Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 01:52 GMT+7

Sáng tác để tri ân miền núi, hải đảo

Biên phòng - Nhắc đến giới âm nhạc xứ chè Thái Nguyên, nhiều người vẫn nói về nhạc sĩ Vũ Văn Lực (giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc) với sức sáng tác không biết mệt mỏi. Anh là tác giả của nhiều bài hát đã được giới thiệu rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và giành được nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Dễ dàng nhận thấy chủ đề chính trong các sáng tác của anh là miền núi, hải đảo và anh coi đó như là cách để tri ân.

Nhạc sĩ Vũ Văn Lực. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhạc sĩ Vũ Văn Lực quê gốc ở Nam Định, sinh tại Bắc Kạn nhưng đã gắn bó với đất chè Thái Nguyên gần 30 năm nay. Anh từng tốt nghiệp Đại học Lý luận âm nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và tốt nghiệp Thạc sĩ Văn hóa học với đề tài “Then Tày và việc khai thác, phát huy âm nhạc Then Tày trong đời sống ca nhạc hiện nay” tại Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam. Trong sự nghiệp sáng tác, anh đã có hơn 100 tác phẩm âm nhạc, trong đó, nhiều tác phẩm được phát sóng trên Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên cùng một số kênh thuộc Đài Truyền hình Việt Nam như VTV1, VTV2, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, Truyền hình Đài Tiếng nói Việt Nam...

Miệt mài lao động sáng tác, đến nay, anh đã có không ít giải thưởng ở địa phương cũng như Trung ương như: Giải C Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2015 với ca cảnh “Chuyện tình chàng Cốc nàng Công”; Giải B Giải thưởng 5 năm (2009-2005) của Hội Văn học Nghệ thuật Thái Nguyên với ca khúc “Chùa thiêng thác vàng” (lời Hiền Mặc Chất); Giải A Giải thưởng âm nhạc khu vực phía Bắc do Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng cho các ca khúc “Sắc hồn thổ cẩm” (năm 2009), “Hoài vọng âm vang hồ Núi Cốc” (năm 2011), “Cõi phật chùa Hương” (năm 2012), “Thổ Tang tùng vân tự” (năm 2014); Giải B Giải thưởng âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2018...

Là người có nửa thế kỷ gắn bó với Việt Bắc, từ lâu, anh đã coi mảnh đất này như quê hương mình. Anh cảm nhận thiên nhiên, con người nơi đây rất đáng yêu. Văn hóa với nhiều dân tộc anh em có những bản sắc, đặc thù. Tuy nhiên, những nét đặc thù này không phá vỡ tính thống nhất của văn hóa Việt Bắc cũng như văn hóa cả nước. Anh yêu quý, trân trọng nền văn hoá dân tộc Tày - Nùng. Đặc biệt, trong âm nhạc, anh yêu điệu Then cùng cây đàn tính tẩu một cách say đắm. Bởi thế, khi được đào tạo về sáng tác, anh đã rất chú trọng trong việc đưa điệu Then vào trong các tác phẩm của mình.

Theo nhạc sĩ Vũ Văn Lực, các giáo viên dạy hát Then ở môi trường chuyên nghiệp, ngoài việc giảng dạy cho học sinh, sinh viên hiểu biết về Then cổ, Then gốc còn truyền nghề, truyền đam mê cho thế hệ trẻ biết yêu biết trân trọng cái hay, cái đẹp của Then và có ý thức, trách nhiệm bảo tồn, lưu trữ, phát huy cho âm hưởng Then gốc lưu truyền mãi. Còn trách nhiệm của anh và các nhạc sĩ là cố gắng hết mình tìm hiểu sâu hơn nữa về Then cùng giữ gìn và bảo vệ Then gốc, đồng thời, tìm tòi, sáng tạo nghiêm túc có chọn lọc để đưa vào trong các sáng tác của mình.

“Đặc biệt, không được sáng tạo quá đà làm phá vỡ cái hay, cái đẹp, cái hồn của Then, bởi Then là văn hóa tuyệt sắc của núi rừng, của dân tộc Tày. Các nhạc sĩ có thể sáng tạo, thêm bớt, sân khấu hóa nhưng phải làm đẹp, làm hay hơn. Muốn sáng tạo được phải có vốn hiểu biết sâu sắc, kỹ lưỡng và phải làm một cách thận trọng, tỉ mỉ, từng bước từng bước một” - nhạc sĩ Vũ Văn Lực nhấn mạnh.

Có thể thấy, trong các sáng tác của anh, chất Then được khai thác, sử dụng có hiệu quả. Như bài “Cô giáo bản làng em”, anh đã thêm khoảng 2 nhịp (sử dụng âm hưởng và nốt luyến thường gặp trong Then) mà chính vài nhịp đó lại là thành công của tác phẩm: “... Cô thành người dân tộc/ Ăn nói cũng như mình/ Với già làng cô bảo/ Cô vẫn là học sinh/ Ớ ớ cô giáo bản làng em/ Ớ ớ cô giáo bản làng em”.

Hay trong bài hát “Sắc hồn thổ cẩm”, anh đã dùng cái tôi của mình như từ giai điệu ma mị, huyền ảo, có chút đau đáu về bản sắc và lưu truyền, có chút rất yêu, rất say với thổ cẩm. Rồi như bài “Hương trà đất mẹ”, anh sử dụng âm hưởng Then Việt Bắc từ nét giai điệu, âm hình tiết tấu, các quãng nhảy và khi dàn dựng thì dường như cũng sử dụng số lượng đàn tính trên sân khấu nhiều nhất.

Không chỉ hướng ngòi bút về mảnh đất mình đang sinh sống, công tác, nhạc sĩ Vũ Văn Lực còn rất nặng lòng với chủ đề biển, đảo mà cụ thể là Trường Sa và những người lính biển. Từ cơ duyên đọc được bài thơ “Tiếng biển” của người chiến sĩ Hải quân, anh cho ra đời ca khúc “Khúc tình ca lính biển”. Đó là ca khúc thể hiện nỗi lòng của những người lính biển quyết tâm bảo vệ biển, đảo quê hương, nhớ về đất liền yêu thương, khao khát phút thanh bình nơi biển cả. Nhưng phải đến năm 2015, anh mới đặt chân đến Trường Sa và lại đi đến 2 lần trong 1 năm.

Mảnh đất thiêng liêng ngoài khơi xa đã mang đến cho anh những cảm xúc thật đặc biệt, để rồi anh đã cho ra nhiều tác phẩm như: “Mắt thần biển Đông” viết về người lính radar; “Đỏng đảnh Sơn Ca” cảm hứng từ đêm văn nghệ trên đảo Sơn Ca; “Tiếng chuông chùa nơi đảo xa” viết cùng Đại đức Thích Nguyên Thanh, trụ trì chùa đảo Sơn Ca...

Nhạc sĩ Phạm Đình Chiến, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Thái Nguyên nhận xét: “Ở nhạc sĩ Vũ Văn Lực có một tinh thần ham tìm tòi, học hỏi và không ngừng làm mới mình. Những tác phẩm của anh ra đời đều với ca từ dễ hiểu, giàu ý nghĩa, giai điệu mượt mà, tha thiết. Đặc biệt, trong các sáng tác về miền núi Việt Bắc, anh luôn khéo léo sử dụng Then một cách có hiệu quả. Đó là việc làm không dễ và theo tôi đó là cái tài của nhạc sĩ Vũ Văn Lực”.

Theo nghệ nhân Nguyễn Xuân Bách (giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc): “Bản thân tôi nhận thấy ở nhạc sĩ Vũ Văn Lực có niềm đam mê và sự trân trọng rất lớn đối với âm nhạc dân gian Việt Bắc nói chung và âm nhạc Tày, Nùng nói riêng. Từ sự trân trọng ấy, anh đã cho ra đời rất nhiều tác phẩm âm nhạc chất chứa những cảm xúc, những yêu thương dành cho mảnh đất Việt Bắc mà đã gắn bó với mình suốt trong sự nghiệp âm nhạc. Những ca khúc của thầy Lực có âm điệu khi nhẹ nhàng, khi lại rất sôi nổi và vô cùng duyên dáng...”.

Ngô Khiêm

Bình luận

ZALO