai cũng phấn khởi. Tôi cũng vậy, mừng đến mức người cứ lâng lâng như ở trên mây”.

Thầy Khăm Pọn hãnh diện giới thiệu với chúng tôi cậu bé học giỏi nhất lớp 3 là Thạo Vông -  con nuôi của BĐBP Việt Nam. Thạo Vông có gương mặt sáng, đôi mắt toát lên vẻ tinh nhanh. Chủ nhân tương lai của Sê Sáp nói rằng sau này lớn lên muốn làm bác sĩ để cứu giúp những người nghèo khổ. 

Hiện, Sê Sáp có 47 hộ, 238 khẩu. Có một điều khá đặc biệt là do địa hình, đường đi lại khó khăn, người dân Sê Sáp muốn đi về huyện Kà Lừm thường đi vòng qua cửa khẩu quốc tế La Lay, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị mất đúng một ngày đường. Vì thế, người dân Sê Sáp thường sang huyện A Lưới mua bán nông sản cũng như các nhu yếu phẩm, trang thiết bị phục vụ cuộc sống thay vì đi về Kà Lừm. Tất nhiên là bà con tuân thủ nghiêm quy chế, quy định qua lại biên giới.

Cuộc sống của người dân Sê Sáp hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Thiếu lớp học cho trẻ nhỏ. Người dân chưa tự tổ chức được sản xuất, BĐBP vẫn phải trợ cấp gạo thiếu đói hàng năm... Tôi nhìn thấy ánh mắt trăn trở, đầy tâm tư của Thiếu tá Việt khi đề cập tới chuyện tìm mô hình, phương thức giúp người dân Sê Sáp có cuộc sống ấm no hơn. 

Tạm biệt Sê Sáp, tôi chợt nghĩ, chỉ có những người lính sâu nặng nghĩa tình, có trách nhiệm với Tổ quốc mới có sự trăn trở như thế khi ứng xử với người dân nước bạn Lào.

Thanh Thủy

Bình luận

ZALO