Biên phòng - Trong vùng dịch trọng điểm là thành phố Hồ Chí Minh, có lẽ, ánh sáng lấp lánh của ngôi sao vuông và bóng áo thiên thanh của những chiến sĩ Dân quân tự vệ thành phố là một biểu tượng đẹp của đức hi sinh và sự nhẫn nại. Nước da họ sạm nắng để những chốt phòng dịch vững vàng đêm ngày qua nắng gió, mưa giông.

Kỳ 2: Hiểm nguy nơi tâm dịch
Những “bông hồng” thiên thanh
Hình ảnh những nữ dân quân của thành phố mang tên Bác lăn xả vào các địa bàn trọng điểm, ngày ngày tham gia trực chốt, hỗ trợ y tế, đưa bệnh nhân đi cấp cứu... là những bức tranh đẹp nhất, quật cường nhất trong lòng tôi. Hầu hết đều phải gửi con cho người thân chăm sóc để ở lại đơn vị. Hình ảnh những người phụ nữ mảnh mai trắng đêm miệt mài tại những chốt trực, tất tả lo toan từng suất ăn cho đồng đội, đồng bào, không nề hà nguy cơ nhiễm bệnh để dìu bệnh nhân, bế các cháu nhỏ đến bệnh viện dã chiến, khu cách ly...
Các chị em đã hi sinh quên mình để giành lại sự sống cho hàng ngàn bệnh nhân Covid-19. Vẻ đẹp nữ dân quân anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ đã đi vào khúc hát “...Chúng em là con gái miền Đông/ Ngôi sao vuông sáng nơi đầu mũ/ Soi cho em theo bước cha ông/ Giữ yên quê nhà xây đắp non sông”... lại hiển hiện thật lung linh trong cuộc chiến không tiếng súng hôm nay.
Nữ dân quân Dương Thiện Ngọc, sinh năm 1988, ngụ ấp Trung Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn là một trong số rất nhiều chị em như thế. Cùng với 6 nữ chiến sĩ dân quân khác của huyện, Ngọc tham gia công tác hậu cần, rồi khi dịch bệnh phức tạp, cô tham gia nhiều hoạt động hơn như trực chốt, hỗ trợ y tế, đưa bệnh nhân đi cấp cứu... “Sau 1 tháng làm nhiệm vụ, Ngọc đã nhiễm virus SARS-CoV-2 và sức khỏe suy yếu nhanh. Nhưng cứ nghĩ đến con là Ngọc lại cố gắng ăn uống, điều trị và tập thể dục nhẹ để bệnh không trở nặng. Thật may mắn là sau quá trình điều trị, em đã khỏi bệnh. Tính đến nay, đã hơn 4 tháng, em xa con trai, chỉ được vài lần ít ỏi nhớ con quá, khi có kết quả âm tính với Covid-19, em về ngủ với con một đêm rồi tiếp tục quay lại cùng mọi người chống dịch” - Ngọc tâm sự.
Tại Long An, y tá Trần Thị Việt Trinh của Đội Dân quân tự vệ xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa là một trong những nữ dân quân đầu tiên lên chốt dân quân biên giới. Điều kiện sinh hoạt ở các chốt dân quân còn khó khăn, đa phần chưa được kiên cố hóa nên rất bất tiện đối với phụ nữ. Song, cô gái Mộc Hóa kiên cường ấy đã vượt qua tất cả để bám chốt, bám đường biên và bám dân, tích cực chăm sóc người bệnh bất kể ngày đêm, mưa nắng.
Tiếng lành đồn xa, cô y tá “sao vuông” ở vùng biên Bình Hòa Tây được bà con tin tưởng, thường nhờ cô thăm khám và điều trị mỗi lúc ốm đau, nhức mỏi. Vậy là, suốt gần 2 năm qua, vừa tham gia ứng trực tại các chốt dân quân, Trinh vừa chạy tới chạy lui như con thoi để khám chữa bệnh cho bà con trong điều kiện hạn chế đi lại để phòng ngừa dịch bệnh. Và mỗi lần xuống các xóm ấp, Trinh đều tích cực tham gia cùng BĐBP tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân các biện pháp chủ động phòng ngừa dịch bệnh và vận động nhân dân phát hiện, ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép từ Campuchia về Việt Nam.
