Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:01 GMT+7

Sáng suốt trong chỉ đạo, phòng chống dịch Covid-19

Biên phòng - Nhiều hãng thông tấn, báo chí nổi tiếng trên toàn thế giới đã liên tục nhắc tới Việt Nam như một tấm gương về phòng, chống đại dịch toàn cầu Covid-19 và lấy đó làm kinh nghiệm để soi chiếu với những quốc gia có diễn biến dịch bệnh phức tạp.

2ptw_26
27 bệnh nhân nhiễm Covid-19 được chữa khỏi và ra viện ngày 30-3. Ảnh: TTXVN

Nhìn lại từ đầu quá trình chống dịch của Việt Nam, hãng truyền thông quốc tế Deutsche Welle (DW, trụ sở tại Đức) có bài viết: “Việt Nam chiến thắng “cuộc chiến” về coronavirus như thế nào?”. Trong lời tựa đầu bài viết, tác giả bày tỏ sự ghi nhận khi Việt Nam sát gần với tâm dịch Trung Quốc và có hệ thống y tế kém hơn nhiều quốc gia giàu có phương Tây, nhưng Việt Nam đã quản lý rất tốt và giữ được số lượng nhiễm bệnh rất thấp. Trong khi đó, hệ thống y tế của nhiều cường quốc điêu đứng hoặc quá tải, điển hình là Đức hiện đã có hơn 100 nghìn ca nhiễm, gồm gần 2 nghìn ca tử vong, thì Việt Nam mới có hơn 200 ca và chưa có ca tử vong. “Một điều rõ ràng là Việt Nam đã hoàn thành tốt việc chống lại virus SARS-CoV-2”, DW khẳng định.

Lý giải về những yếu tố “then chốt” khống chế đại dịch, DW nhìn nhận, ngay từ cuối tháng 1, giữa lúc đang trong niềm vui đón năm mới, Chính phủ Việt Nam đã phát động “cuộc chiến chống giặc Covid-19”, mặc dù dịch bệnh mới chỉ bùng phát tại nước láng giềng Trung Quốc và mới có 1 trường hợp nhiễm bệnh tại Việt Nam. DW dẫn lại lời của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Không lâu nữa dịch bệnh sẽ đến Việt Nam... Chiến đấu với dịch bệnh này là chiến đấu với kẻ thù”. DW cũng khẳng định rằng, Việt Nam đã nghiêm túc đánh giá “đúng và trúng” mức độ của nguy cơ đe dọa nhân loại để triển khai những giải pháp ngăn chặn dịch bệnh kịp thời và hiệu quả. Điều này khác hẳn so với các quốc gia phát triển có thái độ “tự tin” vào năng lực của mình.

Hãng thông tấn Sputnik (Nga) đánh giá rằng, sau khi Việt Nam vượt mốc 200 ca nhiễm, Chính phủ tiếp tục thực hiện biện pháp giãn cách xã hội toàn quốc. Đây là “hành động cần thiết và đúng thời điểm”. Hãng tin Hespress của Morocco cũng chung đánh giá này và còn cho rằng, Việt Nam rất minh bạch trong thông tin dịch bệnh, thông báo trên mọi nền tảng công nghệ cho người dân và tạo ra sự đoàn kết toàn dân, nâng cao ý thức cảnh giác đối phó với dịch bệnh.

Tạp chí điện tử The Diplomat (có trụ sở tại Nhật Bản và Mỹ) dẫn lại hàng loạt các biện pháp của Việt Nam như: Giãn cách toàn xã hội, dừng các hoạt động dịch vụ không thiết yếu, cấm sự kiện trên 20 người, đóng cửa trường học, tiến hành cách ly tập trung đối với các mức độ nghi nhiễm... Tất cả biện pháp mà Việt Nam đã làm là rất kịp thời, quyết liệt và có hiệu quả rất cao. Trong đó, The Diplomat khẳng định, vai trò lãnh đạo của Nhà nước đã cho thấy sự sáng suốt, đúng đắn, quyết định cho thành công đã đạt được và sẽ tiếp tục đạt được tại Việt Nam.

“Ngọn hải đăng”

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) gọi Việt Nam là “ngọn hải đăng” cho thế giới về phòng, chống dịch trong điều kiện nguồn lực hạn chế. Trang điện tử của WEF đăng tải bài viết với nội dung nói về quá trình phòng, chống dịch của Việt Nam, trong đó cũng nhấn mạnh tới nỗ lực bền bỉ phát triển kinh tế xuyên suốt 20 năm qua. Trong khi Covid-19 đang gây tổn thất nặng nề và đẩy nhiều quốc gia phát triển tới bờ vực suy thoái kinh tế, thì Việt Nam đã và đang kiểm soát tốt dịch, đây là “điểm tựa” quan trọng để giữ vững nền kinh tế, giữ được đà phát triển.
Tuần báo l’Obs của Pháp đánh giá, Việt Nam đang cho cả thế giới thấy sức mạnh đoàn kết trước kẻ thù hiện nay được xác định là dịch bệnh Covid-19. Chính quyền Nhà nước ngăn chặn dịch bệnh một cách rất nhân văn và bài bản, tạo được sự ủng hộ và chung tay rất cao trong nhân dân. Tuần báo của Pháp cũng nhấn mạnh rằng: “Việt Nam là quốc gia đáng ca ngợi hàng đầu trong cuộc chiến chống Covid-19”.

Thời báo Asia Times (trụ sở tại Hongkong, Trung Quốc) có bài viết ca ngợi những hành động hiệu quả của Chính phủ Việt Nam, trong đó nhấn mạnh tới vai trò chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng, tạo nên một cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hiệu quả, toàn diện, nhất là nỗ lực đảm bảo tốt điều kiện sống của người dân trên mọi mặt xã hội trong bối cảnh dịch bệnh. Bài viết của thời báo Asian Times cũng ghi nhận, hầu hết người dân Việt Nam đều tôn trọng và hưởng ứng mọi chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan chức năng.

Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia là quốc gia đứng thứ 3 về chịu tác động của Covid-19 với khoảng 2,5 nghìn ca nhiễm, gồm hơn 200 người tử vong. Ngày 5-4, Chính phủ Indonesia đã bày tỏ rằng, nước này cần học hỏi Việt Nam trong việc kiểm soát dịch Covid-19. Ngay sau đó, truyền thông Indonesia cũng dẫn hàng loạt phân tích về các biện pháp mà Việt Nam đã triển khai và kêu gọi nước này học tập áp dụng. Giới truyền thông Indonesia dẫn lời các chuyên gia khẳng định rằng, Việt Nam tuy nằm trong “vùng nguy hiểm” hàng đầu vì tiếp giáp với tâm dịch Trung Quốc cũng như có nền y tế yếu hơn những quốc gia trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia, nhưng Việt Nam lại làm tốt hơn hẳn khi chưa có ca tử vong và tỷ lệ bình phục hiện rất cao.

Trách nhiệm đi kèm với nỗ lực có hiệu quả cao trong chỉ đạo của hệ thống chính trị Việt Nam đang được cả thế giới công nhận là sáng suốt, nhất là khi tạo ra được niềm tin trong nhân dân, kêu gọi được sự đoàn kết của toàn dân chung tay cùng chống Covid-19, khác biệt so với nhiều quốc gia khác. Cuộc chiến vẫn chưa dừng lại và đang ở giai đoạn quan trọng quyết định cho chiến thắng. Ngay trong lúc này, Việt Nam cần giữ vững niềm tin, đoàn kết để “đánh đuổi” dịch bệnh trong nước nhằm tiếp tục và lan tỏa sức mạnh của mình tới toàn cầu.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO