Biên phòng - Cách đây 5 năm (ngày 1-10-2014), Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo quốc gia “Định hướng phát triển và cơ chế, chính sách đặc thù cho huyện đảo Lý Sơn”. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương (nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ) đã kết luận và đề cập, việc giúp cho Lý Sơn phát triển chính là bảo vệ sự nguyên trạng, chú trọng vào môi trường sinh thái. Nhưng hiện nay, một dự án san lấp hơn 54ha san hô đang rục rịch xin cấp phép đang gây nhiều tranh cãi và làm xôn xao dư luận.
Dự án The Sea Eyes, do Công ty cổ phần phát triển Lý Sơn đang đề xuất sẽ lấn rộng ra biển và san lấp toàn bộ bãi san hô phía Nam của đảo, diện tích 54,65ha, tổng mức đầu tư 1.713 tỷ đồng, thời gian thực hiện là từ năm 2019 – 2022. Người dân Lý Sơn xôn xao vì trên trang thông tin doanh nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi, Công ty cổ phần phát triển Lý Sơn được cấp phép hoạt động vào ngày 5-12-2018, nhưng đã tính đảo lộn sinh thái của đảo, trong khi chưa chứng minh được năng lực, đồng thời, người dân cũng không ủng hộ dự án này.
Tiếp đến, vào ngày 13-1, người dân đã phát hiện công ty tự ý khoan thăm dò rạn san hô. Công nhân công ty này cho biết, họ là người của Công ty Hợp Nghĩa, là công ty mẹ của Công ty cổ phần phát triển Lý Sơn. Khu vực mà công ty này đề xuất san lấp là vùng san hô tạo ra cảnh quan rất thơ mộng và hoang sơ cho đảo Lý Sơn.
Rạn san hô như kho báu của đảo. Chuyện nghiêm cấm san lấp san hô đảo Lý Sơn đã được đề cập cách đây 5 năm, ngay tại Hội thảo quốc gia “Định hướng phát triển và cơ chế, chính sách đặc thù cho huyện đảo Lý Sơn”. Hội thảo quy tụ rất nhiều nhà khoa học, như Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi; Giáo sư, Tiến sĩ Lê Vinh Danh; Tiến sĩ Nguyễn Quang, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thanh Ca...
Tuy nhiên, các nhà khoa học đã đưa ra tầm nhìn theo hướng giữ ổn định cho đảo Lý Sơn. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi cho biết, mô hình thế giới lựa chọn hiện nay là kinh tế đảo, tức lấy môi trường sinh thái làm trọng tâm, vừa góp phần giữ sinh thái biển, đồng thời vừa tạo nguồn sinh kế cho cư dân địa phương. Một số ý kiến khác đề nghị không biến đảo Lý Sơn thành đô thị biển, mà phát triển theo hướng hoang sơ như Thái Lan. Vì nhiều đảo bên Thái Lan thu hút khách du lịch bằng cách không thiết kế nặng về bê tông hóa mà tạo khung cảnh gần gũi với thiên nhiên, hạn chế bê tông hóa.
Trong Hội thảo cũng có một ý kiến đề nghị mở rộng đảo bằng cách san lấp đất cát lên dải san hô. Ý kiến này đã bị đa số các nhà khoa học phản đối. Các giáo sư, tiến sĩ cho rằng, họ không bảo thủ về việc phát triển Lý Sơn, nhưng rạn san hô là chân đảo, tuyệt đối không được san lấp mở rộng mặt bằng, đẩy đảo ra sát mép vực, vì lâu ngày sóng biển sẽ đánh sập chân đảo. Theo lý giải của các nhà khoa học, chân đảo như vị thần hộ mệnh, phần lớn các đảo xa bờ đều có rạn san hô rất rộng, có những đảo có chân đảo rộng gấp 10 lần diện tích đảo. Khi sóng lớn đi qua khu vực trên sẽ bị suy yếu, nên không tác động trực tiếp lên phần nổi của đảo.
Hiện nay, rạn san hô rộng lớn ở phía Nam của đảo Lý Sơn đã tạo thêm nhiều sinh vật, cá, tôm, rong biển, trở thành nguồn sinh kế cho ngư dân địa phương, là nơi neo đậu tàu thuyền, sân chơi, diễn ra các lễ hội đua thuyền, hoạt động văn hóa tâm linh. Đảo Lý Sơn đang được các nhà khoa học hoàn thành hồ sơ trình lên UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu... Ở quần đảo Hoàng Sa hiện nay, đảo Cây, đảo Quang Hòa, đảo Đá Hải Sâm, đảo Duy Mộng đều có chân đảo rộng vài km, riêng đảo Phú Lâm có phần chân đảo nối liền dài gần 10km.
Đảo Lý Sơn được ví như hòn ngọc xanh giữa biển, là nơi có nguồn sinh thái cực kỳ quý giá. Trong một lần gặp mặt đồng hương Quảng Ngãi tại Hà Nội vào ngày 24-2, có sự tham gia của đồng chí Trần Văn Minh, Phó Tổng thanh tra Chính phủ, đồng chí Lê Viết Chữ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi khẳng định: “Chúng tôi luôn cân nhắc kỹ, không phát triển quá nhanh, quá nóng các dự án ở đảo Lý Sơn”.
Đồng chí Lê Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã An Vĩnh trả lời báo chí và cho biết, doanh nghiệp 2 lần tham vấn lấy ý kiến người dân thì bà con đều không đồng tình. Vừa qua, người dân Lý Sơn tổ chức lễ hội đua thuyền đầu năm tại khu vực này. Qua hoạt động lễ hội, người dân càng thấy được giá trị của việc bảo vệ rạn san hô để giữ chân đảo và tổ chức các hoạt động tâm linh.
Ngày 11-1-2019, huyện Lý Sơn tổ chức họp dân với hàng trăm người tham gia. Trong tổng số 21 ý kiến đóng góp của người dân, có đến 18 ý kiến không đồng thuận về dự án. Đại đa số người dân đề nghị chính quyền xem xét, đánh giá cẩn trọng, đảm bảo việc phát triển đi đôi với bảo tồn giá trị văn hóa của huyện đảo. Ông Phạm Thoại Truyền, một người dân trên đảo đã ký đơn gửi các cấp và có ý kiến về việc Công ty Hợp Nghĩa tại sao chưa được cấp phép mà đã ra khoan thăm dò trước khu vực đình miếu linh thiêng?
Lê Văn Chương