Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:28 GMT+7

Sân khấu mong ngày “sáng đèn”

Biên phòng - Hiện nay, thành phố (TP) Hồ Chí Minh đang trải qua những ngày bình thường mới sau 4 tháng thực hiện giãn cách xã hội, đây cũng là lúc các nghệ sĩ tại các sân khấu, nhà hát trên địa bàn tất bật chuẩn bị tập luyện cho các vở diễn mới. Tất cả nghệ sĩ đều mong sớm gặp lại khán giả trực tiếp sau nhiều tháng dài nghỉ diễn vì dịch bệnh.

Các nghệ sĩ sân khấu tại TP Hồ Chí Minh đang mong được đón khán giả trở lại trong giai đoạn bình thường mới. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Nghệ sĩ mong gặp khán giả

Những ngày này, các nhà hát công lập tại TP Hồ Chí Minh đang “rục rịch” khởi động cho ngày trở lại. Các đoàn nghệ sĩ cũng tranh thủ tập các vở diễn mới để chờ ngày được mở cửa.

Chẳng hạn như các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đang khẩn trương tái dựng vở “Đứa con họ Triệu” của đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Lê Trung Thảo. Ngoài ra, Đoàn 1 của Nhà hát đang tất bật dàn dựng vở cải lương được chuyển thể từ vở kịch “Ngược gió” (tác giả: Tiết Duy Hòa, chuyển thể: Hoàng Song Việt, đạo diễn: Nghệ sĩ Nhân dân Trần Ngọc Giàu) từng được khen ngợi ở sân khấu Thế giới trẻ. Vở diễn “Ngược gió” là câu chuyện thấm đẫm tình đất tình người miền Tây sông nước, dự kiến ra mắt công chúng vào tháng 12 tới. Đoàn 2 của Nhà hát cũng triển khai tập vở cải lương mới có tên “Khát vọng ngày mai” (tác giả: Trần Văn Hưng, chuyển thể: Phạm Văn Đằng, đạo diễn: Nghệ sĩ Nhân dân Trần Ngọc Giàu, Phan Quốc Kiệt) nói về công trình Metro của TP Hồ Chí Minh, dự kiến hoàn thành tháng 12 năm nay.

Trong khi đó, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam đã nhanh chóng đưa lên sàn tập vở rối cạn “Lòng mẹ” (tác giả: Trần Kim Khôi - Quốc Bảo, đạo diễn: Đặng Trí Đức). Ngoài tác phẩm “Lòng mẹ”, nhà hát còn triển khai thực hiện vở rối nước “Anh hùng Nguyễn Trung Trực” (kịch bản: Mai Thắm, chuyển thể: Thu Thủy, đạo diễn: Ngọc Hài - Thu Thủy, cố vấn nghệ thuật: Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Trung Kiên), dự kiến phúc khảo đầu tháng 12-2021.

Ông Lê Diễn, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam cho biết, trong suốt 4 tháng nghỉ dịch các nghệ sĩ, ai cũng nhớ nghề, vì vậy, ngay khi TP Hồ Chí Minh hết giãn cách, các nghệ sĩ đã bắt tay vào tập luyện các vở diễn để chuẩn bị ra mắt khán giả. Tất cả các vở diễn đều nằm trong kế hoạch năm nên được các nghệ sĩ rất háo hứng tập luyện và tranh thủ hoàn thành. Hiện nay, các nghệ sĩ đều mong chờ tới ngày được chính thức công diễn và gặp gỡ khán giả trực tiếp như khi chưa có dịch bệnh.

Ông Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cho biết, dịch bệnh xuất hiện đã làm đóng băng các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, mọi chương trình đều phải tạm ngưng lại. Tuy nhiên, đại dịch cũng là nguồn cảm hứng để các nghệ sĩ xây dựng những tác phẩm nghệ thuật xứng tầm với sự gian khổ hy sinh của lực lượng tuyến đầu; ngợi ca tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc; lan tỏa thành quả nỗ lực chống dịch của Việt Nam.

Tìm cách thích ứng với tình hình mới

Theo các nghệ sĩ, mặc dù nghỉ dịch hơn 4 tháng nhưng các nghệ sĩ vẫn luôn trau dồi kỹ năng diễn xuất và chuẩn bị những kịch bản hay để thu hút khán giả khi được mở cửa hoạt động trở lại.

Nghệ sĩ Ưu tú Thành Lộc cho biết, đối với các nghệ sĩ làm nghề tử tế dù dịch bệnh diễn ra họ vẫn phải tiếp tục cống hiến và dấn thân trong mọi hoàn cảnh. Khi dịch bệnh còn phức tạp thì các nghệ sĩ chọn cách tập luyện ở nhà, tập luyện trao dồi kiến thức trực tuyến với nhau để vơi bớt cảm giác nhớ nghề. Còn hiện nay, khi trở lại cuộc sống bình thường mới, các nghệ sĩ lại chọn các kịch bản hay hấp dẫn để thu hút công chúng.

Do đó, 3 mũi nhọn cần tập trung tại thời điểm hiện nay để giữ chân khán giả đến các nhà hát vẫn cần tập trung ở 3 khâu như: Kịch bản, công tác đạo diễn và cách tiếp cận khán giả. Tương tự, ông Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cho biết, trong dịch bệnh, các nghệ sĩ không thể thực hiện các suất diễn phục vụ công chúng trực tiếp, nhưng nhà hát vẫn thực hiện ghi hình các tiết mục ca cổ, trích đoạn, ca cảnh cải lương để phát trên kênh YouTube của nhà hát phục vụ khán giả trên mạng xã hội. Điều đáng lo đối với các nghệ sĩ tại nhà hát cải lương công lập tại TP Hồ Chí Minh vẫn là khâu bán vé.

Những vở kịch hay sẽ thu hút nhiều khán giả đến rạp nhiều hơn sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh. Ảnh: Nguyễn Hoàng

“Khi cuộc chiến chống Covid-19 được xác định còn kéo dài, các loại hình biểu diễn nghệ thuật cũng phải tìm cách thích ứng an toàn với đại dịch. Theo đó, các nghệ sĩ thông qua các trang mạng xã hội có thể giới thiệu về các tác phẩm chuẩn bị được biểu diễn thay cho hình thức bán vé trực tiếp như hiện nay. Bởi hiện nay, hình thức bán vé trực tiếp cũng là điều đáng lo đối với các nhà hát khi mở cửa trở lại vì nó không thể kéo khán giả đến với sân khấu như trước. Để thu hút khán giả, nhà hát đã và đang thay đổi cách tiếp cận khán giả thông qua các trang mạng xã hội, nền tảng công nghệ trực tuyến...” - ông Phan Quốc Kiệt nói.

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Minh Ngọc, người từng có hơn 40 năm kinh nghiệm giảng dạy tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh cho biết, các nhà hát đã có nhiều cách thu hút khán giả trong mùa dịch bằng cách dựng các vở diễn, kịch theo hình thức trực tuyến.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế vì khán giả của bộ môn nghệ thuật này chưa quen với việc xem các tiết mục qua màn ảnh trực tuyến từ điện thoại, ti vi... Vì vậy, để thu hút khán giả sau đợt giãn cách, các sân khấu cần đẩy mạnh việc quảng bá đa dạng trên mạng xã hội như: Giới thiệu những lớp diễn ấn tượng nhất, tích điểm thưởng theo kiểu nghe giọng hát, đoán tên nghệ sĩ; tìm hiểu về tác giả vang bóng, nghệ sĩ tên tuổi... để kích thích người xem đến rạp khi rạp mở cửa trở lại.

Trong khi đó, Nghệ sĩ Ưu tú Ca Lê Hồng cho biết, sau khi cuộc sống trở lại bình thường mới, người dân sẽ có nhu cầu trở lại với các sân khấu nghệ thuật nhiều hơn. Tuy nhiên, muốn thu hút khán giả, chính các sân khấu cần thay đổi, chú trọng vào khâu chọn và dàn dựng những vở diễn hay, hấp dẫn. Các vở diễn khi dần dựng phải thực hiện theo hình thức mới mẻ, cập nhật được hiệu ứng của công nghệ 4.0... Đặc biệt, trong vở diễn nghệ sĩ phải thể hiện được tính hiện đại, tính phản biện của cuộc sống qua tác phẩm và truyền tải được các đặc trưng của từng của bộ môn nghệ thuật truyền thống.

Nguyễn Hoàng

Bình luận

ZALO