Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:00 GMT+7

SCO với vai trò của trật tự thế giới đa cực

Biên phòng - Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ngày càng cho thấy sức hấp dẫn đối với các quốc gia khu vực Á - Âu, châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, SCO cũng đang phải đối mặt với những thách thức to lớn liên quan tới trật tự thế giới mới.

Quang cảnh Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở thành phố Samarkand, Uzbekistan, ngày 16/9/2022. Ảnh: AFP

Theo đánh giá của giới chuyên gia chính trị quốc tế, SCO đang nổi lên và được xem như một đối trọng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Bởi lẽ, trong nhiều thập kỷ phát triển, NATO không ngừng lớn mạnh và mở rộng. Như một điều tất yếu, những tổ chức quốc tế quy tụ các thành viên đối lập với NATO cũng được thành lập với tham vọng trở thành đối trọng với NATO.

Năm 2001, SCO được thành lập gồm Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan và Uzbekistan, với mục đích ban đầu được giới chuyên gia nhận định là một tổ chức đối trọng với NATO. Trên thực tế, SCO đã tạo dựng được một trật tự nhất định tại các khu vực mà tổ chức này có tầm ảnh hưởng lớn, đặc biệt là tại Trung Á khi vị thế chi phối của các nước phương Tây đã bị suy giảm đáng kể.

Sự phát triển của SCO thiết lập dấu mốc quan trọng khi kết nạp Ấn Độ, Pakistan và Iran, trong khi Afghanistan, Belarus và Mông Cổ nhận tư cách quan sát viên. Tháng 3/2023, Saudi Arabia gia nhập SCO tiếp tục là một tín hiệu cho thấy những bước chuyển đáng kể liên quan trật tự thế giới mới.

Giới chuyên gia chỉ ra rằng, việc NATO kết nạp Phần Lan và SCO kết nạp Saudi Arabia diễn trong cùng một thời điểm là một minh chứng sống động cho thấy việc mở rộng tổ chức như một cách phát triển sự đối trọng của hai liên minh. Dễ thấy, sự mở rộng của SCO ngày càng được coi là trung tâm của một trật tự thế giới đa cực. Đồng thời phản ánh xu hướng nhiều quốc gia không còn thoải mái với trật tự thế giới đơn cực hiện tại do Mỹ chi phối.

Đối với các quốc gia có vị thế hàng đầu ở SCO, sự phát triển tổ chức này có tỷ lệ thuận với mức độ quan hệ xấu đi với NATO và là “cánh cửa” rộng mở kết nối với phần còn lại của thế giới.

Các nước Trung Á có số lượng thành viên khá đông trong SCO và coi tổ chức này có vai trò đảm bảo an ninh trước nguy cơ nổ ra các cuộc cách mạng màu do nước ngoài hậu thuẫn. Ngoài ra, Ấn Độ và Pakistan với tư cách thành viên SCO là yếu tố quan trọng để cân bằng quyền lực trước chính sách gây áp lực đi ngược lại lợi ích quốc gia từ phương Tây.

Giới quan sát chỉ ra rằng, phong trào Taliban ở Afghanistan đang nỗ lực tìm cách hợp pháp hóa chính phủ của mình thông qua SCO. Tương tự, Iran cũng đang tìm cách thoát khỏi sự cô lập quốc tế do phương Tây áp đặt nhờ SCO. Nhiều quốc gia thành viên SCO, điển hình như Mông Cổ cũng đang cố gắng phát triển quan hệ kinh tế với các nước láng giềng thông qua tổ chức này.

Giới quan sát khẳng định, việc SCO mở rộng phần nào củng cố hợp tác năng lượng, quan hệ thương mại giữa các nước thành viên. Đây cũng là một căn nguyên để Saudi Arabia quyết định gia nhập SCO nhằm tận dụng các cơ hội tăng cường hợp tác trong khối về năng lượng và kinh tế. Việc Saudi Arabia gia nhập SCO được dự báo sẽ là động lực thúc đẩy nhiều quốc gia khác “theo chân”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ilyas Kemaloglu (Khoa Lịch sử tại Đại học Marmara, thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) cho rằng, SCO có tiềm năng rất lớn về kinh tế, năng lượng và quân sự, đặc biệt là sức mạnh tập thể khi được quy tụ cùng nhau.

Để trở thành nhân tố tích cực hơn trong khu vực và là tác nhân chính của trật tự thế giới đa cực mới, SCO phải tạo dựng được sự đoàn kết bền vững giữa các nước thành viên. Đây cũng là điểm mạnh khác biệt so với các tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới vốn luôn chịu cảnh “chia rẽ”, “rạn nứt” trong nội bộ.

Song hành với đó, SCO cần phải có khả năng theo đuổi một chính sách thống nhất; giải quyết tận gốc những bất đồng giữa các quốc gia thành viên để nâng cao khả năng quy tụ sức mạnh chung, bảo vệ lợi ích chung. Tiến sĩ Ilyas Kemaloglu nhấn mạnh, SCO đang ngày càng hấp dẫn hơn khi có thể tận dụng lợi thế phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực an ninh và kinh tế.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO