Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:01 GMT+7

Sao xanh trong sương gió Thượng Phùng

Biên phòng - Rất ngẫu nhiên, tất cả những lần tôi đến công tác ở xã biên giới Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc, Hà Giang đều vào mùa đông. Thế nên điều tôi nhớ nhất về vùng đất này là sương, gió và khí lạnh thấu xương. Sương dày tới mức khiến mắt người bị che lại, tầm nhìn xa không quá 2m. Gió ở đây cũng thật đặc biệt, như thể muốn cuốn tung tất cả. Nhưng ấn tượng hơn vẫn là những “ánh sao xanh” trong sương gió Thượng Phùng.

b3r9_9a
Cán bộ Đồn Biên phòng Săm Pun trao đổi với nhà trường về tình hình học tập của học sinh do đơn vị đỡ đầu. Ảnh: Bích Nguyên

Tôi thức dậy lúc trời tờ mờ sáng sau một đêm khó ngủ tại Đồn Biên phòng Săm Pun (BĐBP Hà Giang) bởi tiếng xe ô tô ầm ì chạy suốt đêm. Nghe chừng toàn những xe tải chở hàng nặng ì ạch leo núi, vượt dốc. Khi ngồi uống tuần trà chào buổi sáng với những người lính Biên phòng ở đây, tôi hỏi với một chút băn khoăn: “Ở vùng biên heo hút này sao nhiều xe hàng thế?”. Mọi người nhìn nhau rồi cùng tủm tỉm cười bảo rằng: “Đặc sản gió Thượng Phùng đó, nhà báo ơi”. Điều tuyệt vời là ngoài gió, Thượng Phùng còn có những “ánh sao xanh” luôn ngời sáng.

Lấp lánh “sao xanh”

Cùng với Xín Cái, xã biên giới Thượng Phùng là địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng Săm Pun, đều thuộc diện đặc biệt khó khăn. Phân tích về sự nghèo khó của vùng đất này, người ta chỉ ra rằng nguyên nhân chủ yếu là do đất đai khô cằn, trong khi điều kiện khí hậu vô cùng khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn. Đó cũng là thách thức mà chính quyền địa phương đang tìm cách hóa giải. Và cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh, với vai trò là người đồng hành cùng chính quyền và nhân dân xây dựng khu vực biên giới vững mạnh đã và đang tham mưu, tìm mọi nguồn lực để giúp Thượng Phùng phát triển.

Những tia nắng hiếm hoi khiến sương tan phần nào, xua bớt cái lạnh cũng là lúc tôi nhìn thấy người dân kéo tới sân Đồn Biên phòng Săm Pun. Tôi nhìn thấy sự háo hức, phấn khởi trên mỗi gương mặt sạm nắng, gió biên thùy. Hỏi ra mới biết, họ tập trung ở đây để chờ được cơ quan chức năng đưa sang Trung Quốc làm việc.

Sự kiện này bắt nguồn từ thực tế trước đây, người dân trong vùng thường vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Thậm chí còn có các đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép. Người lao động còn bị quỵt tiền công, bị trấn lột khi trở về nhà... Tình trạng trên khiến cho an ninh trật tự ở khu vực biên giới diễn biến phức tạp, việc quản lý, kiểm soát người qua lại biên giới gặp nhiều khó khăn. 

Để giải quyết tình trạng trên, năm 2016, Đồn Biên phòng Săm Pun đã tham mưu cho lãnh đạo huyện Mèo Vạc xây dựng cơ chế hợp tác xuất khẩu lao động với huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Với sự bảo hộ của chính quyền hai bên, người dân được tạo điều kiện thuận lợi sang lao động, làm việc tại huyện Phú Ninh, đồng thời, các công ty, doanh nghiệp của huyện Phú Ninh cũng được tạo điều kiện thuận lợi để tuyển dụng công dân Mèo Vạc sang làm việc.

Người lao động được đảm bảo trả tiền công đúng với công sức bỏ ra và được hưởng bảo hiểm y tế. Những người có sức khỏe tốt chỉ cần đăng ký với chính quyền xã. Khi người lao động được xét duyệt, UBND huyện Mèo Vạc sẽ hỗ trợ làm giấy thông hành, đồng thời bố trí xe đưa người lao động tới bàn giao cho phía đối tác tại cửa khẩu Săm Pun. Việc thực hiện thỏa thuận đưa lao động qua biên giới làm việc hợp pháp đã đạt được nhiều mục đích, vừa tạo cơ hội làm việc có thu nhập cao, được đảm bảo an toàn cho người dân, vừa giảm tình trạng lao động tự do vượt biên trái phép, giúp BĐBP thuận lợi hơn trong quản lý, kiểm soát biên giới.

Nhắc tới việc quản lý biên giới, không thể không kể đến những nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Săm Pun trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm mua bán người. Chính các anh đã giải cứu thành công nhiều phụ nữ, trẻ em bị bán sang biên kia biên giới, trong đó có con gái của ông Vàng Mí Vừ đúng dịp tôi tới công tác tại Đồn Biên phòng Săm Pun năm 2017.

Trong bữa cơm đoàn tụ của gia đình ông Vừ, ngay sau ngày cô con gái 15 tuổi được giải cứu về với gia đình, tôi được chứng kiến đủ các cung bậc cảm xúc, nhiều nhất là sự cảm kích đối với những người lính mang quân hàm xanh. Con gái ông Vừ bị lừa bán sang Trung Quốc khi mới 13 tuổi. Mọi hy vọng tìm kiếm tưởng như bị đập tắt thì một ngày gia đình nhận được điện thoại của cô gọi về. Thông tin này lập tức được gia đình báo cho Đồn Biên phòng Săm Pun. Cái khó là cô gái không xác định được nơi mình đang ở. Với tinh thần trách nhiệm, những người lính Biên phòng đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ và hướng dẫn gia đình phối hợp giải cứu. Cái kết có hậu đã diễn ra sau đó ít ngày, con gái ông Vừ đã được giải cứu trở về trong vòng tay gia đình.

Chung tay vì người nghèo

Câu chuyện giúp dân của những người lính Biên phòng vẫn còn nữa với những hoạt động giúp dân làm nhà, trao tặng sinh kế, cơ hội học tập cho người dân trên địa bàn. Từ đầu năm 2018, với tinh thần chia sẻ “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Phòng Tham mưu, BĐBP Hà Giang đã nhận giúp đỡ xã Thượng Phùng xóa đói, giảm nghèo, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đơn vị đã triển khai hỗ trợ 10 hộ nghèo mỗi hộ 1 con bò và 15 triệu đồng tiền vốn mua lợn giống, thức ăn chăn nuôi và sửa chữa chuồng trại.

Đồng thời, đơn vị cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương đề nghị Đồn Biên phòng Săm Pun cử cán bộ trực tiếp theo dõi, hỗ trợ, giúp đỡ bà con kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh cho gia súc. Những người lính Biên phòng còn tham mưu, đề xuất với chính quyền căn cứ vào khả năng quỹ đất hiện có của xã để thực hiện việc hỗ trợ cấp đất theo quy định của pháp luật cho các hộ nghèo trên địa bàn an cư lạc nghiệp, phát triển sản xuất. 

w3q5_9b
Cán bộ Đồn Biên phòng Săm Pun tuyên truyền Luật Biên giới quốc gia cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Nguyễn Thắng

Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”, đơn vị đã nhận đỡ đầu cho 2 cháu học sinh cho tới khi học hết lớp 12, mỗi cháu được hỗ trợ 500.000 đồng/ tháng, đồng thời tặng quà cho các học sinh là con của 10 hộ nghèo của xã Thượng Phùng. Những việc làm tình nghĩa của những “ngôi sao xanh” đã góp phần mang lại bình yên cho một dải biên cương đẫm sương gió, giúp người dân Thượng Phùng xóa đói giảm nghèo. 

Phía trước vẫn còn nhiều khó khăn mà quân, dân ở Thượng Phùng sẽ phải vượt qua để có một cuộc sống tốt hơn. Tạm biệt mảnh đất biên cương, tôi tin rằng những “ngôi sao xanh” sẽ tiếp tục cháy hết mình để mang lại những gì tốt đẹp nhất cho người dân như ánh mắt tin tưởng của ông Vừ dành cho cán bộ Biên phòng mà tôi đã chứng kiến. 

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO