Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:15 GMT+7

“Săn” lộc biển giữa đảo xa

Biên phòng - Được mệnh danh là “vàng ròng” của vùng biển Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, sá sùng không chỉ nổi tiếng bởi độ “hiếm có khó tìm”, mà còn được xếp vào loại bậc nhất về giá trị dinh dưỡng cao, từng là đặc sản tiến vua. Để hiểu hơn về loại đặc sản này, chúng tôi đã tìm đến vùng biển Quan Lạn - nơi người dân địa phương lâu nay vẫn khai thác sá sùng như một thứ lộc mà biển khơi đã ban tặng cho người dân xã đảo.

ak2l_10a
Những người phụ nữ “săn” sá sùng trên bãi triều cạn. Ảnh: Thanh Thuận

Có dịp ra đảo Quan Lạn tham quan, chúng tôi được nghe nhiều về con sá sùng cũng như thưởng thức món ngon từ loài đặc sản này. Người dân ở đảo Quan Lạn vẫn truyền tai nhau về cái thời “chết đói” năm 1945, chính nhờ sá sùng nấu với rau rừng đã giúp người dân đảo thoát khỏi nạn đói. Ngày nay, sá sùng trở thành đặc sản được nhiều người ưa chuộng. Nghề “săn” sá sùng (hay còn được người dân nơi đây gọi là “săn mồi”) cũng vì thế mà trở thành nghề chính của người dân trên đảo, đặc biệt là với phụ nữ.

5 giờ sáng, khi tiếng chuông đồng hồ báo thức reo vang, chúng tôi liền bật dậy, ra bãi biển xem người dân địa phương đào sá sùng. Cả xã đảo Quan Lạn có khoảng 6 bãi có thể đào sá sùng, nhưng tập trung đông người đào nhất tại 3 bãi là bãi Trước, bãi Sau và bãi Đông. Chúng tôi chọn bãi Trước để đến. Đứng trên đường, phóng tầm mắt nhìn ra phía xa bãi, chúng tôi đã thấy có nhiều người phụ nữ đang đào sá sùng, nhưng không thấy bóng dáng đàn ông. Có lẽ, từ ngày xưa, công việc này đã được mặc định là của phụ nữ, bởi đàn ông “sức dài vai rộng” đã chọn cho mình nghề đi biển, căng mình trước sóng gió đại dương.

Xã Quan Lạn có 3.800 hộ dân thì trên 100 hộ theo nghề khai thác sá sùng. Không biết từ khi nào, “săn” sá sùng đã trở thành nghề truyền thống của cư dân trên đảo. Trong cuốn sách về khảo cứu “Dặm dài Quan Lạn” (Nhà xuất bản Văn học, 2016) có nhắc đến nghề khai thác sá sùng ở thương cảng Vân Đồn xưa (Quan Lạn ngày nay) như một lịch sử nghề đã đi vào văn hóa lâu đời của xã đảo. Hiện nay, nghề khai thác sá sùng đã đem lại lợi nhuận hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho người dân xã đảo Quan Lạn.

Sá sùng còn được người dân địa phương gọi bằng những tên như trùn biển, sâu biển, giun biển, sâm đất, đồn đột, bi bi, con cạp đất... Cát càng sạch thì sá sùng càng ngon, màu sáng, bán được giá cao. Đó là lý do vì sao suốt một dọc ven biển tỉnh Quảng Ninh, từ huyện Quảng Yên đến Móng Cái đều có sá sùng, nhưng sá sùng ngon nhất vẫn là ở đảo Quan Lạn, nơi đất cát sạch. Sống trong cát trắng, môi trường nước trong sạch nên sá sùng như cái túi lọc cát, một đầu nuốt cát, đầu kia lọc thức ăn và thải cát ra. Sá sùng thân hình ống, trơn nhẵn, mình sáng, màu đỏ hồng, kích thước từ 5 đến 10cm, to bằng ngón tay, có những đường vân nhỏ li ti, có thể thấy cả cát ở bên trong. Với người dân biển, sá sùng là thứ không thể thiếu trong nồi nước dùng phở. Đó chính là bí quyết khiến nước dùng phở ngon và lạ miệng đến vậy.

Để ra được chỗ những người dân địa phương đang “săn mồi”, chúng tôi phải lội bùn ngập chân ở những bãi sú. “Người đi “săn mồi” được trang bị ủng loại cứng, nếu không vỏ ốc, vỏ sò xiên qua làm rách chân, chảy máu như chơi” - Chị Phạm Thị Dung (thôn Đông Nam, xã Quan Lạn) đã nhắc tôi như vậy trước lúc lên đường. Đi được vài trăm mét thì một không khí đông vui hiện ra trước mắt tôi. Trên bãi triều, nhiều người phụ nữ bịt kín từ đầu đến chân, chỉ hở ra hai con mắt để nhìn, vác cái mai dài và sắc, tay xách cái rổ nhựa, chân đeo ủng, đi dọc bãi cát dài rộng trong nhiều giờ. Chốc chốc, họ lại phóng chiếc mai xuống, nhanh nhẹn hất mai lên rồi cũng nhanh tay lôi con sá sùng ra khỏi cát. Con sá sùng đỏ hỏn, ngoe nguẩy dù có nhanh đến mấy cũng bị bắt sống ngay trong hang cát.

Tôi đi theo chị Dung trên bãi triều, tận mắt quan sát kỹ từng động tác của chị khi “săn mồi”. Vừa trò chuyện với tôi, thoắt một cái chị Dung đã xiên nhanh chiếc mai xuống, lật cát thật nhanh. Có lẽ, đào lâu thành quen, chỉ cần nhìn xuống bãi cát là chị Dung biết ngay đâu là chỗ có “mồi”. Trong lớp cát, một con sá sùng đỏ hồng ngọ nguậy. Chị thò tay nhặt nhanh con sá sùng cho vào giỏ. Chị cho biết, “săn” sá sùng đòi hỏi phải nhanh mắt và nhanh tay, vì chỉ chậm một giây thôi là chúng sẽ lặn mất tăm trong cát.

Chị Dung còn cho biết, nghề “săn mồi” tính theo con nước. Nước lên thì ở nhà, nước rút là lục tục kéo nhau ra bãi. Vào những khi nước rút ban đêm, cả bãi biển loang loáng những ánh đèn. Đồ nghề của người đào sá sùng lúc đó có thêm dụng cụ là cái đèn pin buộc trên đầu. “Đi “săn mồi” là một công việc gian khổ. Ban đêm, sá sùng ngoi lên tìm kiếm thức ăn xung quanh miệng hang, cũng phải vác mai, soi đèn đi đào. Khi nước biển rút xuống, sá sùng thụt xuống cát ẩn mình, để lại vết ngoằn ngoèo trên cát. Muốn “săn” được “mồi” phải đi từ tờ mờ sáng, lúc dấu vết chưa bị xóa và sá sùng chưa rút sâu xuống cát. Ban ngày thì nắng rát mặt, có hôm phải 12 giờ trưa mới có bãi để làm. Đào cả ngày may ra mới được 1kg. Hôm nào thời tiết thuận lợi, may mắn lắm tôi mới “săn” được khoảng 2kg. Suốt ngày đi bộ nhiều, tối về nhà mệt chẳng muốn ăn uống nữa” - Chị Dung ngậm ngùi.

31v0_10b
Sá sùng hiện nay được coi là đặc sản đắt đỏ, được nhiều người ưa thích. Ảnh: Thanh Thuận

Thấy một nhóm gồm 5 người phụ nữ đi tới, tôi bắt chuyện ngay với chị có dáng người đậm, cao hơn các chị trong nhóm. Chị tên là Lành (thôn Thái Hòa, xã Quan Lạn). Chị Lành cho biết, nhà chị có 4 chị em gái đều làm nghề “săn mồi” từ khi hơn 10 tuổi. Đến nay, các chị dù đã lớn tuổi nhưng vẫn chỉ có nghề chính là đào sá sùng. Cuộc mưu sinh của chị em làng biển Quan Lạn cứ như thể đã được lập trình sẵn, hết ngày nọ tới ngày kia, tất tả, lặn lội ngược xuôi với nghề “săn mồi”. Những vui buồn của chị em cũng xoay quanh số lượng “mồi” thu được sau mỗi lần vác mai đi “săn”.

Lẫn trong đám các chị đi “săn mồi” là một số người thu mua sá sùng. Họ cũng kiêm luôn cả việc “săn mồi”. Cứ thấy người nào đào được nhiều là họ thu mua luôn tại chỗ với giá rất cao, từ 200 đến 250 nghìn đồng/kg. Chị Hoài, 41 tuổi, đầu mối thu mua sá sùng ở Quan Lạn đã 10 năm nay cho biết, từ 8 đến 9kg sá sùng tươi qua chọn lọc, sơ chế, sấy trên bếp than mới thu được 1kg khô. Giá 1kg sá sùng khô lên đến 3,5 - 4 triệu đồng. Đó là lý do vì sao người ta nói sá sùng khô Quan Lạn là "vàng ròng" của xã đảo.

Những phận "thân cò" ở nơi này là vậy. Càng trải qua gian truân, vất vả, họ lại càng biết chắt chiu, trân trọng những giá trị mà biển mang lại. Dẫu những đồng tiền mà họ phải nương theo con nước, nương theo thời tiết để mưu sinh... thấm đẫm biết bao mồ hôi, nước mắt và cả những đớn đau thể xác, nhưng với những người phụ nữ này, biển chính là hơi thở, cuộc sống của gia đình họ.

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO