Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:39 GMT+7

“Sao xanh” trong thành phố

Biên phòng - Khi tình hình dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh “hạ nhiệt”, các lực lượng chi viện tăng cường chống dịch cho thành phố đã rút dần quân số trở về địa phương thực hiện nhiệm vụ công tác. Riêng các chiến sĩ quân y BĐBP, đến thời điểm này vẫn ở lại giúp thành phố tiếp tục giữ vững thành quả chống dịch thời gian qua.

Cán bộ Trạm Quân y lưu động số 2 tới nhà khám bệnh, điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Vinh Trần

Góp sức giúp bà con qua cơn hoạn nạn

Thiếu tá Phạm Văn Vinh, quân y Đồn Biên phòng Bạch Đích, BĐBP Hà Giang viết đơn xung phong vào tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh chỉ với suy nghĩ giản dị: “Bà con miền Nam đang rất cần được hỗ trợ y tế nên tôi quyết định xin đi ngay. Vợ tôi là bác sĩ, cũng từng tham gia chống dịch ở địa phương, nên hiểu và chia sẻ với tôi”.

Suốt gần 2 tháng qua, anh Vinh thực hiện nhiệm vụ tại Khu cách ly điều trị Covid-19 xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè. “Khi tôi tới nhận nhiệm vụ, khu điều trị có hơn 100 bệnh nhân. Hàng ngày, tôi cùng đồng nghiệp khám bệnh, cấp thuốc, tư vấn cách điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Công việc nhiều, lần đầu tiên tiếp xúc, điều trị cho F0, tôi hơi bỡ ngỡ. Được sự giúp đỡ của các đồng nghiệp đã làm việc ở đây, chỉ 3-4 ngày sau, tôi đã thuần thục mọi việc” - anh Vinh kể.

Tiếp xúc với F0 đồng nghĩa với nguy cơ cao có thể bị lây bệnh, nhưng anh Vinh không quá lo sợ bởi luôn tuân thủ nghiêm các quy tắc đảm bảo an toàn. “Ở đây, có bác sĩ của Học viện Quân y thường xuyên trao đổi, hướng dẫn chúng tôi về chuyên môn nên tôi rất vững tâm” - anh Vinh chia sẻ.

Theo lời kể của anh Vinh, người dân ở xã Phú Xuân rất khó khăn, vất vả, vì thế, giúp dân được việc gì thì những cán bộ quân y như anh đều làm hết sức mình. Trong dịp Tết Trung thu, anh Vinh cùng đồng nghiệp tự trích tiền lương mua quà tặng các cháu thiếu nhi trong khu điều trị. “Tôi chỉ mong bà con khỏe mạnh, vượt qua được dịch bệnh để trở lại cuộc sống bình thường. Điều đó cũng có nghĩa là chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ của mình” - anh Vinh chia sẻ.

Không chỉ làm việc trong khu cách ly, anh Vinh còn trực tiếp đi thăm khám cho bệnh nhân tại nhà khi có yêu cầu. Anh Vinh cho biết, công việc nhiều lúc rất mệt nhọc và vất vả, nhưng nhìn những người bệnh được khỏi bệnh, anh lại có thêm động lực. Quá trình làm việc tại khu cách ly, anh tích lũy được những bài học quý giá. “Điều trị cho bệnh nhân Covid-19 quan trọng nhất là giữ cho bệnh nhân bình tĩnh, vượt qua được nỗi sợ hãi của bản thân, tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Tôi từng tiếp xúc với nhiều người bệnh, ban đầu, họ rất hoảng sợ, lo lắng. Tôi đã phải giải thích cặn kẽ tình trạng sức khỏe của họ, động viên họ không phải lo lắng nhiều, chỉ cần làm tốt các bước vệ sinh mũi, họng là sức khỏe sẽ ổn định. Khi bà con hiểu, họ lạc quan, vui vẻ hơn và tuân thủ đúng chỉ dẫn của chúng tôi. Nhờ vậy, rất nhiều trường hợp khỏe lên nhanh chóng”.

Luôn tiến về phía trước

Những người lính ở Trạm Quân y lưu động số 2, phường 2, quận 4 vẫn thường nói với nhau: “5 anh em mình ở trên 1 chiếc xe tăng, phải làm sao để chiếc xe luôn tiến về phía trước chứ không lùi”. Đó cũng là lời 5 người lính quân y phía Bắc tăng cường cho phía Nam chống dịch suốt gần 2 tháng qua động viên nhau những lúc mệt mỏi nhất.

Trạm Quân y lưu động số 2 gồm 5 cán bộ quân y, đến từ các đơn vị khác nhau. Đó là bác sĩ, Đại úy Trần Thành Vinh, Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động; Thiếu tá Nguyễn Chiến Thắng, Hải đội 2; Thượng úy Đặng Văn Tuyến, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đều thuộc BĐBP Nghệ An; Thượng úy Nguyễn Khắc Hoàng, Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận và Trung úy Nguyễn Văn Huỳnh, Đồn Biên phòng Bản Máy, BĐBP Hà Giang. Người vùng núi, người xứ biển, địa bàn công tác vốn khác nhau, nhưng khi chi viện cho thành phố Hồ Chí Minh, họ thích nghi với môi trường mới rất nhanh và cùng chung quyết tâm chiến thắng dịch bệnh.

Trải qua gần 2 tháng “chiến đấu” với dịch bệnh, những người lính quân y BĐBP ở Trạm Quân y lưu động số 2 đã quá quen thuộc với công việc lấy mẫu test Covid-19, tiêm chủng, khám sàng lọc, quản lý, điều trị, tư vấn cho bệnh nhân F0. “Công việc của chúng tôi là quản lý, tư vấn cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà ở phường 2. Chúng tôi làm việc không có ngày nghỉ, giờ nghỉ, bất cứ khi nào người dân gọi là chúng tôi có mặt” - một cán bộ quân y của Trạm Quân y lưu động số 2 cho biết.

Nói về quãng thời gian vất vả đã qua, Thượng úy Nguyễn Khắc Hoàng chia sẻ: “Trước khi lên đường, chúng tôi đã xác định tư tưởng là sẽ có vất vả, nguy hiểm, nên chuẩn bị cho mình những kiến thức cơ bản để tự bảo vệ bản thân. Mỗi người một đơn vị khác nhau, nhưng khi vào đây, anh em luôn đoàn kết, động viên nhau vượt qua thử thách, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Ngày 11-10, một Trạm Quân y lưu động ở phường 2 do Học viện Quân y phụ trách cũng đã rút quân. Chính quyền địa phương bàn giao lại trạm này cho những người lính Biên phòng ở Trạm Quân y lưu động số 2 phụ trách. “Từ ngày tiếp nhận thêm điểm trực do Học viện Quân y để lại, 5 anh em chúng tôi phải chia nhau trực cả ngày và đêm. Chúng tôi tiếp tục đi tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 2 tại nhà cho đối tượng người cao tuổi, người có bệnh nền không thể đến khu vực tiêm chủng tập trung. Thêm việc, thêm vất vả, nhưng anh em đều đồng lòng làm tròn trách nhiệm” - anh Vinh cho hay.

Các lực lượng chi viện cho thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu rút quân, song những người lính quân y của BĐBP vẫn đang trụ lại. Những “ngôi sao xanh” vẫn thầm lặng đi lại giữa những con phố, có mặt khi người dân cần với nụ cười ấm áp. Tôi cảm nhận được những áp lực mà họ đang trải qua, cảm nhận được cả sự hy sinh và ý chí quyết tâm của họ - những người lính đang mang trên mình sắc áo BĐBP.

Thu Hằng

Bình luận

ZALO