Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 28/09/2023 04:18 GMT+7

Sáng kiến tạo nguồn nước sạch phục vụ chốt chống dịch Covid-19

Biên phòng - “Ở khu vực biên giới, địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, xa khu dân cư nên việc sinh hoạt, ứng trực hằng ngày của các chiến sĩ Biên phòng ở đây rất gian nan, vất vả. Nhờ hệ thống lọc nước tự chế của Thượng úy Nguyễn Đức Tiến mà cán bộ, chiến sĩ tại chốt công tác đã vượt qua được khó khăn lớn nhất, có nguồn nước sạch để sinh hoạt hằng ngày” - Thượng tá Trần Ngọc Sơn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, BĐBP Thừa Thiên Huế hào hứng khi dẫn chúng tôi lên các điểm chốt phòng chống dịch.

Hệ thống lọc nước do Thượng úy Nguyễn Đức Tiến, Đội trưởng Đội Trinh sát, Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, BĐBP Thừa Thiên Huế sáng chế đã góp phần cung cấp nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho các cán bộ, chiến sĩ tại chốt phòng, chống dịch Covid-19 trên biên giới. Ảnh: Võ Tiến

Chúng tôi men theo con đường mòn độc đạo để đến với chốt chặn số 4, đóng tại thôn A Tin, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đường đi lầy lội khiến chúng tôi vô cùng vất vả, bùn nước bắn cả lên người. Thiếu tá Trần Quốc Toản, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt cho biết: “Con đường này trời nắng thì xe máy có thể đi lại được, nhưng 2 hôm nay, trời mưa to nên con đường ngập nước. Bây giờ, gắng qua đoạn này rồi chúng ta sẽ đi bộ khoảng 500m nữa là đến được chốt”.

Bỏ chiếc xe máy lại ven đường, Thiếu tá Toản ngắt vài cành cây để phủ lên chống nóng cho chiếc xe, cuộc hành trình lại tiếp tục. Những bước chân chậm rãi lần theo những bụi cỏ ven đường. Cái nắng gắt vùng biên chiếu xuống nước, phản chiếu lên cùng với những cơn gió Lào khiến khuôn mặt ai cũng ướt sũng. Miệt mài bước đi, Thiếu tá Trần Quốc Toản hài hước nói: “Nếu nói đó là con đường cũng không hẳn, vì nửa chặng đường còn lại, nước ngập đến đầu gối. Chính vì thế, điều kiện ăn ở, sinh hoạt của anh em ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Nếu như có chiếc ghe nhỏ thì có thể chạy trên con đường này được”.

Những câu chuyện vui về điều kiện sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ trên chốt công tác đã làm cho mọi người quên đi hết mệt mỏi. Qua thêm một khe suối nhỏ, chốt chặn cũng hiện ra trước mắt, mặt ai nấy đều giãn ra. Chúng tôi khá bất ngờ khi gặp Thượng úy Nguyễn Đức Tiến. Anh gây ấn tượng với người đối diện bởi nụ cười hiền lành, dáng người tuy nhỏ bé nhưng tác phong nhanh nhẹn, đúng chất của một người lính Cụ Hồ.

Đón chúng tôi trong chiếc lán dã chiến nằm trên gò đất phẳng dưới chân núi, Thượng úy Nguyễn Đức Tiến giới thiệu: “Đây là nơi ăn ở, sinh hoạt và làm việc của 5 cán bộ, chiến sĩ của tổ công tác. Chốt nằm bên cánh gà trái của cửa khẩu A Đớt – Tà Vàng, cách mốc đại 666 khoảng gần 2km theo đường chim bay. Nhiệm vụ của tổ công tác là kiểm soát chặt chẽ khu vực cánh gà bên trái cửa khẩu, không để các đối tượng xâm nhập biên giới trái phép và đấu tranh với các loại tội phạm lợi dụng dịch bệnh để vi phạm pháp luật”.

Chia sẻ với chúng tôi về điều kiện ăn ở, sinh hoạt hằng ngày tại chốt công tác, Trung úy Nguyễn Ngọc Hải, nhân viên Đội Vũ trang, Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt cho biết: “Ở đây xa khu dân cư, không có điện, không có nước sạch. Chốt nằm cạnh bờ suối, nhưng nguồn nước bị ô nhiễm nặng, không thể dùng sinh hoạt được. Nếu như ngày nắng, đường rút hết nước thì chúng tôi phân công nhau đến nhà dân để xin nước. Mỗi lần mang về cũng chỉ dùng được trong một ngày. Còn những ngày mưa thì không đi lại được, chúng tôi phải hứng nước mưa để dùng. Từ khi có hệ thống lọc nước của đồng chí Tiến, việc sinh hoạt của chúng tôi thuận lợi hơn, nước sạch dùng thoải mái mà không phải lo canh cánh như trước”.

Đưa chúng tôi đi thăm “hệ thống lọc nước” do anh tự chế nằm tại khe suối trước mặt chốt công tác, Thượng úy Tiến vui vẻ cho biết: “Sau khi đi kiểm tra thực tế thì nguồn nước bị nhiễm phèn và sắt nặng, mùi nước rất tanh. Lúc đầu, tôi dùng Clo để khử trùng, nhưng mùi nặng quá nên không sử dụng được. Sau nhiều ngày mày mò nghiên cứu, tôi đã quyết định tận dụng một số vật dụng cũ người dân bỏ đi sau mỗi lần lên nương làm rẫy để làm hệ thống lọc nước”.

Than củi, sỏi, cát là những vật liệu để Thượng úy Nguyễn Đức Tiến thiết kế hệ thống lọc nước. Ảnh: Võ Tiến

Chúng tôi khá ngạc nhiên bởi cũng nguồn nước đấy, sau khi chảy qua 3 chiếc xô, chậu vỡ, kết quả thu được là những giọt nước trong vắt, không còn mùi của phèn và sắt nữa. Đưa tay múc một gáo nước đã qua xử lý, tôi mạnh dạn uống thử, thật bất ngờ là nước có vị ngọt, không kém gì nước sạch mà tôi vẫn thường dùng ở thành phố. Thượng úy Tiến tỉ mỉ giới thiệu từng chi tiết và nguyên lý hoạt động: “Hệ thống lọc này gồm 3 chiếc xô, chậu. Mỗi chiếc như vậy có 3 lớp: Lớp thứ nhất là than củi, lớp thứ hai là đá cuội và lớp thứ ba là cát mịn. Sau khi tôi cho nước suối chảy vào hệ thống lọc, nước chảy ra không còn mùi tanh, hôi nữa”.

Chia tay các chiến sĩ tại chốt công tác để kịp tránh cơn mưa chiều, khoảnh khắc không quên trong chuyến đi là nụ cười của những chiến sĩ Biên phòng. Ở nơi rừng thiêng, nước độc trên tuyến biên giới Việt - Lào, cuộc sống sinh hoạt vẫn còn gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, nhưng họ luôn nỗ lực vượt qua khó khăn. Những người lính mang quân hàm xanh đã trở thành “lá chắn sống”, từng ngày, từng giờ kiểm soát chặt chẽ nơi biên giới, bảo vệ an toàn tuyệt đối sức khỏe và tính mạng của nhân dân.

Võ Tiến

Bình luận

ZALO