Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:24 GMT+7

Sáng tạo, cống hiến vì giấc mơ đến trường của học sinh nghèo dân tộc thiểu số

Biên phòng - Trong những ngày này, đoàn viên, thanh niên đang hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (15/10/1956 - 15/10/2021) với những hoạt động có ý nghĩa hướng về học sinh nghèo vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Đặc biệt, Trung ương Hội đã phối hợp với chương trình “Sức mạnh 2000” xây dựng trường, nhà nội trú, cầu dân sinh, “Ngôi nhà Hạnh phúc” cho học sinh mồ côi DTTS… Phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc trao đổi với Trưởng nhóm “Tình nguyện Niềm tin” Hoàng Hoa Trung - người sáng lập chương trình “Sức mạnh 2000” về những kết quả, cũng như dự định tương lai trong việc hỗ trợ học sinh vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới. 

Hoàng Hoa Trung với các em học sinh vùng đồng bào DTTS, miền núi (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: Nhân vật cung cấp

- Cơ duyên nào đưa bạn đến với công tác từ thiện, đặc biệt là giúp học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS, miền núi và biên giới?

- Tôi “bén duyên” với công việc làm từ thiện từ rất sớm. Khi đang là học sinh trung học, tôi đã tham gia chương trình đầu tiên “Thiệp nhân ái” giúp trẻ em khuyết tật, mồ côi, tự tay làm các tấm thiệp bán để các em có thêm thu nhập. Cũng từ dự án này, tôi đến với nhóm “Tình nguyện Niềm tin”, rồi sáng tạo hàng loạt chương trình thiện nguyện giúp trẻ em mồ côi, khuyết tật ở các thành phố. Qua các chuyến đi thực tế ở miền núi, vùng DTTS, tôi thấy những lớp học cắm bản được dựng tạm bợ làm bằng tranh, tre, nứa lá; rất nhiều em học sinh không thể đến trường; hình ảnh các cô giáo mỗi sáng đi hàng mấy cây số đường núi gọi từng em đi học làm tôi không thể nào quên...

Từ những hình ảnh đó, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và sáng lập các chương trình thiện nguyện, huy động nguồn lực hỗ trợ cho học sinh DTTS, góp phần chắp cánh ước mơ cho các em đến trường. Năm 2009, tôi đã triển khai chương trình “Ánh sáng Núi rừng”, gây quỹ xây trường học, tặng nhu yếu phẩm cần thiết cho học sinh DTTS, miền núi, biên giới. Chương trình đã đem lại thành công rất lớn, xây được gần 150 điểm trường tại 17 tỉnh, mỗi ngôi trường có giá trị từ 120 - 600 triệu đồng.

- Ngoài chương trình “Ánh sáng Núi rừng”, bạn đã sáng lập, vận hành thành công mô hình “Nuôi em”, giúp hàng chục nghìn học sinh DTTS có được gần 5 triệu bữa cơm ngon, đủ chất. Bạn có thể nói rõ hơn về dự án này?

- Thông qua việc thực hiện chương trình “Ánh sáng Núi rừng”, tôi có điều kiện tiếp xúc, thấu hiểu sự vất vả, khổ cực của các em. Năm 2014, tôi triển khai dự án “Nuôi em” nhằm kêu gọi các mạnh thường quân nuôi cơm trưa cho học sinh vùng cao với 8.500 đồng/bữa/em. Tuy nhiên, 4 năm đầu dự án rất chật vật, ít người quan tâm. Từ năm 2018, tôi đã thay đổi cách làm theo hướng minh bạch nhất có thể. Mỗi em nhỏ sẽ có 1 người nhận nuôi, người nuôi các em sẽ được cung cấp toàn bộ thông tin về hoàn cảnh các em, hình ảnh, số điện thoại của bố mẹ, già làng, trưởng bản, thầy cô giáo... để kiểm tra, kiểm soát tính minh bạch. Thông tin hình ảnh, clip ăn uống của các em được thầy cô giáo quay, chụp theo tháng và cập nhật lên nhóm của điểm bản cùng người nuôi học sinh đó. Mỗi năm, người nuôi có thể lên thăm hoặc gọi điện để hỏi thăm các em.

Sau đó, có hơn 4.500 người tham gia nuôi hơn 4.500 trẻ em DTTS các tỉnh miền núi, biên giới và đến năm 2019, số các em được nuôi cơm tăng gấp đôi. Đến nay, có gần 31.000 em học sinh được nuôi cơm ở 12 tỉnh miền núi, trị giá hơn 30 tỷ đồng. Mô hình này đã được rất nhiều đội tình nguyện, các tổ chức Đoàn học tập và nhân rộng, vì nó dễ đóng góp, chỉ tốn 150.000 đồng/tháng và người nuôi cơm cảm thấy mình làm được điều có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nên nó được nhân lên một cách nhanh chóng. Tôi thực sự hạnh phúc khi được các thầy cô giáo thông báo, đến nay, tỷ lệ học sinh bỏ học buổi chiều giảm từ 80% xuống còn 5% tại nơi thực hiện mô hình.

- Được biết, nhằm phát huy tối đa hiệu quả thực hiện các chương trình giúp học sinh nghèo DTTS, năm 2020, bạn đã phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam triển khai chương trình “Sức mạnh 2000”. Ban hãy chia sẻ về ý tưởng và kết quả thực hiện chương trình?

- Chương trình “Sức mạnh 2000” với thông điệp “Tiền lẻ mỗi ngày, triệu người chung tay” được thực hiện với hy vọng mỗi người đóng góp ít nhất 2.000 đồng mỗi ngày trong tối thiểu 1 năm để xây dựng các công trình giá trị trẻ em tại các vùng đặc biệt khó khăn. Chương trình đã mở ra góc nhìn mới về đối tượng làm từ thiện “không chỉ người giàu mới làm từ thiện” và giá trị “phi thường” của những tờ 2.000 đồng. Nếu 1 triệu người tham gia đóng góp 2.000 đồng mỗi ngày, một năm, số tiền quyên góp được sẽ là hơn 500 tỷ đồng, mang đến hy vọng xây dựng nhiều ngôi trường, nhiều cây cầu ở vùng đặc biệt khó khăn, giúp học sinh đến trường an toàn và có nhà nội trú ấm áp cho các em trong mùa đông lạnh giá.

Vì những điều ý nghĩa đó, chúng tôi đã phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thực hiện chương trình “Sức mạnh 2000”, với 4 mô hình trọng tâm: “Trường đẹp cho em”, “Nhà nội trú cho em”, “Ngôi nhà Hạnh phúc” và “Cây cầu Hạnh phúc”. Với sự phối hợp nhuần nhuyễn, sau 1 năm thực hiện, chương trình đã gây quỹ được hơn 31 tỷ đồng, xây dựng và đưa vào sử dụng 103 trường học, 3 khu nội trú, 26 “Ngôi nhà Hạnh phúc” cho học sinh mồ côi DTTS ít người và 9 cầu dân sinh. Theo kế hoạch, hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, chúng tôi sẽ khởi công xây dựng 65 “Ngôi nhà Hạnh phúc” cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

- Bạn có thể bật mí với bạn đọc, làm thế nào huy động được các doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ nguồn lực rất lớn để thực hiện các mô hình trên?

- Trong rất nhiều năm qua, chúng tôi đã tập trung vào việc xây dựng các chương trình cốt lõi thật sự hiệu quả, dễ hiểu và minh bạch, tới mức hàng vạn anh chị em trong mô hình “Nuôi em” đều tự nguyện làm lan tỏa dự án và nhờ đó, chương trình “Sức mạnh 2000” được nhiều doanh nghiệp biết tới. Mặt khác, tôi được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vinh danh là một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, hay lọt vào danh sách 30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất Việt Nam năm 2020. Những thành tích đó cũng giúp cho nhiều doanh nghiệp, tổ chức đặt niềm tin vào tôi. Đặc biệt, chúng tôi được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hỗ trợ tích cực về mặt pháp lý, kiểm toán hay khảo sát, vận hành các chương trình.

- Bạn có thể cho biết dự định của mình trong tương lai?

- Tôi luôn mong muốn làm tốt hơn nữa những gì mình đang làm. Sau khi xây hết trường tạm ở những vùng DTTS, miền núi, biên giới tại Việt Nam, tôi sẽ xây thêm nhiều ngôi trường thân thiện với môi trường, được làm từ các chất liệu nhựa tái chế, những vật liệu đặc trưng vùng đồng bào DTTS để bảo tồn văn hóa... Trong những nỗ lực truyền thông giúp trẻ em nghèo DTTS, tôi đã chia sẻ mô hình “Nuôi em” với những người làm trong lĩnh vực tình nguyện trên một số diễn đàn quốc tế và họ cho rằng, mô hình này rất khả thi khi nhân rộng ở các nước trên thế giới. Tôi mong muốn nhân rộng mô hình “Nuôi em” và “Sức mạnh 2000” đến châu Phi, vừa để giúp các em nhỏ ở đây, vừa cho quốc tế thấy rằng, những nỗ lực, sự đoàn kết của người dân Việt Nam nhằm xây dựng một xã hội công bằng, hạnh phúc, để không ai bị bỏ lại phía sau.

- Xin cảm ơn bạn!

Danh Anh (thực hiện)

Bình luận

ZALO