Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 31/05/2023 04:46 GMT+7

Sang trang mới cho Thắng cảnh Tam Giang - Cầu Hai

Biên phòng - Thắng cảnh đầm phá nước lợ lớn nhất duyên hải Trung bộ có sức ảnh hưởng đến hơn 500 ngàn người ở 5 huyện, thị xã bao quanh nó vừa được chính thức nâng cấp thành khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước. Đó là hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai mà điểm trung tâm tại xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Vùng dân cư bên cạnh phá Tam Giang đậm đà màu sắc văn hóa chưa được khai thác triệt để. Ảnh: Thụy Văn

Đáp ứng lời kêu gọi "Hành động vì thiên nhiên" của Ngày môi trường thế giới năm 2020, việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai là động thái thiết thực vừa bảo tồn, đồng thời phát huy giá trị của thắng cảnh, góp phần cải thiện đời sống dân cư, kinh tế, xã hội và văn hóa khu vực này. Đây là một trong 2 khu bảo tồn đất ngập nước được thành lập trong khuôn khổ hỗ trợ của dự án "Bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết" do Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ.

Khu bảo tồn thiên nhiên đặc tính đầm phá vừa thành lập bao gồm 2 phân vùng chính là khu vực cửa sông Ô Lâu đổ nước vào phá Tam Giang và vùng Cồn Tè - Rú Chá, một khu rừng ngập mặn tuyệt đẹp có cảnh sắc thiên nhiên thay đổi bốn mùa. Toàn bộ khu bảo tồn thiên nhiên chia làm 23 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong ranh giới hành chính của 23 xã, thị trấn thuộc 5 huyện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, có tổng diện tích 2071ha. Chưa kể, vùng đệm của khu bảo tồn lên đến gần 18 ngàn ha gồm toàn bộ diện tích đất mặt nước tiếp giáp với phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái.

Như vậy, toàn bộ vùng ven biển của Thừa Thiên Huế kéo dài 68km bao trọn hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai theo hướng Tây Bắc - Đông Nam đã được đưa vào bảo tồn và khai thác theo hướng tái sinh tự nhiên. Du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã tính nước đi dài hơi cho vùng duyên hải thuộc địa phận của 4 huyện là Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Trà để khai thác cộng đồng dân cư đặc trưng của hệ đầm phá mà tiềm ẩn trong đó còn cả câu chuyện dài về địa - chính trị, lịch sử và văn hóa dân gian.

Trong số các điểm nhấn mà khu bảo tồn thiên nhiên định vị có hệ sinh thái thảm cỏ biển tại khu vực Cồn Tè (Hương Trà), thảm thủy sinh nước ngọt tại cửa sông Ô Lâu (Phong Điền), hệ sinh thái rừng ngập mặn tại khu vực Rú Chá (Hương Trà). Vài năm gần đây, khách du lịch tự khám phá ra một số điểm ngắm bình minh và hoàng hôn tại mặt nước phá Tam Giang đoạn Cồn Tè và cảnh sắc hoang dã lạ lẫm tại Rú Chá.

Từ đó, tại các điểm du lịch nhiều người lui tới này, người dân tự phát sinh các loại dịch vụ ăn uống, giải trí. Việc thành lập khu bảo tồn cũng giúp cho các ngành chức năng của địa phương dễ dàng quản lý và quy hoạch lại ngăn nắp, ngăn chặn tình trạng ngổn ngang dịch vụ có thể phát triển nóng đến hồi khó cứu vãn.

Về lâu dài, khu bảo tồn đất ngập nước này còn giúp phục hồi sinh cảnh, các hệ sinh thái đặc thù, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản của đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, bao gồm cả việc có thể can thiệp, thả giống các loại thủy sản đang có nguy cơ tận diệt. Trước mắt, địa phương sẽ nỗ lực phục hồi sinh cảnh để nuôi dưỡng lại môi trường cho chim hoang dã sinh sống. Nơi này được kỳ vọng sẽ trở thành vườn chim tự nhiên lớn nhất toàn quốc với thiên nhiên trong lành và hệ động thực vật phong phú. Phá Tam Giang hiện có nhiều loại cá, giáp xác, động vật thủy sinh 2 mảnh vỏ đặc hữu có thể góp phần phát triển vùng du lịch văn hóa ẩm thực riêng có.

“Thương em, anh cũng muốn vô, sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang” - câu ca dao truyền khẩu lâu đời này phần nào hé lộ một phần lịch sử phát triển của vùng đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai. Nằm ở giữa 2 miền Nam Bắc, hệ đầm phá rộng lớn này trong tâm tưởng của người Việt là nơi hoang vu, ngăn trở vì sông nước, đò giang mà sức người khó chinh phục.

Ngày nay, phá Tam Giang trở thành một lợi thế cảnh quan và nguồn lợi thủy sản không nơi nào có được. Muốn duy trì và phát triển lâu dài, nơi này phải bảo tồn được sinh cảnh và ngăn chặn sự xâm phạm của tốc độ đô thị hóa, bê tông hóa đang có nguy cơ thu hẹp lại diện tích tự nhiên. Không chỉ có cộng đồng dân cư hai bên bờ đầm phá Tam Giang được hưởng nguồn lợi từ hệ đầm phá mà ngay trên vùng mặt nước mênh mông của phá Tam Giang, cộng đồng dân cư chài lưới cũng có văn hóa riêng đặc sắc.

Thừa Thiên Huế tiếp tục có thêm cơ hội để mở rộng vùng du lịch văn hóa và phát triển ra phía bờ biển, bên cạnh du lịch văn hóa cố đô đã có nhiều thành tựu.

Thụy Văn

Bình luận

ZALO