Biên phòng - Nằm trên tuyến giao cắt của hệ thống giao thông đường thủy trên biển vùng Đông Bắc, bên cạnh thuận lợi, vùng biển Cát Bà, thành phố Hải Phòng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn hàng hải. Nhưng bằng sự chủ động, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp cụ thể và sát thực tiễn, Đồn Biên phòng Cát Bà, BĐBP Hải Phòng đã ứng phó hiệu quả với sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, góp phần làm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản đến mức thấp nhất.

Chủ động công tác phòng ngừa
Thực tế cho thấy, mật độ giao thông lớn đem đến sự nhộn nhịp, luồng sinh khí cho huyện đảo tiền tiêu của thành phố Hải Phòng, nhưng vùng biển Cát Bà cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn hàng hải, nhất là vào mùa cao điểm du lịch, với lượng tàu thuyền vận tải khách, tàu thuyền du lịch hoạt động thường xuyên và những ngày cuối năm thời tiết xấu, diễn biến phức tạp. Trước tình hình trên, những năm qua, Đồn Biên phòng Cát Bà luôn xác định công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển là nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Với phương châm “Tính mạng, tài sản của nhân dân là trên hết”, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Đồn Biên phòng Cát Bà đã khắc phục khó khăn, mưu trí, dũng cảm và có nhiều giải pháp sát với thực tiễn, đem lại hiệu quả cao nhất khi cứu được tính mạng, tài sản của nhân dân, nhưng vẫn đảm bảo an toàn lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn. Chỉ tính từ năm 2021 đến tháng 10/2022, Đồn Biên phòng Cát Bà đã điều động 31 lượt phương tiện với 119 CBCS tham gia cứu hộ, cứu nạn 17 vụ, cứu nạn thành công 63 người, 3 phương tiện, trục vớt 1 phương tiện.
Theo Trung tá Nguyễn Thế Cừ, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cát Bà, để có được kết quả như trên, đơn vị đã làm tốt công tác giáo dục tư tưởng cho CBCS có nhận thức đúng đắn về nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Đội ngũ CBCS phụ trách công tác tìm kiếm cứu nạn thường xuyên được huấn luyện, đào tạo bài bản, đảm bảo tiếp nhận thông tin từ ngư dân và hỗ trợ ứng cứu kịp thời, hạn chế những tổn thất của ngư dân.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; vận động ngư dân tham gia các Tổ tàu thuyền đoàn kết sản xuất trên biển để kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ nhau khi gặp rủi ro, thiên tai trên biển. Các trạm kiểm soát Biên phòng thị trấn Cát Bà, Trân Châu tăng cường kiểm tra, kiên quyết không cho ra khơi những phương tiện thiếu các giấy tờ cần thiết như: Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, Giấy khai thác thủy sản; không trang bị đầy đủ các trang thiết bị thông tin liên lạc, cứu sinh theo quy định để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá khi ra khơi.
Triển khai nhanh chóng, kịp thời
Theo Trung tá Nguyễn Thế Cừ, vào những tháng hè là mùa cao điểm du lịch, công tác cứu hộ, cứu nạn thuận lợi hơn, chủ yếu yêu cầu việc cơ động nhanh, phương tiện đảm bảo. Dịp cuối năm, việc cứu nạn trên biển thường diễn ra vào những thời điểm bão gió, giông lốc hoặc sóng to đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn. Công việc cứu nạn vất vả và nhiều nguy hiểm, nhưng nghĩ đến tính mạng của nạn nhân, CBCS quyết tâm, nhanh chóng lên đường.

Nhiều vụ việc, quá trình tìm kiếm cứu nạn trong điều kiện do trời tối, thời tiết xấu, phải mất hàng giờ tìm kiếm mới tìm thấy nạn nhân. Bởi vậy, mỗi lần cứu nạn thành công, các anh vô cùng vui mừng, nhưng cũng có vụ việc cứu nạn khiến các anh day dứt vì tin báo muộn, không thể cứu hết được các ngư dân bị nạn. Công tác cứu hộ, cứu nạn của Đồn Biên phòng Cát Bà cũng luôn nhận được sự ủng hộ, đồng hành của các ngư dân khác.
Anh Đinh Như Tuấn (sinh năm 1990, thường trú tại xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) - chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá HP 90525 TS, là một trong những chủ tàu tích cực tham gia cứu hộ, cứu nạn cho biết: “Là người làm ăn trên biển, đã có những lần đối mặt với lằn ranh sống-chết, nên tôi hiểu được giá trị của việc cứu hộ, cứu nạn kịp thời. Tôi nhiều lần chứng kiến các anh Biên phòng đã không quản hiểm nguy để cứu tính mạng, tài sản cho ngư dân nên rất nể phục, thấy mình cần phải có trách nhiệm chung tay, giúp sức. Bởi vậy, mỗi khi đang ở gần khu vực xảy ra tai nạn hay ở trong bờ, các anh Biên phòng cần phương tiện, tôi luôn sẵn sàng tham gia hỗ trợ”.
Về công tác tại đơn vị được hơn 3 năm, nhưng Trung tá Nguyễn Thế Cừ không nhớ được mình đã bao nhiêu lần trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cứu nạn trên biển. Mới đây nhất, vào lúc 4 giờ, ngày 18/9, Đồn Biên phòng Cát Bà nhận được tin báo tàu vận tải NB-8133 do thuyền trưởng Lê Quang Hợp (sinh năm 1978, trú tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) điều khiển và 2 thuyền viên Phạm Văn Giang (sinh năm 1963), Trần Văn Bảo (sinh năm 2004), cùng trú tại huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình trên hành trình từ vùng biển Quảng Ninh về Thái Bình, khi đến khu vực cách đảo Cát Bà khoảng 3 hải lý về hướng Đông Nam thì đâm phải cồn đá. Cú tông va làm mũi tàu bị thủng, nước tràn vào, các thuyền viên khắc phục nhưng nguy cơ bị chìm rất cao.
Đồn Biên phòng Cát Bà đã điều động 1 tàu, 2 xuồng và 7 CBCS nhanh chóng cơ động ra hiện trường. Khi tàu của đơn vị ra tới khu vực bị nạn thì tàu NB-8133 đã bị lật úp, 2 thuyền viên Lê Quang Hợp và Phạm Văn Giang đang trôi dạt trong tình trạng kiệt sức. Đội cứu nạn khẩn trương triển khai cứu vớt 2 thuyền viên, chăm sóc y tế, đồng thời bố trí thợ lặn vào trong tàu, đóng các van dầu máy đề phòng sự cố tràn dầu và tiếp tục tìm kiếm thuyền viên còn lại. Có thể thấy, với tinh thần trách nhiệm và sự chuyên nghiệp khi làm nhiệm vụ, những người lính Biên phòng đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn, giúp chủ phương tiện giảm thiệt hại đến mức thấp nhất.
Nguyễn Hòa Bình