Không chỉ làm sáng lên “y đức” giữa vùng biên, cô còn tham gia đều đặn các hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và tham gia cùng BĐBP tuần tra bảo vệ địa bàn biên giới. Nhanh nhẹn và hoạt bát, Trinh tham gia tình huống báo động sẵn sàng chiến đấu của chốt dân quân rất linh hoạt và chuyên nghiệp. Tiếng kẻng chưa dứt, cô đã nghiêm ngắn trong bộ đồ dã chiến hỗ trợ phòng chống bạo loạn cùng với hòm thuốc quân y và ngay lập tức có mặt tại vị trí được phân công, nhanh chóng thực hiện mệnh lệnh. Buổi diễn tập thành công, đôi má cô gái ấy rám hồng vì nắng và tóc mai bết mồ hôi. Nhưng miệng cười rất tươi vì đã phối hợp nhịp nhàng với các đồng đội nam, không để chậm hay sảy ra sơ suất nhỏ.
Thiêng liêng trước cờ Đảng
Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 tại các tỉnh miền Nam, đã có trên 2.000 chiến sĩ dân quân tự vệ đã bị nhiễm Covid-19 khi làm nhiệm vụ, một đồng chí hi sinh. Song, hầu hết các đồng chí dân quân sau khi điều trị khỏi bệnh vẫn xung phong tham gia chống dịch đã khiến bao người cảm phục. Tại tỉnh Long An, kể từ mùa dịch đầu tiên đến nay, đã có 62.800 lượt dân quân có mặt trên mặt trận chống dịch. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, hầu hết anh em đều có người thân nhiễm bệnh và sức khỏe bản thân suy yếu sau những ngày dài lao lực, căng thẳng.
Trong gian khó vẫn bền chí, vững lòng, những “sao vuông” trẻ của Long An đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vinh dự được đứng tuyên thệ dưới cờ Đảng vẻ vang. “Chúng tôi chỉ có một suy nghĩ là cống hiến hết sức lực của mình để đẩy lùi dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Điều đó đã được ghi nhận và tôi vô cùng vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đây sẽ là động lực để tôi và đồng đội cố gắng phấn đấu nhiều hơn, góp sức mình đẩy lùi dịch Covid-19” - chiến sĩ Khang Quỳnh Duy, dân quân xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ nói.

Chung niềm vui như Duy, đồng chí Thái Trung Kiên, Trung đội trưởng Trung đội dân quân thường trực, Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương cũng đã rưng rưng khi được đứng vào đội ngũ của những người cộng sản trung kiên. Trong suốt 3 tháng chống dịch căng thẳng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc bệnh, anh luôn là đầu tàu gương mẫu, xốc vác, tận tụy dẫn dắt các đồng chí trong trung đội của mình hoàn thành nhiệm vụ. Người chiến sĩ “sao vuông” ấy đã được Đảng ủy Quân sự thị xã và Chi bộ tổ chức Lễ kết nạp đảng viên giữa lúc “chiến dịch” vẫn còn chưa “hạ nhiệt”.
Tại quận 7, thành phố Hồ Chí Minh, trong 100 ngày chống dịch, đã có 15 chiến sĩ dân quân thường trực được kết nạp Đảng sau rất nhiều nỗ lực vượt khó để tham gia kiểm soát dịch và khu cách ly. Các đồng chí đã tích cực, chủ động, không ngại khó khăn, gian khổ và nguy cơ lây nhiễm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đồng đội và nhân dân tin yêu. Đứng trước cờ Đảng hôm ấy, bên ngoài bộ trang phục của dân quân tự vệ đẫm mồ hôi là bộ đồ bảo hộ trắng, bởi tất cả đều có nguy cơ trở thành F0. Và khí thế của người đảng viên mới bừng vui trên gương mặt sạm nắng và quầng mắt sâu vì đêm trước giấc ngủ chưa tròn, rộn ràng theo bước chân các anh chị về lại nơi đang làm nhiệm vụ.
Còn đó những nỗi đau trước sự ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ của chiến sĩ dân quân Nguyễn Văn Hiếu thuộc Ban Chỉ huy Quân sự phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang hay chiến sĩ dân quân Nguyễn Thành Đạt thuộc Ban Chỉ huy Quân sự phường Tân Tạo, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh. Còn đó những di chứng sau cơn bệnh hiểm nghèo của trên 2.000 chiến sĩ “sao vuông” vừa mới bình phục chưa lâu, đang tiếp tục trằn mình trong nắng mưa, gió bụi để bảo vệ quê hương trong đại dịch. Nhưng có lẽ, điều tốt đẹp nhất đọng lại chính là nụ cười chất phác, đôn hậu và những cống hiến âm thầm, lặng lẽ của những ngôi sao dân quân tự vệ trên khắp mọi miền đã biết dấn thân, hi sinh vì Tổ quốc.
Phạm Vân Anh