Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:26 GMT+7

Sáng đẹp hình ảnh nữ quân nhân Biên phòng

Biên phòng - Phát huy truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam, những năm qua, dù ở cương vị công tác nào, hội viên Hội Phụ nữ BĐBP cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Nhiều mô hình hay, sáng kiến tốt của phụ nữ BĐBP đã trực tiếp góp phần vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và tô thắm thêm hình ảnh phụ nữ Quân đội “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Thiếu tá Nguyễn Thị Ngoạt khám bệnh cho nhân dân trên địa bàn xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Xuân Mạnh

Các nữ quân nhân BĐBP được bố trí công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như: thông tin, cơ yếu, văn thư, bảo mật, tài chính, vật tư, văn hóa, nghệ thuật, thể dục-thể thao, giáo dục, đào tạo, quân y, nuôi quân, kiểm thể, phiên dịch..., trong đó, có nhiều nữ quân nhân thực hiện nhiệm vụ tại các đồn Biên phòng nơi biên giới, hải đảo.

Mặc dù gặp những khó khăn nhất định, song, mỗi nữ quân nhân Biên phòng luôn phát huy được vai trò của mình trong công tác, sát cánh cùng đồng chí, đồng đội hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Dấu chân nơi biên giới

Là nữ quân nhân duy nhất công tác tại Đồn Biên phòng Đàm Thủy, BĐBP Cao Bằng, Thiếu tá Nguyễn Thị Ngoạt luôn tham gia đầy đủ các hoạt động của đơn vị, như: tuần tra bảo vệ biên giới, huấn luyện quân sự, điều lệnh đội ngũ, trực sẵn sàng chiến đấu... hay thậm chí lên các tổ, chốt biên giới để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, chống xuất, nhập cảnh trái phép. Nhiệm vụ nào chị cũng tham gia nhiệt tình, hiệu quả cao, được chỉ huy đơn vị và đồng chí, đồng đội quý mến, nhân dân tin yêu.

Thiếu tá Nguyễn Thị Ngoạt chia sẻ: “Với kiến thức được đào tạo về ngành y, tôi đã làm đơn tình nguyện, xung phong vào công tác tại Trạm quân dân y kết hợp của Đồn Biên phòng Đàm Thủy từ năm 2015 đến nay. Mong muốn lớn nhất của tôi là góp một phần công sức của mình cùng đồng chí, đồng đội khám và chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn”.

Nói về Thiếu tá Nguyễn Thị Ngoạt, Thiếu tá Nguyễn Xuân Mạnh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đàm Thủy cho biết: “Địa bàn đồng chí Ngoạt tình nguyện xung phong vào công tác là Trạm quân dân y kết hợp tại xóm Háng Thoang, xã Đàm Thủy. Đây là xóm giáp biên giới, cách trung tâm xã gần 10km.

Từ đầu năm 2021 đến nay, đồng chí Ngoạt đã phối hợp với Trung tâm y tế xã Đàm Thủy tổ chức khám, chữa bệnh thường xuyên cho 4 Mẹ Việt Nam anh hùng do đơn vị nhận phụng dưỡng; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 937 lượt người dân trong và ngoài địa bàn”.

Cũng như Thiếu tá Nguyễn Thị Ngoạt, Trung tá Lê Thị Vân đã có hơn 4 năm gắn bó với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay, BĐBP Quảng Trị. Đó cũng là quãng thời gian để lại cho chị biết bao kỷ niệm về tình đồng đội, tình quân dân nơi biên giới.

Được biên chế là nhân viên kiểm thể, Trung tá Lê Thị Vân luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát, lưu lượng người, phương tiện xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu giảm, công việc chuyên môn bớt đi vài phần, thế nhưng, Trung tá Vân vẫn luôn tất bật với công việc. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “kép”, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay duy trì 4 chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19.

Những ngày đầu, chốt được dựng trong rừng, kiểm soát người qua lại các đường mòn, lối mở. Chốt là nhà tạm, lều bạt dã chiến. Có những chốt không điện, ở xa đơn vị, phải tự duy trì việc nấu ăn nên cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ gặp không ít khó khăn. Thấu hiểu và chia sẻ với đồng đội, chị chủ động đề xuất chỉ huy đơn vị được đến thăm, động viên bộ đội bằng cách đi chợ giúp các chốt và nhiều khi còn ở lại giúp cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị các bữa cơm.

Hình ảnh Trung tá Lê Thị Vân trong trang phục dã chiến tại các chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 trên biên giới những ngày đông rét mướt hay những ngày nắng đổ, mưa rào khiến nhiều người hiểu hơn về những vất vả, khó khăn của người lính nơi tuyến đầu chống dịch.

Trách nhiệm, nhiệt tình, sáng tạo, những “bóng hồng” mang quân hàm xanh đã tô đẹp thêm phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam và truyền thống “giỏi việc nước, đảm việc nhà” của phụ nữ Quân đội; đồng thời, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “kép”, vừa quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả.

Những mô hình hay, sáng kiến tốt

Nhiều năm nay, mô hình “Tiếp lửa yêu thương” của Hội Phụ nữ cơ sở BĐBP Hà Tĩnh góp phần hỗ trợ các em nhỏ là con đồng đội hy sinh trong khi làm nhiệm vụ hoặc mắc bệnh hiểm nghèo đến trường. Gần 15 năm trước, Trung úy Nguyễn Xuân Long, công tác tại Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động, BĐBP Hà Tĩnh hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, để lại cháu Hà Vy tròn 4 tháng tuổi. Thực hiện mô trình “Tiếp lửa yêu thương”, cháu Hà Vy đã nhận được hỗ trợ với mức 500.000 đồng/tháng.

Đó là nguồn động viên để cháu nỗ lực, cố gắng vươn lên và trở thành học sinh giỏi nhiều năm liên tục. Từ năm 2015 đến nay, Hội Phụ nữ cơ sở BĐBP Hà Tĩnh đã đỡ đầu và hỗ trợ cho 17 cháu học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn (là con quân nhân BĐBP đã từ trần trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh), mỗi cháu 500.000 đồng/tháng, được trích từ quỹ hội, tiền tiết kiệm của cán bộ trong đơn vị. Việc làm này đã được cấp ủy, chỉ huy đơn vị cùng nhân dân địa phương ghi nhận và đánh giá cao. Mô hình “Tiếp lửa yêu thương” của Hội Phụ nữ cơ sở BĐBP Hà Tĩnh chỉ là một trong số hàng chục mô hình hoạt động hiệu quả của phụ nữ BĐBP nói chung.

Trung tá Lê Thị Vân giúp cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị bữa cơm tại Chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 số 85, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay, BĐBP Quảng Trị. Ảnh: Trúc Hà

Trung tá Đoàn Ngọc Báu, Trưởng phòng Công tác quần chúng, Cục Chính trị BĐBP cho biết: “Hiện nay, Hội Phụ nữ BĐBP có 68 Hội Phụ nữ cơ sở với 1.165 hội viên tham gia. Các Hội Phụ nữ cơ sở đã xây dựng và tổ chức nhiều mô hình hay, sáng tạo, thiết thực, gắn với nhiệm vụ chính trị, phù hợp với tình hình địa phương nơi đóng quân, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên tham gia.

Tiêu biểu như mô hình “Chung tay vì người nghèo nơi biên giới” của Hội Phụ nữ cơ sở BĐBP Quảng Ninh; “Chăn nuôi bò giống hỗ trợ phụ nữ người dân tộc thiểu số” của Hội Phụ nữ cơ sở BĐBP Kon Tum; “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh” của Hội Phụ nữ cơ sở BĐBP Đắk Lắk; “Vì trẻ em nghèo nơi biên giới”, “Trung thu cho em” của Hội Phụ nữ cơ sở Cục Chính trị...

Kết quả triển khai thực hiện các mô hình trên đã được cấp ủy, chính quyền và nhân dân khu vực biên giới ghi nhận, đánh giá cao, góp phần cùng với địa phương thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí, tăng cường tình đoàn kết quân dân; góp phần xây dựng biên giới ngày càng phát triển.

Trần Đức - Trúc Hà

Bình luận

ZALO