Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 01/10/2023 03:12 GMT+7

Sát cánh cùng những người trấn ải biên cương

Biên phòng - Tính đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, thành phố, các huyện, thị ở Phú Thọ đã tổ chức kết nghĩa với 100% các đơn vị BĐBP Lai Châu. Qua 5 năm, nhờ có sự đồng hành của Hội LHPN tỉnh Phú Thọ mà nhiều phụ nữ ở biên giới Lai Châu đã mở mang, phát triển, dần trở thành những người đồng hành với BĐBP trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, phát triển kinh tế, xã hội.

5aea74227a76dfd3c2001af1
Hội LHPN huyện Thanh Ba tặng quà cho phụ nữ xã Huổi Luông trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Ảnh: Trúc Hà

Nhắc đến Mường Tè, người ta đã nghĩ ngay đến vùng đất “đệ nhất khó” với bản người Hà Nhì, La Hủ quanh năm ẩn mình trong sương trên những dãy núi cao ngất. Thu Lũm là xã biên giới, xa và khó khăn nhất của huyện Mường Tè, thế nhưng, Hội LHPN huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) đã rất hào hứng nhận kết nghĩa với Đồn Biên phòng Thu Lũm. Kể từ khi kết nghĩa, Hội LHPN huyện Cẩm Khê và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thu Lũm đã triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp, tạo chuyển biến tích cực trên các mặt chính trị, kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh trên tuyến biên giới.

Bên cạnh việc vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp tặng quà cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, Đồn Biên phòng Thu Lũm và Hội LHPN huyện Cẩm Khê đã tham mưu và tham gia xây dựng tổ chức các hoạt động công tác Hội Phụ nữ ở cơ sở. Xã Thu Lũm có 2 dân tộc là Hà Nhì và La Hủ, đời sống kinh tế vô cùng khó khăn, đặc biệt, định kiến trọng nam khinh nữ đang là rào cản phụ nữ có cơ hội tiếp xúc, tham gia công tác xã hội. Hội LHPN xã Thu Lũm và đồn Biên phòng đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc xây dựng, quy hoạch cán bộ nữ tham gia cấp ủy, HĐND các cấp, góp phần nâng cao vị thế cho cán bộ nữ, tạo điều kiện cho chị em gánh vác các chức danh chủ chốt của xã; tham gia các lớp đào tạo sơ cấp, trung cấp chính trị tại huyện, tỉnh. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ nữ cơ sở được tăng cả về số lượng và chất lượng.

Hội LHPN thành phố Việt Trì được đánh giá cao trong việc chủ động vận động xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực từ các ban, ngành, đơn vị và đặc biệt là sự ủng hộ của cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn thành phố, để thực hiện hoạt động kết nghĩa. Nhờ đó, hội đã tổ chức được nhiều chuyến công tác từ thiện tới 3 xã Vàng Ma Chải, Pa Vây Sử và Mồ Sì San - địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải, với tổng kinh phí 1,16 tỉ đồng. Cụ thể: Trao 30 suất học bổng cho học sinh nghèo, trao 20 suất quà cho phụ nữ nghèo; tặng trên 1.000 áo ấm cho các cháu học sinh và phụ nữ; tặng thuốc, dụng cụ y tế cho trạm y tế của 3 xã.

Đáng chú ý, Hội LHPN thành phố Việt Trì và Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải đã trực tiếp quản lý, giám sát nguồn hỗ trợ là mô hình phát triển kinh tế nuôi dê, nuôi bò, lợn sinh sản tại 3 xã Mồ Sì San, Pa Vây Sử, Vàng Ma Chải và Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải, tổng trị giá 400 triệu đồng. Để giúp các hộ có thêm kiến thức và kinh nghiệm về chăn nuôi, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải trực tiếp hướng dẫn xây dựng chuồng trại, chuyển giao khoa học kỹ thuật, lựa chọn và mua con giống giao đến tận tay các hộ được nhận hỗ trợ.

Mô hình nuôi dê sinh sản tại xã Pa Vây Sử và Mồ Sì San đã giúp 30 hộ nghèo 57 con giống. Đến nay, đàn dê phát triển và sinh sản rất tốt, các hộ đã bán được 70 con, thu về 194 triệu đồng/200 triệu đồng hỗ trợ ban đầu. Số dê còn lại là 103 con, ước tính thu được 320 triệu đồng khi bán. Mô hình nuôi bò sinh sản tại xã Vàng Ma Chải giúp 4 hộ nghèo 4 con bò giống, đến nay đã phát triển, sinh sản tổng số 8 con, dự tính giá trị đàn bò đạt 200 triệu đồng. Mô hình nuôi dê, lợn sinh sản tại Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải với số con giống hỗ trợ ban đầu là 40 con dê, 15 con lợn. Đến nay, đơn vị đã bán lợn thu được 120 triệu đồng/100 triệu đồng vốn hỗ trợ ban đầu. Số dê hiện tại là 60 con, lợn là 10 con, dự tính đạt 200 triệu đồng.

Nếu như Hội LHPN huyện Cẩm Khê quan tâm đến việc hỗ trợ phụ nữ trên khu vực biên giới, thì Hội LHPN huyện Lâm Thao chú ý đến công tác hậu phương quân đội. Từ khi ký kết chương trình phối hợp với Đồn Biên phòng Dào San đến nay, LHPN huyện đã chủ động tham mưu với Huyện ủy tổ chức các chuyến công tác do lãnh đạo huyện làm trưởng đoàn cùng lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể của huyện và cán bộ chủ chốt các cấp hội trong huyện lên thăm hỏi, động viên, tặng quà và tổ chức các hoạt động phối hợp tại Đồn Biên phòng Dào San.

Trong mỗi chuyến công tác, đoàn công tác của huyện Lâm Thao đều thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ của các trạm do đồn phụ trách, thăm các tuyến đường biên giới, tham quan các cột mốc biên giới thuộc khu vực huyện Phong Thổ quản lý. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, huy động các nguồn lực từ các tập thể, cá nhân, đặc biệt là sự ủng hộ tích cực của cán bộ, hội viên phụ nữ để tổ chức các hoạt động kết nghĩa, các hoạt động nhân đạo từ thiện đạt hiệu quả thiết thực. Nhờ đó, Hội LHPN huyện Lâm Thao đã hỗ trợ xây dựng 1 nhà Mái ấm biên cương cho chiến sĩ Đồn Biên phòng Dào San là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tặng 2 máy lọc nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày cho đơn vị. Ngoài ra, Hội còn thường xuyên hỗ trợ tiền, đồ dùng học tập cho hai học sinh do Đồn Biên phòng Dào San nhận nuôi dịp khai giảng năm học mới, Tết thiếu nhi, Tết Trung thu....

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017), Hội LHPN huyện Lâm Thao đã vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia ủng hộ công trình xây dựng Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ khu vực xã Dào San được 110 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này đã được chuyển đến Đồn Biên phòng Dào San trước ngày khởi công xây dựng nhà bia. Ngoài ra, Hội LHPN huyện cũng tặng quà cho 4 thân nhân của các liệt sĩ hy sinh tại khu vực Dào San. Hội cũng đề xuất với Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu tạo điều kiện tìm kiếm phần mộ liệt sĩ quê Lâm Thao, hy sinh tại Đồn 1 (huyện Phong Thổ), hiện gia đình chưa tìm thấy.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, nhờ việc kết nghĩa giữa các Hội LHPN của tỉnh Phú Thọ với các đồn Biên phòng đã mang lại nhiều hoạt động ý nghĩa, hiệu quả. Qua đó tạo điều kiện cho phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội tham gia hoạt động xã hội, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Đó chính là sự thấu hiểu, chia sẻ của hậu phương đối với khó khăn, vất vả của những người ở nơi tiền tuyến.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO