Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:44 GMT+7

Sao xanh Biên phòng giữa mùa Xuân biên cương

Biên phòng - Giữa mùa Xuân, khung cảnh núi rừng biên cương trở nên thi vị hơn. Hoa đào, hoa mận nở rộ, sương bay bảng lảng, cây cối đâm chồi nảy lộc xanh tươi. Hình ảnh ấn tượng nhất vẫn là lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ trước mỗi tổ, chốt Biên phòng (BP) tung bay trong gió. Cung đường biên giới Hà Giang mà chúng tôi đã đi qua in đậm dấu chân của những người lính BP tuần tra bất kể ngày, đêm, mưa bay, nắng rát.

Hiện tại, khu cách ly ở xã Xín Mần có thai phụ sắp đến ngày sinh, Đại úy Chiến phải thường xuyên theo dõi sức khỏe cho người phụ nữ này. Ảnh: Dũng Phong

Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 là tròn một năm cán bộ, chiến sĩ (CBCS) BĐBP Hà Giang ròng rã bám chốt phòng, chống dịch Covid-19. Trong cơn đại dịch, những người lính BP Hà Giang đã trải qua đủ cung bậc cảm xúc khác nhau, trưởng thành hơn khi vượt qua thách thức chưa từng có trong tiền lệ.

Có chúng tôi canh gác biên cương

Trên hành trình của mình, chúng tôi có dịp ghé thăm chốt phòng, chống dịch Covid-19 tại khu vực cột mốc 224, thuộc địa bàn xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì. Chốt được làm bằng khung gỗ, mái tôn, xung quanh quây bạt. Đồ đạc trong chốt đơn sơ, gọn gàng đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người lính. Trước đây, chốt là chiếc lều dựng ngay gần bờ suối, có hôm mưa to, nước dâng ngập lên cả chốt. Ban ngày nắng nóng kinh khủng, CBCS phải chặt cành cây che lên mái. Tối đến, trời đổ lạnh, CBCS phải đắp chăn bông. Muỗi, dĩn nhiều vô kể, ăn cơm phải ngồi trong màn. Sau này, anh em di chuyển lên địa điểm bây giờ làm lại chốt vững chắc hơn.

Cột mốc 224 là mốc 3 ở nơi giao nhau giữa suối Đỏ và suối Nậm Cư. Do vị thế đặc biệt, mốc 224/2 do Đồn BP Bản Máy quản lý, mốc 224/3 do Đồn BP Thàng Tín quản lý nên biên chế của chốt Suối Đỏ là CBCS của Đồn BP Bản Máy và Đồn BP Thàng Tín, ngoài ra có thêm lực lượng Công an, dân quân. Khu vực này có nhiều đường mòn, lối mở. Mùa khô, nước suối cạn, người dân có thể qua lại dễ dàng. Vì thế, từ khi lập chốt đến nay, anh em phải thay nhau tuần tra, canh gác đường mòn, lối mở, gần như không có ngày nghỉ. Nhiệm vụ chính trị nặng nề, nhưng anh em trong chốt vẫn dành thời gian nghỉ giữa các ca trực gây dựng vườn rau. “Chúng tôi xác định nhiệm vụ chống dịch còn lâu dài nên thay nhau làm vườn trồng rau, nuôi thêm gà, vịt để tự đảm bảo thực phẩm” - Thiếu tá Nguyễn Văn Khuyến chia sẻ.

Tôi hỏi về những khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ, anh Khuyến cười rồi đọc cho tôi nghe những vần thơ do anh sáng tác trong những ngày trực trên chốt: “Trà xanh không độ uống thì ngon/ Biên giới không độ thương anh Biên phòng/ Xuân Hạ Thu Đông chẳng nghỉ ngơi/ Căng mình chống dịch trên biên giới/ Đông này khắc nghiệt lắm anh ơi/ Gió lùa, gió hú suốt đêm ngày/ Tuyết rơi phủ trắng khắp cánh rừng/ Cành cây nặng trĩu không chịu nổi/ Phải gãy lìa cành vì tuyết băng/ Anh Biên phòng vẫn hiên ngang/ Đêm ngày tuần tra phòng chống dịch/ Giữ trọn niềm tin chốn biên thùy/ Làm tròn nhiệm vụ Đảng đã giao/ Đất nước an bình toàn dân vui...”. Nghe thơ của anh, chúng tôi hiểu phần nào điều kiện làm việc của những người lính nơi đây. Dẫu vất vả, khó khăn nhưng ai cũng vững tâm bám trụ đường biên thực hiện nhiệm vụ vì bình an của nhân dân.

Ít người biết rằng, trong 30 năm quân ngũ, có đến 20 năm anh Khuyến đón Tết trên đơn vị. Đã 2 cái Tết liền, anh không thể đoàn tụ cùng gia đình vì dịch Covid-19. Nhớ gia đình da diết, nhưng là người lính, anh luôn xác định tâm thế sẵn sàng gác việc riêng vì việc chung. Anh tâm sự: “Mỗi cái Tết là một cảm xúc khác nhau nhưng đều chung nỗi nhớ gia đình. Năm nay, tôi cùng anh em đón Tết ngay tại chốt. Thời khắc giao thừa, anh em trong chốt cùng nhâm nhi chén trà, ăn bánh kẹo, gửi tới nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Nói chung là Tết năm nay khá đặc biệt, cảm xúc khác hẳn mọi năm”.

Vì sự bình an của nhân dân

Mấy ngày nay, thời tiết miền Bắc ấm hơn. Vậy mà xã biên giới Xín Mần trời vẫn rất lạnh, mưa mù mịt, sương dày đặc. Công tác tuần tra, kiểm soát biên giới của những người lính BP vì thế thêm vất vả. Đại úy Nguyễn Đăng Chiến, cán bộ quân y Đồn BP cửa khẩu Xín Mần đang thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly tập trung ở xã Xín Mần bận rộn như người có con mọn. Do đặc thù công việc, bất kể ngày, đêm, mưa, gió khi các chốt phòng, chống dịch Covid-19 phát hiện, bắt giữ các trường hợp nhập cảnh trái phép, hoặc phía cơ quan Trung Quốc trao trả công dân, anh Chiến đều phải có mặt để làm các thủ tục tiếp nhận đưa về khu cách ly. “Chúng tôi đi đón công dân lúc 12 giờ đêm, khi thì 1-2 giờ sáng, cũng có lúc 4 giờ sáng hoặc giữa trưa, không có giờ cố định” - Anh Chiến kể.

Cao điểm, khu cách ly ở xã Xín Mần tiếp nhận cùng lúc 102 người cách ly, trung bình là hơn 80 người, có cả trẻ sơ sinh. “Chúng tôi đo thân nhiệt cho công dân 2 lần mỗi ngày, trường hợp mới tới thì đo 3 lần. Đồng thời, hướng dẫn họ cách giữ vệ sinh, phòng, chống dịch bệnh, phục vụ công tác lấy mẫu xét nghiệm, chăm sóc y tế khi công dân có bệnh... Chúng tôi nhiều khi không có thời gian nghỉ ngơi” - Anh Chiến cho hay.

Hồ sơ theo dõi những trường hợp cách ly của anh Chiến chi chít tên người. Điều đặc biệt là nhắc đến tên ai, anh đều nhớ được hoàn cảnh gia đình, quê quán, nghề nghiệp, thậm chí cả tâm tư của họ. Trong số những trường hợp đã điều trị, anh Chiến nhớ nhất là lần chữa bệnh cho cháu bé 42 ngày tuổi. “Bé trở về từ Trung Quốc cùng mẹ và người chị mới hơn 1 tuổi. Tôi kiểm tra y tế phát hiện cháu bị nhiễm khuẩn rốn nặng. Tôi trực tiếp lau rửa, bôi thuốc, hướng dẫn mẹ cháu giữ vệ sinh, cho cháu uống thuốc. Điều trị tích cực hơn 10 ngày, cháu bé mới khỏi” - Anh kể.

Có nhiều trường hợp người dân về không có tư trang, tiền bạc gì, anh Chiến lại phải vận động người thân quen ủng hộ quần áo, thậm chí tự bỏ cả tiền túi mua sữa, bánh cho các cháu bé.

Nhà anh Chiến ở ngay dưới huyện lỵ nhưng mấy tháng nay, anh chưa được về thăm nhà. Con thứ 2 của anh được hơn 1 tuổi, mới chỉ được gặp bố đôi ba lần. Năm ngoái, vì Covid-19, anh không được về nhà đón Tết. Năm nay cũng vậy, anh cùng 2 cán bộ y tế khác đón Tết trong khu cách ly. “Tết này có lẽ là Tết đặc biệt nhất, giản dị nhất trong đời tôi, bởi chúng tôi chỉ có thể chúc Tết người thân qua điện thoại” - Anh Chiến tâm sự.

Trò chuyện với những người lính BP, chúng tôi cảm nhận, với họ lúc này, nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 là mệnh lệnh không lời. Những nỗi niềm riêng, họ đều giữ kín để thực hiện việc chung. Tất cả hướng tới cuộc sống an toàn, bình yên cho người dân.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO