Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 02/06/2023 09:55 GMT+7

Sân chơi bổ ích cho cán bộ, chiến sĩ nơi địa đầu Tổ quốc

Biên phòng - Nhân dịp gần một năm phát sóng Chương trình “Biên giới là quê hương” do Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Hà Giang phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thực hiện, chúng tôi có bài phỏng vấn Thượng tá Đào Hồng Hà, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Hà Giang, đồng Tổng đạo diễn chương trình.

5a4c4d657a76df4ef1001e6e
Thượng tá Đào Hồng Hà. Ảnh: Xuân Minh

PV: Được biết, chương trình truyền hình “Biên giới là quê hương” vẫn đang được thực hiện tại các đồn Biên phòng trên tuyến biên giới tỉnh Hà Giang, đồng chí cho biết, mục đích, ý nghĩa của chương trình như thế nào?

Thượng tá Đào Hồng Hà: Với mục đích giới thiệu lịch sử đường biên, mốc quốc giới, khu vực biên giới, cuộc sống, công tác huấn luyện, học tập, sinh hoạt của BĐBP Hà Giang đến đông đảo người xem truyền hình; tạo sân chơi bổ ích, bồi dưỡng kiến thức, phương pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng yêu nước và tự hào dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Chương trình là sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hà Giang trong từng phần việc, từ xây dựng kế hoạch, thành lập ê-kíp tổ chức sản xuất chương trình và phối hợp trong công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

PV: Đồng chí có thể cho biết quy mô, cách thức thể hiện cũng như nội dung của Chương trình “Biên giới là quê hương”?

Thượng tá Đào Hồng Hà: Chương trình “Biên giới là quê hương” được tổ chức theo quy mô cấp tỉnh, lấy các đồn Biên phòng là chủ đề, làm đầu mối đại diện để thực hiện chương trình. Đến nay, chúng tôi đã tiến hành ghi hình và phát sóng được 10/13 số (tính cả 12 đồn Biên phòng và Gala tổng kết một năm, dự kiến phát sóng vào tháng 2-2018).

Về cách thức, chúng tôi chỉ đạo các đồn Biên phòng thường xuyên phối hợp với Trung tâm văn hóa các huyện biên giới, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn biên giới duy trì nền nếp hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, đồng thời chỉ đạo, giao nhiệm vụ và tạo điều kiện thuận lợi để Tổ tuyên truyền văn hóa của đơn vị phối hợp chặt chẽ với các hạt nhân văn nghệ trên địa bàn đẩy mạnh hoạt động giao lưu, biểu diễn phục vụ nhân dân, qua đó lựa chọn các hạt nhân văn nghệ tiêu biểu, tiết mục hay, có ý nghĩa để phục vụ Chương trình “Biên giới là quê hương”. Qua thực tiễn, chúng tôi thấy cách thức này đã phát huy hiệu quả của công tác tuyên truyền văn hóa. Về nội dung chương trình luôn có sự đổi mới, tạo được yếu tố bất ngờ, cuốn hút người xem.

PV: Xin đồng chí giới thiệu cho bạn đọc biết phần quan trọng nhất trong Chương trình “Biên giới là quê hương”?

Thượng tá Đào Hồng Hà: Trong mỗi số của Chương trình “Biên giới là quê hương” có rất nhiều phần, trong đó, “Cột mốc kể chuyện” là một trong những phần quan trọng và ý nghĩa nhất. Nghe qua, thấy phần này có vẻ trừu tượng, nhưng thực chất, đây là ý tưởng mà đạo diễn chương trình muốn gây sự tò mò cho người xem và chúng tôi đã lột tả phần này bằng một hoặc nhiều phóng sự ngắn nói về lịch sử của cột mốc, về lịch sử của đơn vị thông qua hình ảnh cột mốc. Qua đó giúp cho người xem truyền hình nắm được sâu hơn, cụ thể hơn về chức năng, nhiệm vụ và sự vất vả, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ BĐBP nói chung và từng đồn Biên phòng nói riêng.

qban_20b
Một tiết mục biểu diễn trong Chương trình “Biên giới là quê hương” của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Làn. Ảnh: Xuân Minh

PV: Dưới góc độ là Tổng đạo diễn, qua một năm thực hiện Chương trình “Biên giới là quê hương”, đồng chí rút ra kinh nghiệm gì?

Thượng tá Đào Hồng Hà: Sau một năm trực tiếp chỉ đạo chương trình, tôi thấy hiệu quả rất tốt, thu hút được đông đảo cán bộ, chiến sĩ cũng như nhân dân đến xem, cổ vũ, động viên lúc ghi hình cũng như theo dõi qua truyền hình Hà Giang, giúp cho mọi người hiểu thêm về biên giới và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của cán bộ, chiến sĩ BĐBP cũng như nhân dân khu vực biên giới. Theo tôi, đây là một trong những chương trình hay, bổ ích, rất ý nghĩa.

Năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì nhưng sẽ nghiên cứu, thường xuyên đổi mới hình thức, nội dung chương trình. Với cách làm này, tôi tin rằng, không chỉ Hà Giang mà nhiều tỉnh khác cũng có thể áp dụng. Năm 2018, nếu tổ chức thực hiện thành công chương trình này sẽ góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống BĐBP Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Phạm Minh - Kim Nhượng (Thực hiện)

Bình luận

ZALO