Biên phòng - Một ngày sau khi trận giông lốc đi qua, người dân vùng biên giới các huyện Ea Bung, Ea Sup (Đắk Lắk) vẫn còn bàng hoàng không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Chỉ chưa đầy một tháng, mảnh đất nghèo này phải gánh chịu tới 2 trận lốc lịch sử. Thiên tai chồng lên thiên tai, khó khăn chồng lên mất mát, có nhiều gia đình chưa khắc phục xong trận lốc trước, lại tiếp tục bị thiệt hại to lớn trong trận cuồng phong sau. Rất may, giữa muôn trùng khó khăn ấy có vòng tay “ôm ấp”, chở che từ những người lính Biên phòng...
“Thảm họa kép” trên vùng đất khó
Nằm bất động trên chiếc giường ọp ẹp trong căn lều che tạm, phía trước, trên nền ngôi nhà cũ vẫn còn ngổn ngang cây, cột và đống tôn rách nát - dấu tích của trận lốc xoáy xảy ra ngày 13-4-2018, bà Bùi Thị Diến ở thôn 6, xã Ea Bung không giấu được nỗi kinh hoàng khi kể cho chúng tôi nghe trận cuồng phong vừa quét qua đúng một ngày: “Tôi nghĩ mình chắc chắn sẽ không sống sót nổi, bởi gió giật mạnh chưa từng thấy, sấm sét liên hồi, mà bản thân thì đang bị liệt, không thể tự tìm nơi trú tránh được. Cũng may có bà con hàng xóm tới giúp đỡ nên tôi mới thoát chết...”.
Bà Diến chính là một trong 3 nạn nhân bị thương nặng nhất của xã Ea Bung trong trận mưa đá, giông lốc xảy ra ngày 13-4. Trận giông lốc đó đã san phẳng căn nhà gỗ mà gia đình bà đã chắt chiu xây dựng được từ hàng chục năm qua. Nhà sập đổ hoàn toàn, bản thân bà bị cây đè, chấn thương cột sống, gãy xương sườn, tràn dịch phổi, phải cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk.
Cả xã Ea Bung lúc bấy giờ chìm trong tang tóc. Ngoài 3 người bị thương nặng, xã còn có tới 354 căn nhà bị sụp đổ, tốc mái, 1.157ha cây trồng bị hư hại nặng nề, tổng thiệt hại ước tính trên 30 tỷ đồng.
Một xã biên giới còn nghèo như Ea Bung mà trong phút chốc trên 30 tỷ đồng đã “bốc hơi” theo trận cuồng phong, không biết đến bao giờ người dân mới lấy lại được “thăng bằng”. Thế nhưng, thảm họa vẫn không chịu buông tha, vào khoảng 15 giờ, ngày 9-5-2018, một trận giông sét kèm theo gió lốc cực lớn bất ngờ xuất hiện ở trung tâm huyện Ea Súp rồi quét lên khu vực biên giới.
Xã Ea Bung một lần nữa chìm trong đau thương, đổ nát với 1 người thiệt mạng, 69 ngôi nhà cùng nhiều công trình công cộng bị hư hại nặng. Thiệt hại đến thời điểm này vẫn chưa thể thống kê hết. Nhiều gia đình gánh chịu thảm họa kép, kiệt quệ cả về tài chính lẫn sức lực, giờ chỉ còn biết nương nhờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và vòng tay đùm bọc của cộng đồng.
Bà Trần Thị Sinh, ở thôn 9, chỉ tay ra phía cánh đồng, nơi có những tấm tôn bị xé nát, hất xa hàng trăm mét, ngao ngán nói với chúng tôi: “Trận trước, toàn bộ mái nhà của gia đình bị tốc mái, lợp vừa xong thì giờ lại bị y như vậy. Riêng tiền mua tôn, nhà tôi đã mất gần 40 triệu đồng, đó còn chưa nói đến cây cối, hoa màu bị gãy đổ. Làm ăn tích cóp hàng chục năm, giờ ông trời đã lấy đi của gia đình tôi tất cả...”.
Ông Phan Thanh Pha, Bí thư Đảng ủy xã Ea Bung cho biết: “Từ trước đến nay, xã Ea Bung chưa từng xảy ra giông lốc lớn như thế này. Vậy mà chỉ chưa đầy một tháng, chúng tôi phải oằn mình gánh chịu hai trận cuồng phong lịch sử. Xã đang huy động mọi nguồn nhân lực và sự hỗ trợ tối đa từ lực lượng BĐBP Đắk Lắk tập trung khắc phục hậu quả thiên tai gây ra, nhanh chóng ổn định nơi ăn chốn ở cho bà con. Những thiệt hại liên tiếp và lớn như thế này, chắc chắn sẽ còn rất lâu mới khắc phục được”.
Giông lốc đi qua, tình người còn mãi
Trong cơn “thảm họa kép”, người dân xã biên giới Ea Bung đã nhận được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, trong đó nổi bật nhất là những người lính mang quân hàm xanh. Ngay sau khi thiên tai xảy ra (cả hai trận), BĐBP Đắk Lắk là lực lượng đầu tiên có mặt tại hiện trường để giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với bà con. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh điều động 65 cán bộ, chiến sĩ từ khối cơ quan, Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động và Đồn Biên phòng cửa khẩu Đắk Ruê (đơn vị quản lý địa bàn xã Ea Bung) cùng hàng chục lượt phương tiện, trong đó có xe cấp cứu chuyên dụng, tỏa xuống các khu dân cư để cùng với chính quyền và nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai gây ra.
Trực tiếp chỉ huy cả hai đợt giúp dân khắc phục thiên tai ở xã Ea Bung, Thượng tá Đào Viết Hùng, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Đắk Lắk cho biết: “Ngay sau khi nhận được thông tin về trận giông lốc, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh quyết định tạm dừng một số hoạt động chưa thật cần thiết để dồn sức giúp dân sửa chữa nhà cửa hư hỏng, hỗ trợ lương thực, thực phẩm và y tế, để cùng với chính quyền địa phương nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất cho nhân dân. Chúng tôi không giới hạn thời gian giúp dân mà sẽ tập trung lực lượng làm cho đến khi xong việc mới thôi. Song song với việc giúp dân dựng lại nhà cửa, cấp gạo cứu trợ, lực lượng quân y, BĐBP tỉnh luôn bảo đảm đủ cơ số thuốc, đến tận từng hộ gia đình để thăm khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho bà con. Giờ là lúc người dân cần đến mình nhiều nhất...”.
Tại các khu dân cư bị giông lốc tàn phá nặng nề, đặc biệt là những thôn, những gia đình phải gánh chịu “thảm họa kép” lốc chồng lên lốc, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Đắk Lắk đang chạy đua với thời gian để dựng lại nhà ở cho dân khi những cơn mưa đầu mùa đang đến rất gần.
Ông Bùi Đức Hạnh, Chủ tịch UBND xã Ea Bung chia sẻ với chúng tôi: “Hai trận thiên tai liên tiếp gối lên nhau như thế, nếu không có lực lượng BĐBP thì không biết nhân dân sẽ xoay xở ra sao. Khó khăn vẫn còn chồng chất ở phía trước, nhưng chắc chắn, sau trận thiên tai, tình quân dân sẽ được nhân lên và lưu giữ mãi nơi vùng biên khắc nghiệt này...”.
Thái Kim Nga