Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 12:19 GMT+7

Sát cánh cùng nhân dân dựng xây biên cương giàu mạnh

Biên phòng - Phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân ở khu vực biên giới, những năm qua, BĐBP luôn tích cực giúp dân phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, với nhiều chương trình thiết thực. Điển hình là Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” và “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”. Tính hiệu quả và sự lan tỏa của các chương trình trên đã góp phần giúp phụ nữ vùng biên cương vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống; đồng thời, chắp cánh ước mơ tới trường cho nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực biên giới.

Đại diện Hội Phụ nữ cơ sở BĐBP Cao Bằng và Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Quang Long, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Ảnh: Huy Dương

Tiếp thêm sức mạnh cho phụ nữ vùng biên

Với tình thương và trách nhiệm của người lính quân hàm xanh, nhiều gia đình phụ nữ, trẻ em ở khu vực biên giới đã được tiếp sức, vượt qua khó khăn, thoát nghèo và hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn. Các chương trình trên đã góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa BĐBP với nhân dân; xây dựng, củng cố thế trận lòng dân, nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững chắc.

Năm 2018, Bộ Tư lệnh BĐBP và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Đến nay, đã có 110 xã biên giới khó khăn thuộc 26 tỉnh, thành phố biên giới, hải đảo được các đơn vị nhận hỗ trợ, với tổng mức kinh phí huy động trên 280 tỷ đồng. Hưởng ứng Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh biên giới và các cấp Hội Phụ nữ cơ sở trong BĐBP đã xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế, hỗ trợ vốn vay, công cụ sản xuất, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật… Các hoạt động trên đều hướng tới phát huy nội lực của phụ nữ ở khu vực biên giới, đồng thời, sát thực tế địa phương và nhu cầu của chị em phụ nữ nơi đây.

Tiêu biểu như mô hình “Nuôi lợn đất tiết kiệm giúp phụ nữ nghèo biên cương” của Hội Phụ nữ cơ sở BĐBP Điện Biên. Thực hiện mô hình này, từ năm 2018, mỗi ngày, cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ cơ sở BĐBP Điện Biên tiết kiệm từ 1.000-2.000 đồng. Đồng thời, các chị em còn thu gom chai nhựa, bìa cát tông để bán lấy tiền, vừa bảo vệ môi trường, lại có nguồn quỹ nuôi lợn đất tiết kiệm. Số tiền từ nguồn quỹ nuôi lợn đất này được các cán bộ, hội viên hỗ trợ các gia đình phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn của huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình. Mô hình đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ trong tập thể hội viên, phụ nữ, mà còn được đông đảo cán bộ, chiến sĩ của cơ quan tích cực hưởng ứng, tham gia và ủng hộ.

Cũng xuất phát từ sự đồng cảm với phụ nữ nghèo ở khu vực biên giới, Hội Phụ nữ cơ sở BĐBP Quảng Ninh đã triển khai mô hình nuôi lợn và gà thương phẩm cho phụ nữ xã đặc biệt khó khăn Vô Ngại, Lục Hồn (huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh). Kết quả, đã có hơn 50 hộ dân được hỗ trợ vốn và con giống với số tiền gần 450 triệu đồng. Hay mô hình “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh” của Hội Phụ nữ cơ sở BĐBP Đắk Lắk được triển khai từ năm 2017, nhằm giúp đỡ những phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, phấn đấu làm giàu chính đáng.

Còn rất nhiều phụ nữ ở khu vực biên giới được các đơn vị hỗ trợ, giúp đỡ bằng các mô hình hiệu quả, thiết thực như: Tổ hợp tác sản xuất nấm sạch của tỉnh Quảng Bình; mô hình Tổ liên kết “Phụ nữ dân tộc thiểu số trồng mì cao sản” và “Phụ nữ dân tộc thiểu số nuôi bò sinh sản” của tỉnh Kon Tum; 2 mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi lợn lai trắng kinh tế của tỉnh Cao Bằng…

Cùng với đó, qua 5 năm, chương trình cũng hỗ trợ gần 1.000 công trình dân sinh; gần 700 Mái ấm tình thương; trao tặng trên 4.000 suất quà, 4.000 suất học bổng cho học sinh, nữ sinh dân tộc thiểu số nghèo vượt khó; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở khu vực biên giới, góp phần thay đổi diện mạo đời sống, cơ sở vật chất ở khu vực biên giới. Các đơn vị cũng tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ chi, tổ Hội, hội viên nòng cốt các kiến thức, kỹ năng công tác; thành lập các mô hình thu hút phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia hoạt động Hội, hướng dẫn cách thức, phương pháp giám sát chính sách liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho các Hội Phụ nữ cơ sở…

Chắp cánh ước mơ tới trường cho trẻ em ở khu vực biên giới

Năm 2016, Bộ Tư lệnh BĐBP phát động Chương trình “Nâng bước em tới trường” nhằm giúp đỡ các học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 có hoàn cảnh khó khăn, con gia đình chính sách, người có uy tín, dân tộc thiểu số rất ít người... Hằng năm, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị BĐBP với cấp ủy, chính quyền và các nhà trường, các đồn Biên phòng đã trực tiếp hỗ trợ, đỡ đầu gần 3.000 lượt học sinh, với mức 500.000 đồng/em/tháng, đến khi học lớp 12.

Chiến sĩ Đồn Biên phòng Tuy Hòa đưa “con nuôi đồn Biên phòng” đi học. Ảnh: Thùy Trang

Đến nay, BĐBP đã ủng hộ nguồn kinh phí gần 95 tỷ đồng để hỗ trợ, nuôi dưỡng các em. Các em học sinh được BĐBP đỡ đầu thường xuyên tới trường, bám lớp, tiến bộ về học tập, rèn luyện và thể chất. Kết quả, thành tích học tập, rèn luyện của các em được nâng lên rõ rệt, nhiều em đạt giải trong kỳ thi các cấp, đỗ vào các trường đại học, cao đẳng.

Không dừng lại ở đó, nhận thấy ở khu vực biên giới còn nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP tiếp tục phát động, triển khai thêm mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” với quyết tâm mỗi đơn vị nhận nuôi từ 2-3 em. Đến nay, các đồn Biên phòng đang nhận nuôi 359 em, trong đó, 239 em được nuôi tại đồn Biên phòng. Các em học sinh được bảo đảm toàn bộ chi phí nuôi dưỡng, bố trí chỗ ăn, ở, sinh hoạt cho các em phù hợp, chu đáo, có góc học tập riêng, cán bộ trực tiếp kèm cặp, hướng dẫn, giáo dục và chăm sóc.

Chị Trần Thị Nga, khu phố Tài Lộc, phường Trường Sơn, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa là phụ huynh của em Hà Trần Tấn, học sinh Trường Trung học cơ sở Trường Sơn (tỉnh Thanh Hóa) được Đồn Biên phòng Sầm Sơn, BĐBP Thanh Hóa đỡ đầu trong Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng” chia sẻ: “Chồng tôi mất sớm, tôi đau ốm quanh năm, thu nhập thấp. Điều tôi lo lắng nhất là cháu Tấn vì hoàn cảnh gia đình khó khăn sẽ lỡ dở việc học tập. Nhưng may mắn đã đến với gia đình tôi, khi cháu được Đồn Biên phòng Sầm Sơn đỡ đầu trong Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng”.

Hà Trần Tấn là một trong 2 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được Đồn Biên phòng Sầm Sơn đỡ đầu. Thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã trao học bổng, thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, động viên tới các em và gia đình; đồng thời, phối hợp với nhà trường, cử cán bộ kèm cặp, chăm lo việc học tập của các em. May mắn cũng đến với cậu bé Lê Ngọc Thanh, sinh năm 2010, mồ côi cả cha lẫn mẹ khi được Đồn Biên phòng Tuy Hòa, BĐBP Phú Yên đón về đơn vị làm con nuôi, quan tâm, chăm sóc, bảo ban trong tình yêu thương của những người lính. Từ chỗ còn e dè, lạ lẫm, thì giờ đây, Thanh đã trở nên hoạt bát, ngoan ngoãn, sinh hoạt, tác phong như một người chiến sĩ thực thụ.

Thùy Trang

Bình luận

ZALO