Biên phòng - Do đặc thù công việc, địa bàn đóng quân của BĐBP là biên giới, hải đảo, đường sá xa xôi, hiểm trở, vì thế, những người lính Biên phòng thường phải xa nhà dài ngày, ít có điều kiện gần gũi chăm sóc vợ con. Đặc biệt, trong những dịp lễ, Tết, các anh lại phải “trực chiến”, càng khó đoàn viên cùng gia đình, nhưng không vì thế mà tình cảm yêu thương trong mỗi gia đình người lính bớt nồng nàn, ấm áp.
Dành cho nhau yêu thương nhiều nhất có thể
Cách xa nhau hàng trăm cây số, mỗi năm chỉ gặp nhau vài lần, nhưng chị Nguyễn Thị Nga vẫn cảm nhận đủ đầy tình yêu và nỗi nhớ của chồng - người lính Biên phòng quanh năm suốt tháng ở biên giới dành cho mình. Chồng chị là Trung tá Nguyễn Đình Cường, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cồn Cỏ, BĐBP Quảng Trị. Người ta bảo “xa mặt cách lòng”, thế nhưng, vợ chồng chị đến nay đã có tới gần 20 năm yêu xa mà tình cảm vẫn mặn nồng như thuở ban đầu.
Anh Cường và chị Nga học cùng nhau từ lớp 1 cho tới lớp 12 nên hiểu rõ tính nết của nhau. Hồi học cấp ba, thậm chí, hai người còn ghét nhau. Đến khi đi thực hiện nghĩa vụ quân sự, anh mới nhận ra tình cảm dành cho đối phương. “Hơn 4 năm yêu nhau, chúng tôi gửi thương nhớ qua những cánh thư và sau này là những cuộc gọi điện thoại video. Đến năm 2004, khi tình yêu đủ lớn, được sự đồng ý của gia đình hai bên, chúng tôi đã về chung một nhà” - Anh Cường kể.
Trong 24 năm quân ngũ, anh Cường công tác ở nhiều đơn vị khác nhau. Điều đó cũng đồng nghĩa với thời gian anh ở gần vợ rất ít. “Năm 1999, tôi được huấn luyện ở Trung tâm Huấn luyện BĐBP tại Tam Dương, Vĩnh Phúc. Sau đó, tôi thực hiện nghĩa vụ tại BĐBP Cao Bằng, rồi học tại Học viện Biên phòng, đi thực tế tại Đồn Biên phòng Ia Mơ (BĐBP Gia Lai). Trở ngược ra Bắc, tôi nhận công tác tại Đồn Biên phòngThanh Luông, Mường Mươn (BĐBP Điện Biên). Trong thời gian từ năm 2009-2012, tôi công tác tại Học viên Biên phòng. Từ tháng 2/2012, tôi được tổ chức phân công công tác tại BĐBP Quảng Trị. Vợ con tôi thì sống ở Hà Nội” - anh Cường điểm sơ qua các mốc thời gian trong quân ngũ cho tôi nghe để thấy rằng, suốt thời gian yêu cho đến khi cưới nhau, vợ chồng anh luôn ở tình trạng “người Bắc, kẻ Nam”.
Đặc thù của người lính Biên phòng là vậy, luôn phải xa nhà. Đường sá xa xôi, mỗi năm, anh Cường chỉ về nhà vài lần. Từ tháng 3/2020, anh nhận nhiệm vụ tại đảo Cồn Cỏ, tần suất về thăm vợ con lại càng ít hơn do sóng nước cách trở. Thường thường, 3 tháng, anh Cường được nghỉ tranh thủ 10 ngày về thăm nhà, nhưng có đợt cao điểm, 9 tháng liền anh mới về thăm vợ con.
Kể chuyện về gia đình, anh Cường bảo rằng, anh luôn trân trọng tình cảm yêu thương và những hi sinh thầm lặng của vợ. “Tôi đi xa nhà đằng đẵng, tất cả mọi việc lớn nhỏ trong gia đình, từ chăm sóc bố mẹ tới nuôi nấng, dạy dỗ con cái đều do một tay vợ tôi chu toàn. Tôi biết ơn cô ấy vì đã là hậu phương vững chắc để tôi yên tâm công tác” - Anh Cường chia sẻ.
Làm vợ lính là chấp nhận thiệt thòi. Càng những dịp đặc biệt, như kỷ niệm ngày cưới, sinh nhật, ngày Quốc tế phụ nữ... càng thiếu vắng hình bóng chồng trong nhà. Chị Nga hiểu điều đó nên hết sức thông cảm cho anh Cường. “Trong gần 20 năm kết hôn, chưa khi nào tôi có mặt ở nhà dịp kỷ niệm ngày cưới hoặc các ngày lễ khác và chắc chắn, Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 sắp tới đây, tôi cũng sẽ không có mặt ở nhà để chúc mừng vợ con. Nhìn những gia đình khác đoàn viên, vui vẻ bên nhau, tôi càng thấy thương vợ mình hơn” - Anh Cường tâm sự.
“Chúng tôi luôn dành cho nhau những điều yêu thương nhất có thể” - Trung tá Nguyễn Đình Cường thổ lộ. Để giữ lửa hạnh phúc gia đình, anh Cường ngày nào cũng gọi điện về nói chuyện với người bạn đời của mình. Và như để bù đắp cho những thiệt thòi của vợ, mỗi lần về thăm nhà, anh không nề hà bất cứ việc gì, từ giặt giũ, lau dọn nhà, đưa đón con đi học... Nhiều bữa, anh lặng lẽ dậy sớm, nấu đồ ăn sáng cho con, làm việc gì cũng nhẹ nhàng để vợ ngủ thêm được chút ít. Dịp lễ, anh đều tặng quà, gửi điện hoa cho vợ. Tình yêu của người lính được “gói ghém” qua những hành động, cử chỉ giản dị như vậy để hạnh phúc luôn đong đầy trong gia đình những người lính Biên phòng.
10 năm chưa một lần cãi nhau
Là phụ nữ, ai cũng muốn có chồng ở bên cạnh, nhất là vào dịp lễ đặc biệt như kỷ niệm ngày cưới, sinh nhật, Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. Đáp ứng mong muốn tưởng chừng như rất giản dị ấy lại là điều khó thực hiện đối với những người chồng mang quân hàm xanh như Đại úy Trần Văn Trọng, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Xín Cái, BĐBP Hà Giang.
Trong trí nhớ của người lính Biên phòng này, suốt nhiều năm qua, vì nhiệm vụ, chưa một lần anh có mặt ở nhà chia vui cùng vợ con vào những ngày lễ đặc biệt. “Nhiều lúc, tôi cũng thấy chạnh lòng, thương vợ con, nhưng chỉ có thể gọi điện chúc mừng, động viên vợ. Thỉnh thoảng, tôi mới có dịp chở vợ đi lựa chọn một món quà yêu thích để tặng. Rất may, vợ tôi là người hiểu chuyện, luôn tin tưởng, thấu hiểu và thông cảm cho công việc của tôi” - Anh Trọng chia sẻ.
Gia đình anh Trọng hiện sinh sống ở xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Anh có gần 5 năm công tác tại BĐBP Long An. Từ năm 2016 đến nay, anh công tác tại Đồn Biên phòng cửa khẩu Xín Mần, Phòng Tham mưu và hiện giờ là Đồn Biên phòng Xín Cái, BĐBP Hà Giang. Từ đơn vị về tới nhà anh phải đi 3 chặng xe khách, mất hơn 1 ngày đường. Vì quá xa xôi, vài tháng, anh mới về nhà một lần. Anh kể: “Tất cả các ngày lễ kỷ niệm như ngày 8/3, 20/10, sinh nhật vợ, con, tôi đều không có mặt ở nhà. Lần vợ sinh con đầu lòng, 9 tháng sau, tôi mới về thăm nhà, con bé nhất định không theo tôi. Lần sinh con thứ 2, vợ tôi cũng vượt cạn một mình. Trong 2 năm (2020-2021) căng thẳng vì dịch Covid-19, tôi về thăm nhà được 3 lần. Tôi biết, vợ tôi có những giây phút tủi thân, nhưng cô ấy không bao giờ hờn dỗi gì cả”.
Công việc khiến anh Trọng nhiều khi không chủ động được cả thời gian nghỉ phép. “Có lần, tôi đi phép, 6 giờ 30 sáng mới đặt chân vào tới nhà thì nhận được điện của đơn vị có việc gấp. Vậy là 10 giờ sáng, tôi lại bắt xe ngược lên đơn vị mà chưa kịp gặp vợ” - Anh Trọng kể. Thực tế, cuộc sống nhiều khi có những việc đột xuất như thế nên vợ chồng anh Trọng càng trân trọng hơn những ngày ở gần nhau.
Mỗi ngày, anh Trọng đều dành thời gian gọi điện trò chuyện với vợ và các con. Anh chia sẻ: “Vợ tôi là người tâm lý, luôn chia sẻ, thấu hiểu điều kiện công tác của tôi. Cô ấy luôn tạo mọi điều kiện để tôi hoàn thành nhiệm vụ được giao. 10 năm chung sống với nhau, vợ chồng tôi chưa từng to tiếng hay cãi nhau bao giờ”.
Khó có thể nói hết những niềm vui, nỗi buồn, trăn trở, lo toan của gia đình những người lính Biên phòng. Song, vượt lên tất cả, người lính Biên phòng vẫn kiên nghị, vững tâm thực hiện nhiệm vụ cao quý bảo vệ biên cương bờ cõi mà Đảng và Nhà nước, nhân dân giao phó, bởi sau lưng họ luôn là hậu phương vững chắc.
Bích Nguyên