Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 26/03/2023 07:18 GMT+7

Say xỉn - hệ lụy của bạo lực gia đình

Biên phòng - Say xỉn dẫn tới bạo lực gia đình (BLGĐ) là chuyện không hề mới. Nhiều gia đình tan đàn xẻ nghé, người mất mạng, người tù tội, trẻ con bơ vơ, gia đình bỗng chốc ly tán cũng vì bia rượu…

p9im_1
Đàn ông vùng cao vui bên chén rượu tại chợ phiên vùng cao. Ảnh: Nguyên Thanh

Nguyên nhân hàng đầu dẫn tới bạo lực gia đình

Việt Nam đứng thứ 2 về tỷ lệ uống rượu bia ở Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và đứng thứ 29 trên thế giới. Uống rượu là một sinh hoạt văn hoá đã có hàng ngàn năm nay của người Việt Nam - một biểu hiện của văn hóa làng xã. Người Việt Nam cũng có thói quen dùng rượu bia trong các kỳ cuộc lớn của gia đình, làng xã như Tết, đám cưới, đám hỏi, lễ hội… Song nhiều người cũng vin vào tục lệ này mà làm biến tướng một nét đẹp, lạm dụng bia rượu, gây ra nhiều hệ lụy. Chưa bao giờ, tác hại của việc lạm dụng rượu bia lại trở thành vấn đề “nóng” về sức khỏe, kinh tế - xã hội, an ninh trật tự xã hội đáng báo động.

Đa số người Việt Nam cho rằng khi được mời là phải uống mới là đáp được tấm lòng của người mời; chủ tiệc cũng phải uống khi khách mời mới thể hiện được lòng hiếu khách. Đây là thói quen đang phổ biến trên khắp các vùng miền của đất nước và cần phải thay đổi bởi sự hiếu khách, phong độ của người đàn ông không phụ thuộc vào việc uống ít hay nhiều rượu bia trên bàn tiệc...

Thực tế cũng cho thấy, gần 50% nam giới uống rượu bia ở mức nguy hại, rất nhiều người mà chủ yếu là nam giới chỉ có hành vi bạo hành với vợ, con sau khi đã say rượu bia…

Theo con số thống kê của các tổ chức có trách nhiệm, thì tại Việt Nam, gần 60% vụ BLGĐ có liên quan đến rượu bia. Con số này có lẽ cũng chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” khi một nghiên cứu khác xác định có 87% nạn nhân BLGĐ không nhờ chính quyền giúp đỡ, can thiệp vì người Việt chúng ta, đặc biệt là phụ nữ, thường quan niệm “chín bỏ làm mười”, “đóng cửa bảo nhau”, “xấu chàng hổ ai”...

Bia rượu là một trong những tác nhân hàng đầu làm rạn nứt tình cảm gia đình, nguyên nhân dẫn đến ly hôn sau ngoại tình, bởi vì không có người vợ nào vui vẻ khi thấy chồng suốt ngày nhậu nhẹt và không có người con nào có thể tôn kính một người cha say xỉn cả ngày.

Hàng ngày nhiều câu chuyện thương tâm, nhiều bi kịch gia đình cũng đã xảy đến với nhiều gia đình cũng chỉ vì rượu, bia. Cha uống nhậu say xỉn về đánh mẹ, chửi con, phá đồ đạc trong nhà… Những hình ảnh đó không chỉ là nỗi ám ảnh của người phụ nữ mà đó còn là ác mộng trong kí ức của những đứa con.

Có nhiều người tỉnh dậy vẫn còn kịp để ăn năn, hối lỗi và hứa sẽ không như vậy, hay từ nay sẽ bỏ rượu. Nhưng dù có trăm lời hứa, vạn lần thề thì "lời mê hoặc" từ "con ma men" vẫn nhấn chìm tất cả. Còn có những người không thể nào có được cơ hội đó vì trong cơn say đã quá tay đánh chết vợ hay làm hại đến con thậm chí là hủy hoạt chính bản thân mình.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình- Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) Nguyễn Vân Anh cho biết: “Những vụ bạo hành trong gia đình liên quan đến bia rượu không phải là ít và thực sự là đáng lo ngại. Rất nhiều phụ nữ, nạn nhân của các vụ BLGĐ thì chồng của họ là người nghiện rượu bia. Tất nhiên, không phải người đàn ông nào khi say rượu bia, nghiện rượu bia cũng đánh đập, mắng chửi vợ con. Thường những người chồng đã có tính bạo lực mà nghiện rượu bia sẽ là những trường hợp khó giải quyết hơn rất nhiều so với các trường hợp khác”.

Vòng luẩn quẩn rượu, bia - bạo lực gia đình

Có một thực tế là nhiều hộ gia đình, nghèo đói, kinh tế khó khăn sinh ra những người chồng chỉ biết đến rượu, bia để “giải sầu” hoặc không ít trường hợp là vì nghiện rượu. Hậu quả của việc nghiện rượu, sử dụng đến mức lạm dụng rượu, bia trong nhiều trường hợp đã sinh ra BLGĐ, dẫn đến gia đình mất hạnh phúc, tan vỡ, rồi người đàn ông lại tiếp tục tìm đến rượu, bia như một vòng luẩn quẩn.

Có những anh chồng chỉ đánh vợ khi uống rượu. Ngay khi người chồng về đến cổng là vợ con phải sơ tán vì người chồng đập vỡ đồ đạc, đánh đập vợ con, chửi bới hàng xóm láng giềng, họ hàng nếu họ sang can thiệp. Thế nhưng đến khi tỉnh rượu họ lại không nhớ đã có hành vi trước đó.

Ở nhiều vùng nông thôn hiện nay, người vợ giải quyết tình trạng nhậu của chồng bằng cách tìm đường lên thành phố mưu sinh, may ra lúc nào đó ông chồng hối cải, người vợ sẽ quay về. Có nhiều gia đình chỉ còn ông chồng nhậu ở quê còn mấy mẹ con túm nhau lên thành phố để kiếm sống, bỏ mặc đất đai, nhà cửa vì họ đã chán chồng lắm rồi. Một số phụ nữ khác phải cam chịu sống với ông chồng ma men vì không còn cách nào khác.

Một trong những tác hại khủng khiếp của bia rượu là khiến người uống có thể bị rối loạn tâm thần. BS Đinh Hữu Uân, bệnh viện Tâm thần Trung ương I (huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội) chia sẻ, triệu chứng chủ yếu của những người này là hoang tưởng, ghen tuông và hoang tưởng.  

Người phụ nữ sống trong một gia đình có người nghiện rượu, hay say rượu không chỉ bị bạo lực về thể xác mà còn có nhiều trường hợp về tinh thần, tình dục… Hơn nữa, BLGĐ không chỉ ảnh hưởng tới người bị bạo lực, chủ yếu là phụ nữ mà còn gây ảnh hưởng lớn tới quá trình phát triển của trẻ em sống trong gia đình có bạo lực.

Theo nghiên cứu của tổ chức Health Bridge về tình trạng trẻ em bị ảnh hưởng bởi tình trạng lạm dụng rượu bia của người lớn đã chỉ ra kết quả cho thấy: 11% trẻ em bị xúc phạm, nhục mạ, mắng chửi; 6,5% bị bỏ mặc, thiếu sự chăm sóc bảo vệ của người lớn; 6,1% phải chứng kiến bạo lực nghiêm trọng trong gia đình; 3,8% bị đánh đập, gây đau đớn về thể xác…

 Cũng theo Health Bridge: Trẻ em trong các hộ uống rượu chịu nhiều thiệt thòi cả về dinh dưỡng và giáo dục so với các trẻ em khác. Các em sẽ tới ngưỡng cửa của tuổi lao động với bất lợi kép - sức khỏe yếu, trình độ học vấn kém hơn trẻ em bình thường khác. Vì vậy trẻ em trong các gia đình có người nghiện rượu sẽ có năng suất lao động thấp hơn ở tuổi trưởng thành, gây thiệt thòi cho cá nhân và xã hội. 

Cách nào phá vòng luẩn quẩn rượu, bia - bạo lực

Để bảo vệ phụ nữ tránh khỏi thương tích khi có chồng là người thường xuyên say rượu bia, các chị em phải biết chạy khi chồng say để tránh tổn thương vì bạo lực. Khi đó, các chị em không nên đối đầu với người chồng, phải tìm cách thoát khỏi nhà, không chạy vào các “tọa độ chết” như: Nhà bếp, nhà tắm sẽ dễ bị thương tích nặng, thậm chí bị chồng đánh đến tử vong. Tiếp đó là cai rượu cho người chồng – đây là một việc hết sức khó khăn và cần có sự trợ giúp của những trung tâm cai nghiện rượu chuyên nghiệp…

hptf_2
Ở địa phương vùng cao, tình trạng đàn ông say xỉn là chuyện bình thường. Ảnh: Nguyên Thanh

Theo các chuyên gia tư vấn về tâm lý, xã hội, để dẹp được vấn nạn này, chị em phụ nữ cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, đoàn thể xã hội để giải quyết. Đặc biệt, cần trau dồi kiến thức để nâng cao trình độ hiểu biết về pháp luật, chủ động tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Khi rơi vào hoàn cảnh bị bạo hành thì cần phải tìm đến các cơ quan tư vấn; sự giúp đỡ của người thân, hàng xóm; các ban, ngành đoàn thể để kịp thời can thiệp, tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra.

Bên cạnh giải pháp giải quyết các vấn đề bạo lực nói chung, thì vấn đề kinh tế của gia đình là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới vòng luẩn quẩn rượu, bia và bạo lực, cần có giải pháp cải thiện góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực. Thực tế, một số phụ nữ tham gia vào các mô hình “ngôi nhà bình yên” đã được học nghề, hỗ trợ cho vay vốn, chăn nuôi lợn để làm nghề hoặc gia tăng sản xuất, cải thiện thu nhập, thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, dần cải thiện được hạnh phúc gia đình và giúp chồng phụ giúp làm ăn, xa dần với nạn nghiện rượu...

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để phòng chống tác hại của rượu, bia thì cần tăng thuế với các sản phẩm rượu, bia và đồ uống có cồn nhằm giảm tiêu dùng và các hệ lụy, đồng thời tăng thu ngân sách cho Nhà nước. Cùng với đó, cần tăng cường các giải pháp kiểm soát sự sẵn có của rượu, bia; kiểm soát quảng cáo, khuyến mại rượu, bia, nhất là kiểm soát sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.

Nguyên Thanh

Bình luận

ZALO