Biên phòng - Từ đầu năm 2023 đến nay tiếp tục xảy ra 14 vụ/84 tàu ngư dân khai thác hải sản trái phép bị nước ngoài bắt giữ, tập trung tại các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu và Kiên Giang. So với năm 2022, với 84 vụ/101 tàu ngư dân khai thác hải sản trái phép bị bắt giữ thì đây là kết quả tích cực.
Nhiều tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến, từ khi có Quyết định số 81/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành "Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4"; tiếp đó là Công điện số 265/CĐ-TTg ngày 17/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản; thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), các tỉnh ven biển triển khai rất quyết liệt. Trung ương và các địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp chống khai thác IUU.
Để phục vụ đợt kiểm tra của EC vào tháng 10 tới, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Dương Văn Cường cho biết, Cục Kiểm ngư sẽ tiếp tục tham mưu cho Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, Bộ NN&PTNT tiếp tục đi kiểm tra một số địa phương trọng điểm để thúc đẩy công tác chống khai thác IUU cũng như hỗ trợ, hướng dẫn địa phương triển khai các giải pháp Thủ tướng yêu cầu để làm sao đạt kết quả tốt nhất phục vụ Đoàn thanh tra của EC.
Ông Dương Văn Cường, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Bộ NN&PTNT cho biết, sau cuộc họp lần 7 của Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra ở 2 tỉnh Kiên Giang và Cà Mau. Đại diện Cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư cũng tham gia đoàn công tác.
Ông Cường cho hay, qua kiểm tra, Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo là Bộ NN&PTNT ghi nhận 2 tỉnh đã có nhiều kết quả tích cực trong công tác chống khai thác IUU. Cụ thể, 2 tỉnh đã có những tiến bộ rõ rệt về giám sát đội tàu, chứng nhận về truy xuất nguồn gốc, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 100%.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: còn tình trạng tàu cá của ngư dân địa phương bị nước ngoài bắt giữ, vi phạm khai thác IUU trên biển còn nhiều, nhưng kết quả kiểm tra xử phạt vi phạm còn ít. Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 100% nhưng tình trạng mất kết nối để cố tình trốn tránh giám sát của cơ quan có thẩm quyền vẫn xảy ra phổ biến, nhưng chưa xác minh được hết các vi phạm cũng như xử lý triệt để tình trạng này. Bên cạnh đó, các địa phương chưa có giải pháp xử lý tàu cập bến cảng tư nhân, những cảng cá không được chỉ định để lên cảng bốc dỡ thủy sản... nên việc thống kê và giám sát đầy đủ sản lượng qua cảng ở các địa phương chưa đạt được như mong muốn.
Theo ông Cường, trước tồn tại, hạn chế như vậy, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về IUU đã chỉ đạo các địa phương ven biển, đặc biệt là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long từ nay đến tháng 10 tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU yêu cầu tại Quyết định số 81/QĐ-TTg, Công điện 265/CĐ-TTg... mà trọng tâm là không để xảy ra tình trạng tàu cá của ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài và tăng cường thực thi pháp luật trên biển để xử lý, xử phạt nghiêm các vi phạm cũng như triển khai các giải pháp khác như quản lý đội tàu, quản lý giám sát hành trình để đảm bảo độ tin cậy cho các mặt hàng xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu, các địa phương cũng như Trung ương triển khai công tác chuẩn bị tiếp đón Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) đến kiểm tra vào tháng 10 năm nay.
Các tàu cá mới chỉ có “hồi ký”
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: “Từ khi bị “thẻ vàng” IUU - năm 2017, đến nay là gần 6 năm, Việt Nam chưa gỡ được “thẻ vàng”. Việc chưa gỡ được “thẻ vàng” đã ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu thủy sản khi châu Âu kiểm soát 100% lô hàng, thời gian thông quan kéo dài hơn (từ 2-3 tuần so với trước kia chỉ vài ngày), chi phí rất cao. Thủy sản Việt Nam không chỉ bị ảnh hưởng ở châu Âu, mà Nhật Bản đã nêu vấn đề này và ở Mỹ, chúng ta cũng đã phải giải trình rồi. Nay mai, các quốc gia khác cũng sẽ làm như vậy, không những chống khai thác IUU trên biển mà sẽ chống khai thác IUU cả trên rừng nên chúng ta phải chuẩn bị”.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thêm, châu Âu nêu 5 vấn đề chúng ta cần khắc phục, trong đó có việc quản lý và giám sát đội tàu. Hiện, chúng ta có hơn 86.820 tàu, trong đó, trên 3.000 tàu có chiều dài trên 15m. Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình được 97%, nhưng số nguy cơ cao lại nằm ở số tàu còn lại chưa lắp thiết bị. Hai là lắp đặt thiết bị rồi, nhưng số tàu để thiết bị hoạt động 24/24 giờ chưa đạt 100%, vẫn có tình trạng ngắt kết nối, gửi thiết bị sang tàu khác. Điều đó cho thấy việc quản lý và giám sát đội tàu còn vấn đề. Từ đầu năm đến nay xảy ra 14 vụ/84 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài.
“Vì sao EC vừa qua chưa đến? Vì ta vẫn còn tàu vi phạm nước ngoài, nghĩa là ta chưa thể gỡ "thẻ vàng", nên họ lùi sang tháng 10. Một vấn đề nữa là tàu đi đánh bắt về phải có nhật ký. Tuy nhiên, nhật ký của nhiều tàu là “hồi ký” chứ không phải nhật ký. Thậm chí, 10 tàu chữ giống nhau, chứng tỏ không phải nhật ký” - ông Tiến nhấn mạnh.
“Việc quản lý đội tàu vào cập cảng mới chỉ đạt được hơn 40%, còn đỗ ở bãi ngang, “bến nhà” thì làm sao BĐBP kiểm soát ra, vào hết được. Sản lượng cá đi theo tàu, chúng ta cũng chưa quản lý hết được. Quản tàu, quản cá chưa triệt để thì chưa thể truy xuất được nguồn gốc” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, EC khẳng định hệ thống văn bản pháp luật về chống khai thác IUU của Việt Nam tốt nhưng vẫn cần cập nhập. Hiện, Bộ NN&PTNT sẽ đề xuất sửa Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Theo đó, sẽ bổ sung thêm 6 thiết bị phạt nguội để xử lý vi phạm khai thác IUU của các tàu cá, giống như cảnh sát thực hiện với phương tiện giao thông đường bộ; phạt cả chủ tàu và máy trưởng nếu vi phạm. Cùng với đó, sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng để giải quyết đồng bộ các vấn đề về đánh bắt hải sản.
Bích Nguyên